Đột phá của Giám đốc Trần Chí Dũng

Từ những ý tưởng với tinh thần 'tiên phong tạo lối', Đại tá Trần Chí Dũng, Giám đốc Nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã thổi luồng gió mới, tạo sự đột phá trong công tác nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới thiết thực phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và dân sinh; mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu... giúp doanh thu và lợi nhuận của Nhà máy tăng mạnh; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân viên ngày càng được nâng cao.

Tạo nền tảng để phát triển bền vững

Đại tá Trần Chí Dũng sinh năm 1976, tốt nghiệp ngành đạn, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Năm 2019, sau nhiều năm công tác tại cơ quan Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, anh được điều động đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nhà máy Z113. “Nếu cứ đi mãi một lối mòn thì khó đi xa. Để phát triển bền vững, cần phải luôn giữ tinh thần khởi nghiệp, đặt mình trong khó khăn thì mới tìm ra hướng đi mới, cách quản lý mới, tạo ra sản phẩm mới, mở rộng thị trường...”, Đại tá Trần Chí Dũng mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, một trong những hướng được Giám đốc Trần Chí Dũng ưu tiên là đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học. Theo anh, quản lý một nhà máy sản xuất đạn, thuốc nổ có bề dày truyền thống là niềm vinh dự nhưng cũng đầy áp lực. Áp lực là vừa phải tiếp tục phát huy thế mạnh các sản phẩm truyền thống, nhưng đồng thời phải tìm được hướng đi mới, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, khai thác tối đa các dây chuyền công nghệ để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và dân sinh, bảo đảm việc làm cho hàng nghìn lao động... Điều này chỉ có thể có được nếu đẩy mạnh công tác nghiên cứu sáng tạo.

Đại tá Trần Chí Dũng, Giám đốc Nhà máy Z113 (hàng đầu, bên phải) cùng đại diện các cơ quan trong buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống phóng đạn chữa cháy từ xa. Ảnh: MẠNH CHIẾN

Đại tá Trần Chí Dũng, Giám đốc Nhà máy Z113 (hàng đầu, bên phải) cùng đại diện các cơ quan trong buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống phóng đạn chữa cháy từ xa. Ảnh: MẠNH CHIẾN

Tạo niềm tin, động lực, cơ chế phù hợp để khích lệ, động viên đội ngũ cán bộ kỹ thuật nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn cao là mục đích của Giám đốc Trần Chí Dũng. Anh đã làm được điều này, đã thổi luồng gió mới vào phong trào nghiên cứu khoa học của Nhà máy khi trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái chữa cháy, đạn chữa cháy. Ngay sau thành công này, Giám đốc Trần Chí Dũng cùng tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức lại lực lượng, tập hợp các cán bộ kỹ thuật có trình độ, năng lực để tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu mới... Đại tá Trần Chí Dũng chia sẻ thêm: “Để đội ngũ cán bộ, kỹ sư phát huy hết khả năng, tâm huyết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đột phá trong công tác nghiên cứu khoa học thì ngoài bảo đảm tốt chế độ, chính sách, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu thì điều quan trọng là phải mạnh dạn tin tưởng giao nhiệm vụ, động viên, khuyến khích kịp thời. Mình là giám đốc nhưng khi tranh luận khoa học luôn phải bình đẳng, tôn trọng ý kiến của anh em để cùng bàn bạc đi đến đích cuối cùng”.

Nhờ các chủ trương đúng đắn, công tác nghiên cứu sáng tạo khoa học ở Nhà máy Z113 những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ, mỗi năm, Nhà máy có hàng chục đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được nghiên cứu thành công, ứng dụng hiệu quả. Không ít cán bộ được sự động viên, hướng dẫn của Giám đốc Trần Chí Dũng đã mạnh dạn nhận đề tài, nghiên cứu thành công, ví dụ đề tài nghiên cứu chế tạo quả cầu chữa cháy. Sản phẩm quả cầu chữa cháy hiện đã được thương mại hóa và trở thành thương hiệu của Nhà máy Z113.

Giai đoạn 2019-2023, thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên Nhà máy Z113 liên tục tăng từ 11,39 triệu đồng/người/tháng lên 17,73 triệu đồng/người/tháng, trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Năm 2023, Nhà máy là một trong 64 doanh nghiệp trong cả nước được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”, một trong 9 doanh nghiệp được Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tặng bằng khen.

Đột phá về sản phẩm, thị trường

Từ việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, từ năm 2019 đến nay đã có 12 sản phẩm đạn, trang bị mới được Nhà máy Z113 đưa vào sản xuất loạt “0” gồm: Đạn 7,62-K56 lõi hợp kim cứng xuyên giáp; đạn pháo 25mm, đạn 30mm, 76,2mm hải quân; đạn 7,62x51mm xuyên giáp; đạn 7,62x54mm K53 bắn tỉa; đạn 9x19mm cận dưới âm; đạn pháo 85-D44 xuyên vượt tốc; 3 loại đạn pháo chiến dịch 122-Đ74, 130-M46, 152-Đ20... Việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo, làm chủ công nghệ, sản xuất thành công các sản phẩm vũ khí đạn dược mới, hiện đại có ý nghĩa rất lớn cả về chính trị, quân sự, kinh tế và khoa học-công nghệ.

Cùng với sản phẩm quốc phòng, nhiều sản phẩm kinh tế cũng được Nhà máy Z113 sản xuất thành công. Điển hình như dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Trần Chí Dũng, đội ngũ kỹ sư Nhà máy Z113 đã nghiên cứu, sản xuất thành công 4 sản phẩm chữa cháy công nghệ cao, gồm: Quả cầu chữa cháy; ống phóng chữa cháy; dàn phóng chữa cháy và máy bay không người lái chữa cháy. Theo “tiết lộ” của Giám đốc Trần Chí Dũng, đã có đối tác mời chào chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm này với giá 1 triệu đô-la Mỹ nhưng với quyết tâm làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm phù hợp, thiết thực phục vụ đất nước, anh không đồng ý. Hiện nay, hệ thống phương tiện chữa cháy từ xa (gồm đạn, phương tiện bay không người lái, ống phóng) của Nhà máy đã được hoàn thành, nghiệm thu, được các cơ quan chuyên môn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đánh giá cao, gây tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước thông qua các cuộc bắn trình diễn, diễn tập, triển lãm và giành được nhiều giải thưởng.

Ngoài những sản phẩm nêu trên, Nhà máy Z113 còn chú trọng đẩy mạnh sản xuất, phát triển mặt hàng kinh tế như thuốc nổ công nghiệp; mồi nổ, mồi nổ tăng cường; máy cưa thép ARG 235 Plus... Nhưng sản phẩm làm ra cần có thị trường tiêu thụ. Thị trường trong nước rất quan trọng, tuy nhiên, muốn “làm ăn lớn” cần phải tìm kiếm thị trường quốc tế. Thời điểm năm 2019, ý tưởng xuất khẩu sản phẩm thuốc nổ của Giám đốc Trần Chí Dũng khiến nhiều người không tin. Nhưng với quyết tâm cao, anh Dũng cùng Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy đã báo cáo xin phép cơ quan chức năng, tìm tòi, liên hệ và lần đầu tiên có được đơn hàng xuất khẩu 100 tấn thuốc nổ TNT, tạo một dấu mốc mới trong hành trình đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy. Từ việc ban đầu phải xuất khẩu qua đối tác trung gian, hiện nay, Nhà máy đã có thể ký hợp đồng trực tiếp với các bạn hàng; thị trường xuất khẩu của Nhà máy đã mở rộng ra 8 nước...

Đại tá Trần Chí Dũng, Giám đốc Nhà máy Z113 (đứng thứ tư, từ trái sang ở hàng mặc quân phục) trong một buổi thử nghiệm thiết bị bay không người lái. Ảnh: MẠNH CHIẾN

Đại tá Trần Chí Dũng, Giám đốc Nhà máy Z113 (đứng thứ tư, từ trái sang ở hàng mặc quân phục) trong một buổi thử nghiệm thiết bị bay không người lái. Ảnh: MẠNH CHIẾN

Nhờ đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, các dây chuyền sản xuất của Nhà máy Z113 luôn hoạt động 100% công suất, việc làm của hàng nghìn người lao động được bảo đảm. Doanh thu của Nhà máy cũng tăng mạnh, từ hơn 1.000 tỷ đồng năm 2019 lên hơn 2.200 tỷ đồng năm 2023, dự kiến năm 2025 sẽ đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2023, sản lượng xuất khẩu thuốc nổ của Nhà máy đạt hơn 21.300 tấn, cao nhất từ trước tới nay, doanh thu sản phẩm kinh tế đạt hơn 1.008 tỷ đồng.

Trước khi chia tay chúng tôi, Đại tá Trần Chí Dũng bày tỏ, kết quả phát triển của Nhà máy ngoài nguyên nhân được sự quan tâm của cấp trên, sự nỗ lực của lãnh đạo, chỉ huy, đội ngũ cán bộ đơn vị thì một yếu tố quan trọng là do sự đóng góp to lớn, tích cực của người lao động. Bởi vậy, quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là một nội dung luôn được bản thân giám đốc và Nhà máy đặc biệt chú trọng. “Từ lợi nhuận thu được, thời gian qua, Nhà máy đã đầu tư nhiều công trình, thiết chế, có nhiều cơ chế, chính sách để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người lao động. Điển hình như năm 2022, Nhà máy đã đầu tư 6 tỷ đồng xây dựng, khánh thành khu tẩy độc, hoạt động rất hiệu quả, giúp nâng cao sức khỏe cho công nhân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa vấn đề này”, Đại tá Trần Chí Dũng nhấn mạnh.

Với những thành tích trong công tác, Đại tá Trần Chí Dũng được bầu là Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2020, 2021, 2023; được Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn-cứu hộ (Bộ Công an) tặng nhiều bằng khen.

TRUNG KIÊN - ĐỨC TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/dot-pha-cua-giam-doc-tran-chi-dung-763094