Đột phá hạ tầng giao thông
Năm 2023, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc có 9 dự án, dài 475 km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km
Nếu giai đoạn 2001-2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89 km đường cao tốc; giai đoạn 2011-2020 đưa vào khai thác thêm 1.074 km, thì chỉ trong nửa nhiệm kỳ qua (2021-2023), 730 km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác, nâng tổng số đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.892 km. Như vậy, chỉ trong 3 năm, chiều dài đường cao tốc hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước.
Hiện thực hóa khát vọng 5. 000 km đường cao tốc
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề, đóng vai trò quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Dưới sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng; sự hỗ trợ, giám sát thường xuyên của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương; sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và của nhân dân; toàn ngành GTVT đã duy trì sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, đã tạo được sự chuyển biến toàn diện, rõ nét trên tất cả các lĩnh vực quản lý với những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Theo Bộ trưởng GTVT, năm 2023 có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, với việc khởi công 26 dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường và lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần.
Cùng với đó, khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây; các tuyến Vành đai đô thị tại Hà Nội, TP HCM; khởi công công trình nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất...
Năm 2023 đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án dài 475 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km. Cụ thể, 9 dự án cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023, gồm: Tuyên Quang - Phú Thọ (40,2 km); Mai Sơn - Quốc Lộ 45 (63,37 km); Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (43,28 km); Nghị Sơn - Diễn Châu (50 km); Nha Trang - Cam Lâm (49 km); Vĩnh Hảo - Phan Thiết (100,8 km); Phan Thiết - Dầu Giây (99 km); Cầu Mỹ Thuận 2 (6,61 km); Mỹ Thuận - Cần Thơ (23 km).
Đường mở đến đâu, người dân thuận lợi đến đó
Tại hội nghị tổng kết năm 2023 của ngành GTVT, trong phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2023 là năm thời cơ thuận lợi đan xen khó khăn thách thức. Trong đó khó khăn thách thức nhiều hơn, nhiều diễn biến phức tạp của tình hình thế giới vượt khỏi tầm kiểm soát và không thể dự báo trước. Điều này đã tác động lớn đến tình hình trong nước, trong đó có ngành GTVT.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, nỗ lực của Bộ GTVT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng với cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, phát triển hạ tầng, góp phần xóa đói giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
"Đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó, đường đi đến đâu, người dân thuận lợi đến đó, đường đi đến đâu khu công nghiệp, nông thôn phát triển theo" - Thủ tướng nói. Nhắc lại sự kiện đầu năm 2023, lần đầu tiên, Bộ GTVT triển khai khởi công trực tuyến 12 dự án cao tốc Bắc-Nam, đến cuối năm tiếp tục khánh thành 4 dự án ngành GTVT từ sân bay, cầu, đường cao tốc ở hai đầu đất nước, Thủ tướng khẳng định trong thành tích chung của đất nước có sự đóng góp lớn của ngành GTVT cũng như các địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá trong năm 2023, Bộ GTVT đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tiến hành khởi công các tuyến đường vành đai vùng thủ đô Hà Nội, TP HCM, các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng nhấn mạnh và biểu dương toàn ngành GTVT đã làm việc với tinh thần hăng say, xuyên lễ, xuyên Tết, vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, chỉ tiến không lùi, ba ca bốn kíp, không ngừng nghỉ ngày đêm sớm tối. Chỉ trong nửa nhiệm kỳ đầu đã hoàn thành trên 730 km đường cao tốc.
Bộ GTVT xác định 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021- 2025. Trong đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế dự toán để khởi công các dự án theo kế hoạch trong kỳ trung hạn 2021-2025, nhất là các dự án nối thông đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia cũng được Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công như: Đoạn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án thành phần 2 các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu; sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn.
Đáng chú ý, trong năm 2024, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc. Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền, các địa phương sớm khởi công các dự án trọng điểm, có tính liên vùng như cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP HCM - Chơn Thành. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP HCM, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất... Phối hợp với UBND TP Hà Nội và TP HCM đưa vào vận hành khai thác đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên...
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), cho biết trong nhiều năm trở lại đây, phong trào thi đua làm việc xuyên lễ, xuyên Tết đã được Bộ GTVT liên tục phát động và được các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai rất nghiêm túc.
Năm 2024, ngành GTVT tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ khi ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện 1 chỉ đạo tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông để hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua "Xuân Giáp Thìn trên các công trường giao thông". Phong trào thi đua được triển khai từ ngày 25-1-2024 (ngày 15 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết ngày 25-2-2024 (ngày 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Phong trào thi đua được triển khai đến tất cả các công trình, dự án của ngành GTVT, đặc biệt là các dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dot-pha-ha-tang-giao-thong-196240207131639239.htm