Đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo kỹ thuật mật mã và an toàn thông tin
Sau khi đất nước thống nhất, để đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành cơ yếu Việt Nam, ngày 15-4-1976, Trường Cán bộ Cơ yếu Trung ương, tiền thân của Học viện Kỹ thuật mật mã (KTMM) được thành lập.
Những ngày đầu, trường chỉ được biên chế vài chục cán bộ, nhân viên, phần lớn là cán bộ, sĩ quan cơ yếu tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chưa được đào tạo cơ bản, không có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực, ngày 15-3-1977, trường đã mở lớp huấn luyện sử dụng máy mã đầu tiên cho 63 cán bộ, sĩ quan cơ yếu; tháng 10-1986, trường tuyển sinh khóa đầu tiên đào tạo bậc đại học chuyên ngành KTMM và tổ chức đào tạo thạc sĩ khóa đầu tiên năm 2002, tiến sĩ năm 2013.
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, từ một trường đào tạo cán bộ cho ngành cơ yếu, đến nay Học viện KTMM đã trở thành một cơ sở đào tạo đa ngành, cung cấp nguồn nhân lực ngành cơ yếu Việt Nam, lĩnh vực quốc phòng-an ninh, kinh tế-xã hội. Năm 2004, học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trong cả nước được phép đào tạo kỹ sư an toàn thông tin (ATTT), đáp ứng nguồn nhân lực cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức kinh tế-xã hội. Năm 2016, học viện mở mới và bắt đầu tuyển sinh đào tạo kỹ sư chuyên ngành phần mềm nhúng và di động; năm 2017 đào tạo kỹ sư chuyên ngành hệ thống nhúng và điều khiển tự động, vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa khẳng định vị thế trong khối các trường đào tạo về lĩnh vực khoa học, công nghệ. Từ năm 2015 đến nay, học viện đã tổ chức hơn 50 khóa đào tạo dài hạn với hơn 330 lớp học, triển khai 80 khóa bồi dưỡng ngắn hạn; trung bình mỗi năm đào tạo khoảng 3.500 lượt học viên, sinh viên. Trong 5 năm vừa qua, học viện đã đào tạo hơn 2.000 kỹ sư và cán bộ, nhân viên chuyên ngành KTMM và ATTT, trên 200 học viên sau đại học.
Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo đội ngũ kỹ sư và cán bộ, nhân viên kỹ thuật bảo mật, ATTT trong nước, thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của Đảng, Nhà nước, học viện đã đào tạo giúp các nước bạn Lào, Campuchia và Cuba với hơn 250 lượt lưu học sinh từ trình độ trung cấp đến thạc sĩ, thực tập sinh chuyên ngành KTMM và các khóa tập huấn bồi dưỡng ngắn hạn về KTMM, CNTT, ATTT. Đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, từ năm 2015 đến nay, học viện tổ chức nghiên cứu 41 đề tài cấp cơ sở, 16 đề tài cấp ban và 3 đề tài cấp quốc gia. Ngoài việc hợp tác với các đối tác truyền thống như Nga, Cuba, Lào... học viện còn mở rộng hợp tác đào tạo, nghiên cứu với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu của các nước phát triển, các tập đoàn, cơ sở giáo dục đại học trong nước để trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, tổ chức quản lý.
Ngày 5-3-2020, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 56-NQ/TW về Chiến lược phát triển ngành cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, trong đó xác định: “Xây dựng Học viện KTMM thành trung tâm đào tạo chất lượng cao về KTMM và ATTT, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cơ yếu và nhu cầu cho lĩnh vực kinh tế-xã hội”. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, học viện sẽ tập trung mọi nguồn lực nhằm tạo sự đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển chương trình đào tạo theo định hướng chiến lược phát triển ngành cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, hiện đại, đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh với cộng đồng. Học viện nâng cao chất lượng nguồn đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với chuyên ngành KTMM và đào tạo sau đại học; tăng quy mô đào tạo sau đại học; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; điều chỉnh quy mô ngành học, triển khai đào tạo liên kết, chú trọng đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên. Cùng với đó, học viện sẽ tập trung nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học gắn với đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; chủ động xây dựng các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ trung, dài hạn, các chương trình nghiên cứu.
Đồng thời với nâng cao năng lực sáng tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên, học viện triển khai mô hình hướng dẫn đào tạo tiến sĩ với một số trường đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu trong nước và quốc tế; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh và các lab chuyên sâu. Ngoài ra, mở rộng mạng lưới, tăng cường quan hệ với các đối tác giáo dục, nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng các chương trình đào tạo liên kết quy mô quốc tế; tăng cường tổ chức các hội thảo quốc gia và quốc tế...
Viết tiếp truyền thống vẻ vang của đơn vị và phát huy thành quả của các thế hệ đi trước, cán bộ, giảng viên, nhân viên Học viện KTMM quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và ngành giao; chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, sớm đưa học viện trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao về KTMM và ATTT, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cơ yếu và nhu cầu xã hội, tạo vị thế trong khu vực và quốc tế.