Đột phá trong bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở Đồng Hỷ

Được thiên nhiên ban tặng, ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, hòa quyện những lễ hội đặc trưng, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, đây là điều kiện thuận lợi để Đồng Hỷ phát huy tiềm năng, thế mạnh trong việc phát triển du lịch sinh thái gắn các di tích lịch sử cũng như bảo tồn và phát triển du lịch đồng bào dân tộc thiểu số.

Bức tranh thiên nhiên hữu tình mang đậm văn hóa truyền thống

Đồng Hỷ là huyện miền núi, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 5 km. Phía Bắc giáp huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên và huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, phía Nam giáp huyện Phú Bình và thành phố Thái Nguyên, phía Đông giáp huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, phía Tây giáp huyện Phú Lương và thành phố Thái Nguyên.

Nhắc đến Đồng Hỷ là nhắc đến những đồi chè xanh mướt trải dài trên các triền đồi, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp. Bức tranh ấy được nông dân vùng chè khảm khắc từ nhiều đời nay. Đó là từng nương chè xanh căng tràn sức sống; từng vệt đường như vết cắt đều nét chia đồi chè thành lô, thành lõng, ở giữa có điểm những vòi tưới phun xoay tự động như mưa vương nhẹ trên búp chè. Uốn lượn quanh những bạt ngàn đồi chè nối nhau là dòng sông Cầu thơ mộng, hiền hòa.

 Đồi chè xanh mướt tại Đồng Hỷ.

Đồi chè xanh mướt tại Đồng Hỷ.

Mùa xuân, sắc non mơn mởn của búp chè phủ lên những quả đồi bát úp san sát. Người Đồng Hỷ thường hái chè từ buổi sớm tinh sương bởi thời điểm này mặt trời chưa gắt, sương còn ướt cũng là lúc chè cho hương vị ngon nhất. Họ vừa hái chè vừa kể cho du khách đến thăm quan nghe về lịch sử của cây chè trên vùng đất họ đang sinh sống. Nghe để thấu được về những thăng trầm đời người, đời chè. Vậy nên lúc bưng chén trà ngang miệng, khách chưa vội uống, mà thưởng hương bằng mũi, rồi mới nhấp nháp ngẫm nghĩ cái vị ngọt hậu đọng ở bờ môi.

Du lịch sinh thái, trải nghiệm ở Đồng Hỷ còn là những cung đường uốn lượn quanh làng quê yên bình; là tuyến đường bên tông như dải lụa bạc vắt ngang triền núi lên “cổng trời” Bản Tèn, nơi có khí hậu mát mẻ và còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông.

Nhằm góp phần làm phong phú các hoạt động du lịch, tạo điểm nhấn giới thiệu, quảng bá hình ảnh huyện Đồng Hỷ đến với du khách, gắn phát triển du lịch, dịch vụ với phát triển nông nghiệp; nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, huyện Đồng Hỷ đã thực hiện mô hình trồng hoa tam giác mạch tại Bản Tèn.

Nơi đây cũng được lựa chọn là địa điểm tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông. Ngày hội được tổ chức hai năm/lần góp phần bảo tồn, giáo dục và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết và làm phong phú thêm các hoạt động trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông trên địa bàn huyện Đồng Hỷ.

 Du khách trải nghiệm tại vùng chè Văn Hán (Đồng Hỷ). (Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên)

Du khách trải nghiệm tại vùng chè Văn Hán (Đồng Hỷ). (Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên)

Đến với Ngày hội, du khách sẽ được hòa mình tham gia các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Mông do các nghệ nhân, vận động viên là người dân tộc Mông của các xã trên địa bàn huyện biểu diễn và thi đấu. Ngày hội thường diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật như: Thi thổi khèn, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông; thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian như chọi chim họa mi, đánh cù, kéo co, đẩy gậy; thi ẩm thực với các món ăn truyền thống mèn mén, thắng cố…, chiêm ngưỡng sắc màu tươi đẹp của loài hoa tam giác mạch.

Rời Bản Tèn thơ mộng, du khách có thể ngắm vẻ đẹp hoang sơ của Hang Chùa và thắng cảnh Thác Tiên, ở xã Văn Lăng. Hang có chiều dài gần 1km và chiều rộng nhất trên 100m, được chia làm 3 tầng, trong hang vẫn còn chứa nhiều cột đá cao, phiến đá bằng phẳng, cùng hệ thống nhũ đá với nhiều hình dáng, kích thước, màu sắc khác nhau làm nên vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo và thơ mộng...

Thời gian qua, điểm du lịch này đã được nhiều chuyên gia hang động và du khách ghé đến.Điều hấp dẫn du khách khi với Đồng Hỷ không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên hài hòa mà còn là cơ hội trải nghiệm cuộc sống và khám phá những nét văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Dìu, Ngái....

Các dân tộc trên địa bàn đã hình thành một bề dày văn hóa với nhiều giá trị văn hóa truyền thống vẫn được bảo tồn, phát huy và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Những giải pháp tạo đột phá

Từ những tiềm năng lớn phát triển du lịch, theo ông Vũ Quang Dũng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, huyện đã đề ra một số giải pháp trọng tâm để phát triển hiệu quả du lịch trong thời gian tới là cần rà soát, tổ chức quy hoạch xác định những lợi thế của nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là quy hoạch về kiến trúc, cảnh quan.

"Điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn phải được được quy hoạch, đầu tư đồng bộ đảm bảo các yếu tố cảnh quan, môi trường, hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật... Các điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cần được tổ chức quy hoạch không gian đảm bảo các điều kiện để khai thác điểm đến du lịch mang bản sắc vùng miền gắn với môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc, ẩm thực đặc trưng mang đậm bản sắc, làng nghề truyền thống...", ông Vũ Quang Dũng cho biết.

 Nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc.

Nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc.

Bên cạnh đó, Đồng Hỷ sẽ ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận điểm du lịch nông nghiệp, đồng thời hình thành mối liên kết giữa điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn, hình thành các tour để nâng cao hiệu quả khai thác chương trình du lịch của các công ty lữ hành.

Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ nhấn mạnh đến việc tập trung đầu tư công tác tập huấn nâng cao năng lực cho người dân nông thôn trong việc phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, nâng cao công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng.Đồng thời, phát huy và sử dụng hiệu quả các giá trị truyền thống, tập quán sản xuất, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái gắn với chuyển đổi số. Trong đó, đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên.

 Bản Tèn (Đồng Hỷ) có điều kiện khí hậu mát mẻ, cảnh quan tự nhiên đẹp nên có tiềm năng lớn phát triển du lịch. (Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên)

Bản Tèn (Đồng Hỷ) có điều kiện khí hậu mát mẻ, cảnh quan tự nhiên đẹp nên có tiềm năng lớn phát triển du lịch. (Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên)

"Huyện chủ trương tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương, sản phẩm OCOP để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, đồng thời tập trung cải tạo, tạo không gian thoáng đãng, dân dã để du khách được trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từng bước tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, đặc biệt là chính sách đất đai, phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, thu hút đầu tư vào du lịch, nông nghiệp...", ông Vũ Quang Dũng chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ Vũ Quang Dũng, xác định tiềm năng, thế mạnh to lớn về phát triển ngành công nghiệp “không khói”, huyện Đồng Hỷ xác định mục tiêu phát triển du lịch trong thời gian tới là tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Đề án “Bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh thắng, làng nghề và du lịch huyện Đồng Hỷ giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, tập trung dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện như: Du lịch văn hóa, lịch sử về nguồn; sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, trải nghiệm vùng chè và văn hóa trà...

Hoàng Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dot-pha-trong-bao-ton-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-gan-voi-phat-trien-du-lich-o-dong-hy-post315646.html