Đột phá trong cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Từ khi Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa được đưa vào vận hành chính thức, đặc biệt thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 1-4-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện, tạo bước đột phá mới, góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh.
Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Cung cấp và sử dụng DVCTT là bước đột phá trong cải cách hành chính, giúp người dân, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) ở mọi lúc, mọi nơi, không phải đi lại nhiều lần, không phải xếp hàng và không mất thời gian chờ đợi. Đặc biệt, khi sử dụng DVCTT, người dân và doanh nghiệp sẽ tránh được sự nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức; tăng tính công khai, minh mạch trong giải quyết TTHC của các cơ quan Nhà nước. Việc gửi hồ sơ qua DVCTT còn giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối Internet. Nếu trước đây, muốn giải quyết TTHC, người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan Nhà nước nhận phiếu theo thứ tự và chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ để xử lý. Nhưng nay, khi sử dụng DVCTT, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị, ở trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet, đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ của mình. Vì vậy, khi sử dụng DVCTT, các tổ chức, cá nhân sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và cắt giảm các chi phí đi lại, nhất là đối với các huyện miền núi.
Mặc dù có rất nhiều tiện ích cho người dân, đặc biệt là doanh nghiệp nhưng hiện nay nhiều người dân vẫn chưa quen với cách làm mới, ngại thay đổi cách giao dịch với cơ quan Nhà nước thông qua môi trường điện tử để thực hiện các TTHC. Để thúc đẩy và tăng số lượng tổ chức, cá nhân sử dụng DVCTT mức độ 3 và 4, ngày 16-9-2019, Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa (https://dichvucong.thanhhoa.gov.vn) được đưa vào vận hành, kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với Cục Kiểm soát TTHC – Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đẩy nhanh thực hiện khai báo, kiểm thử để tích hợp cung cấp DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ công tỉnh, hệ thống “một cửa” điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến hỗ trợ thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân có thể thanh toán phí và lệ phí thông qua tài khoản ngân hàng hoặc các ví điện tử, thẻ điện thoại... Hiện nay, Cổng dịch vụ công tỉnh cung cấp 818 DVCTT (mức độ 3 là 179 và mức độ 4 là 639); đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 640 DVCTT. Sau hơn 1 năm Cổng dịch vụ công tỉnh được đưa vào vận hành và gần 1 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, số TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 tăng cao so với những năm trước đây. Năm 2020, toàn tỉnh tiếp nhận trên 75.000 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 (tăng 51 lần so với năm 2019).
Để nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh và tiếp tục khắc phục những hạn chế còn tồn tại, ngày 1-1-2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 01/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2021. Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm về cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện Quyết định số 01/QĐ-UBND, các sở, ngành và các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các chỉ tiêu được giao và đạt nhiều kết quả tích cực. 2 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống cổng dịch vụ công và phần mềm một cửa điện tử hơn 103.000 hồ sơ, trong đó tiếp nhận và giải quyết 24.400 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Nhiều đơn vị cấp tỉnh đạt tất cả các chỉ tiêu giao, tiêu biểu là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ. Nhiều UBND cấp huyện đạt tất cả các chỉ tiêu giao như TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, các huyện Thạch Thành, Nga Sơn, Hoằng Hóa. Một số huyện, thị xã, thành phố có UBND cấp xã đạt chỉ tiêu giao là TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, các huyện Đông Sơn, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Nga Sơn, Như Thanh... Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được rất tích cực, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến vẫn còn những hạn chế đó là: Tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3 của UBND cấp xã chưa đạt chỉ tiêu giao. Một số đơn vị tình trạng hồ sơ xử lý quá hạn trên phần mềm còn nhiều (chủ yếu của cấp xã) như Triệu Sơn, Hậu Lộc, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thường Xuân.
Đồng chí Đỗ Kiên, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Để bảo đảm các chỉ tiêu được giao về tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh và phần mềm “một cửa” điện tử theo quy định, các đơn vị chưa đạt các chỉ tiêu giao cần chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 12/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh. Các đơn vị còn để nhiều hồ sơ đang xử lý quá hạn trên phần mềm cần làm rõ trách nhiệm và sớm khắc phục vì nội dung này ảnh hưởng đến chấm điểm cải cách hành chính của tỉnh. Về đẩy nhanh việc cung cấp DVCTT mức độ 4, các sở, ban, ngành, các địa phương cần tiếp tục rà soát để bảo đảm 100% các TTHC đủ điều kiện được cung cấp ở mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp”.