Đột phá từ Chỉ thị số 40-CT/TW (Kỳ 2)

Học tập, nhà ở - hai hành trình, ước mơ lớn của mỗi người. Với sự hỗ trợ của vốn chính sách, những giấc mơ này đã trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.

Kỳ II – Mở ra tương lai cho những ước mơ lớn

Xây nên những tổ ấm

“An cư, lạc nghiệp” là niềm mong mỏi chính đáng và giản đơn của con người, nhưng với nhiều gia đình công chức, viên chức và người lao động thu nhập thấp lại là điều không đơn giản. Để toại nguyện ước mơ của những gia đình còn gặp khó khăn, nguồn vốn của NHCSXH được coi là “chìa khóa” giúp họ xây nên những tổ ấm.

Trong căn nhà vừa mới xây khang trang, chị Trần Thị Thu Hường (tổ 1, phường Tây Sơn, thành phố Tam Điệp) không giấu được niềm vui. Chị Hường cho biết: Vợ chồng chị người quê Nho Quan, người quê Yên Mô nhưng lại lập nghiệp ở thành phố Tam Điệp. Anh chị đều là công nhân của Công ty CP TPXK Đồng Giao, tổng thu nhập hàng tháng chỉ vẻn vẹn khoảng 15 triệu đồng trong khi đó còn đang phải thuê nhà, nuôi con nhỏ nên cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Trước đó, nhờ dành dụm và sự giúp đỡ của 2 bên nội ngoại, gia đình đã mua được một mảnh đất nhỏ là cả một sự cố gắng lớn nên việc xây nhà vợ chồng chị chưa dám nghĩ tới. Thế rồi cuối năm 2023, ngay sau khi biết được Chương trình cho vay Nhà ở xã hội của NHCSXH, vợ chồng chị mạnh dạn vay 460 triệu đồng để xây nhà. Giờ đây, được sống trong ngôi nhà mới rộng, đẹp, con cái đi học thuận tiện, vợ chồng chị có thêm miền vui động lực để quyết tâm làm việc, xây dựng cuộc sống.

Cán bộ, nhân viên NHCSXH chia sẻ niềm vui trong căn nhà mới cùng với chị Quách Thị Ninh ở xóm Dò, xã Yên Hưng, huyện Yên Mô

Cán bộ, nhân viên NHCSXH chia sẻ niềm vui trong căn nhà mới cùng với chị Quách Thị Ninh ở xóm Dò, xã Yên Hưng, huyện Yên Mô

Còn với chị Quách Thị Ninh ở xóm Dò, xã Yên Hưng, huyện Yên Mô, căn nhà mới đã mở ra một trang mới trong hạnh phúc của vợ chồng chị. Chị Ninh là công nhân của một nhà máy ở Cụm Công nghiệp Khánh Thượng, chồng chị làm thợ xây. Sau khi dành dụm mua được mảnh đất 100 m2, vợ chồng chị tính vay ngân hàng thương mại để xây nhà. Đang lúc phân vân vì nếu vay ngân hàng mấy trăm triệu đồng thì số tiền lãi và vốn phải trả hàng tháng quá cao so với thu nhập, rồi chị biết đến Chương trình vay nhà ở xã hội nên mạnh dạn vay số tiền 400 triệu đồng. Bây giờ nhà mới đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, gia đình chị rất vui.

“Lãi suất của chương trình Cho vay Nhà ở xã hội có nhiều ưu đãi, thời gian cho vay dài phù hợp với thu nhập của gia đình tôi, nên giảm áp lực trả nợ phân kỳ, nhờ đó mà gia đình mới có động lực để xây dựng căn nhà mới hiện nay. Giờ đây hai vợ chồng sẽ cùng nhau cố gắng tiết kiệm để trả lãi, trả nợ cho Ngân hàng theo đúng cam kết” – chị Ninh chia sẻ.

Niềm vui của chị Hường, chị Ninh cũng là tâm trạng chung của các hộ gia đình khi được vay vốn ưu đãi. Với gói hỗ trợ từ NHCSXH đã góp phần giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo, lao động, công nhân viên chức thu nhập thấp có được căn nhà khang trang.

Bà Trần Thị Giang (xóm 2, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn) vui mừng chia sẻ với các cán bộ NHCSXH huyện Kim Sơn về thành tích học tập của các con mình

Bà Trần Thị Giang (xóm 2, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn) vui mừng chia sẻ với các cán bộ NHCSXH huyện Kim Sơn về thành tích học tập của các con mình

Chinh phục tri thức

Cho đến bây giờ, bà Trần Thị Giang (xóm 2, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn) vẫn không quên cảm xúc vừa mừng, vừa lo khi cầm tên tay tờ giấy báo trúng tuyển Đại học của cậu con trai đầu lòng. Nỗi lo của bà Giang cũng được giải tỏa khi đồng vốn chính sách “gõ cửa” gia đình bà.

Nhớ lại những ngày đầu, bà Giang ngậm ngùi nói: “Con đỗ Đại học mừng mừng tủi tủi bởi không biết lấy tiền đâu cho con ăn học khi một mình nuôi 4 đứa con ăn học. Tất cả kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 2 mẫu ruộng và nghề thuốc nam gia truyền. Thương mẹ, con tôi bảo ràng để nó bảo lưu kết quả, đi làm thêm phụ giúp mẹ nuôi các em trước rồi đi học sau. Nhưng tôi lại thấy thương con, không nỡ. Biết được hoàn cảnh của gia đình, chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể đã đến vận động, kiên quyết không cho cháu nghỉ học và bảo sợ cháu nó đi làm, có tiền rồi ham sẽ không quay lại đi học nữa. Rồi các bác ấy hỗ trợ mọi thủ tục để tôi được vay vốn học sinh sinh viên từ NHCSXH...”.

4 năm sau, có tấm bằng kỹ sư trong tay, con trai bà Giang được tuyển thẳng vào một Công ty cơ khí có tên tuổi với mức lương cao và trở thành trụ cột để nuôi 2 em kế tiếp đang học đại học, một em út đang học lớp 12. Trong ngôi nhà nhỏ treo đầy những bằng khen, giấy khen của các con, bà Giang không giấu được nụ cười hạnh phúc. “Những đứa con của tôi có được thành công như ngày hôm nay tất cả là nhờ có sự quan tâm sát sao của địa phương, nhờ chính sách tín dụng nhân văn của Đảng, nhà nước”.

Ông Nguyễn Văn Tám (khu Đông, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh) chia sẻ về ý nghĩa mà nguồn vốn chính sách đem lại cho gia đình

Ông Nguyễn Văn Tám (khu Đông, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh) chia sẻ về ý nghĩa mà nguồn vốn chính sách đem lại cho gia đình

Không riêng gì bà Giang, ông Nguyễn Văn Tám và bà Phạm Thị Tuyến ở khu Đông, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh cũng rất xúc động khi chia sẻ về đồng vốn chính sách đối với gia đình.

Là hộ thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào 2 vụ lúa nên việc duy trì cho con em đến giảng đường Đại học vô cùng khó khăn nhưng gia đình ông vẫn kiên trì bán trụ cho 3 anh em đến trường bởi suy nghĩ rất đơn giản rằng “chỉ có đến trường mới là con đường thoát nghèo bền vững nhất”. May mắn là trong hành trình theo đuổi chinh phục tri thức ấy gia đình ông luôn có sự đồng hành của NHCSXH. Cũng mừng là các con ông đều biết thương bố mẹ, hiểu được hoàn cảnh gia đình nên rất nỗ lực chăm chỉ học tập. Con gái đầu và con trai thứ 2 cùng học Đại học Bách Khoa, con trai út học Đại học Bưu chính viễn thông.

“Vất vả, cực nhọc là thế nhưng cả nhà chúng tôi đã dìu dắt nhau vươn lên, đến hôm nay dù vẫn là khách hàng thân thiết của NHCSXH nhưng vợ chồng tôi có thể nở nụ cười mãn nguyện vì cả 3 đứa con đều ăn học thành tài, có công ăn việc làm ổn định, không phải sống dựa vào nông nghiệp bấp bênh như bố mẹ” – ông Tám nói.

Theo thống kê của NHCSXH chi nhánh tỉnh Ninh Bình, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, 70.277 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 1.599 học sinh sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Điều này một lần nữa khẳng định, tín dụng chính sách là một định chế tài chính công sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, kịp thời đồng hành cùng mỗi người dân trên mỗi giai đoạn quan trọng của đời người, đó là học tập, là lập nghiệp, khởi nghiệp, là an cư…

Nguyễn Lựu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dot-pha-tu-chi-thi-so-40-cttw-ky-2-158915.html