Đột phá về hạ tầng phải là ưu tiên hàng đầu

Nếu không có đột phá, Hà Nội sẽ khó tăng trưởng như kỳ vọng, khó đáp ứng vai trò là cực tăng trưởng. Theo đó, thành phố cần xác định đột phá về hạ tầng là ưu tiên hàng đầu để dẫn dắt các đột phá khác. Đây là đề xuất tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra sáng 9.1.

Phát triển dựa trên 5 trụ cột

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Quy hoạch thủ đô Hà Nội (gọi tắt là Quy hoạch) đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.

Theo đó, dự thảo Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung. Đó là tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển; phát triển bao trùm, nhanh và bền vững; phát triển đô thị xanh; sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0”.

Tuyến đường Thanh Xuân - Nguyễn Trãi là một trong những điểm đen ùn tắc giao thông lâu nay của Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Tuyến đường Thanh Xuân - Nguyễn Trãi là một trong những điểm đen ùn tắc giao thông lâu nay của Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Về tổ chức không gian, Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian gồm không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hóa, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).

Quy hoạch cũng xác định 5 trụ cột phát triển thủ đô, bao gồm: văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu là tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%...

Làm rõ động lực tăng trưởng

Góp ý vào bản dự thảo Quy hoạch, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: Hà Nội có vai trò rất quan trọng với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, đóng góp tới 13% GDP cả nước và 43% GDP của vùng. Bởi thế, quy hoạch cần xác định rõ Hà Nội đang ở đâu trong tiến trình mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra, là đến năm 2030 đưa nước ta trở thành nước thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 sẽ trở thành nước có thu nhập cao? Làm rõ được vai trò này không chỉ cho riêng Hà Nội, mà còn có ý nghĩa cho cả nước.

Về cơ cấu kinh tế, theo ông Sinh, hiện vẫn chưa hợp lý, vì nếu cơ cấu hợp lý thì không thể tăng trưởng và đóng góp cho ngân sách của Hà Nội giảm dần (năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Nội chỉ đạt 6,27%, thứ 9/11 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng). Sự không hợp lý còn bởi dịch vụ chiếm tới 63 - 65%, trong khi công nghiệp chỉ 23,4%. Công nghiệp quá thấp không thể thúc đẩy tăng trưởng cao, bởi dịch vụ sẽ đến lúc tới hạn, vì thế, cần làm rõ còn dư địa cho công nghiệp.

Một yếu tố nữa được vị chuyên gia này chỉ ra rằng, Hà Nội xác định chuyển đổi, trong đó chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là một trong những trụ cột phát triển; song nhìn lại từ 2020 - 2023, chuyển đổi số của Hà Nội rất chậm, tăng trưởng không đáng kể (từ 15,37% lên 15,85%). “Nếu muốn tăng trưởng nhanh chắc chắn phải xem lại khâu này”, ông nói.

Quy hoạch cũng đưa ra 3 kịch bản phát triển, trong đó có kịch bản tăng trưởng đạt 8,5 - 9,5%. TS. Cao Viết Sinh đánh giá, đây là kịch bản “rất quyết liệt” vì sẽ đi ngang với vùng trọng điểm và thể hiện được vai trò là cực tăng trưởng, song “rất khó khăn”. Bởi trong giai đoạn 2021 - 2023, tăng trưởng của Hà Nội bình quân chỉ đạt 6,25%. Theo báo cáo của HĐND thành phố thì năm 2024 là 6,57%. Như vậy, năm 2025 phải đạt 8% thì bình quân 5 năm qua chỉ khoảng 7%, đồng nghĩa giai đoạn 2026 - 2030 phải đạt hai con số. Nếu không tính toán động lực tăng trưởng, con số này sẽ chỉ được đặt ra cho đẹp, vị chuyên gia cảnh báo, và nhấn mạnh cần xác định rõ giải pháp đột phá cho phát triển, trong đó có đột phá hạ tầng.

Khẳng định hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, GS.TS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ rõ, “nếu hạ tầng của Hà Nội vẫn như thế này thì khó mà tính đến chuyện khác, nên bắt buộc phải làm trước tiên”. Theo ông Khuê, “dứt khoát phải có định hướng rõ rệt và cụ thể cho giao thông đô thị Hà Nội”. Quy hoạch đề ra 14 tuyến đường sắt đô thị, song từ nay đến 2030 chỉ còn 6 năm nữa, trong khi có dự án cần tới 5 năm chuẩn bị. Bởi thế, “đề nghị nên có chương trình đột phá, thực hiện khâu đột phá chiến lược - thiết lập và vận hành mạng lưới giao thông đô thị công cộng của thủ đô. Chỉ tiêu là phải nâng chỉ số sử dụng giao thông công cộng của Hà Nội lên 50% đến năm 2030, hiện là 28%”, ông Khuê đề xuất.

Những ý kiến trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ; ông Dũng dẫn thực tế, các tỉnh mới nổi và có tốc độ tăng trưởng mạnh, thu hút đầu tư mạnh đều bởi chính các khu công nghiệp. Ngay tại Bắc Ninh, một tỉnh có diện tích “chỉ ngang tầm một quận của Hà Nội” nhưng có tới 16 khu công nghiệp, trong khi Hà Nội chỉ có 9 khu. Vì thế, Hà Nội cần lưu ý điều này trong cơ cấu kinh tế thời gian tới.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hạ tầng là điểm nghẽn rất lớn, cụ thể là tắc nghẽn giao thông. Nếu không có giải pháp đột phá, Hà Nội sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng này và sẽ không thể trở thành đô thị thông minh, hiện đại. Do đó, Quy hoạch thủ đô cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giải quyết ách tắc giao thông, khai thác mạnh không gian ngầm, đường sắt đô thị, các hình thức giao thông công cộng khác…

“Hà Nội cần nghiên cứu xác định hạ tầng là một trong những đột phá ưu tiên hàng đầu, để nó dẫn dắt các đột phá khác, dẫn dắt các cơ chế chính sách… Muốn vậy, cần phải có cơ chế mạnh cho vấn đề này, phải có chương trình riêng về đô thị để trong 10 - 15 năm tới, nếu không làm được 10 tuyến thì cũng phải làm 5 - 7 tuyến, chứ như bây giờ thì trăm năm nữa chưa làm xong, như thế thì làm sao mà phát triển được! Do đó, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, mạnh dạn đưa ra giải pháp đột phá, coi đó như "quả đấm thép" để Hà Nội khắc phục được các điểm nghẽn, nút thắt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/dot-pha-ve-ha-tang-phai-la-uu-tien-hang-dau-i357151/