Đột phá xây dựng đường giao thông nông thôn ở Liên Hiệp
'Ban đầu, xã Liên Hiệp không dám đăng ký xi măng với UBND huyện để thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn; bởi cơ chế hỗ trợ có sự thay đổi, buộc phải huy động nguồn lực lớn trong nhân dân. Nhưng khi ý Đảng sáng tỏ, lòng dân đã thuận thì 'khó vạn lần dân liệu cũng xong'. Hiện, tiêu chí số 2 về giao thông đã hoàn thành để cán đích xã chuẩn Nông thôn mới (NTM) trong năm 2021'– Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp (Bắc Quang) Triệu Văn Ngân không giấu được niềm vui.
Liên Hiệp là xã vùng II, trung tâm của khu di tích lịch sử cách mạng Tiểu khu Trọng Con. Bước vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, xã đối diện không ít khó khăn khi địa bàn rộng, dân cư không tập trung, trình độ dân trí thiếu đồng đều. Toàn xã có 8 thôn với hơn 1.000 hộ dân, dân tộc thiểu số chiếm trên 90% cơ cấu dân số. Mặc dù xã có lợi thế về sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc nhưng chưa khai thác, phát huy được tối đa lợi thế này.
Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM thì tiêu chí số 2 về giao thông được đánh giá khó thực hiện nhất vì cần nguồn lực đầu tư lớn. Để đạt tiêu chí số 2, hệ thống giao thông phải được cứng hóa tối thiểu 60%. Trong khi đó nguồn ngân sách huyện hỗ trợ 15% kinh phí, ngân sách tỉnh chỉ cung ứng xi măng đến tận chân công trình (không hỗ trợ mua vật liệu khác). Còn nhân lực do địa phương chủ động huy động đóng góp của nhân dân. Đây là lý do xã Liên Hiệp không dám đăng ký xi măng để thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn, vì e ngại mức huy động lớn gấp nhiều lần so với thu nhập chung của người dân. Song, với phương châm dựa vào dân để xây dựng NTM, cán bộ xã xuống tận thôn, vào từng nhà, nhóm hộ làm công tác “dân vận khéo”. Và khi cầu nối “Ý Đảng – lòng dân” hình thành thì những tuyến đường bê tông nông thôn cứ thế nối dài – Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp, Triệu Văn Ngân chia sẻ.
Hiện nay, hệ thống giao thông xã Liên Hiệp có tổng chiều dài 61,8 km gồm: 5,2 km đường xã, 31 km đường trục thôn, liên thôn, 25,6 km đường ngõ xóm. Trong đó, 100% đường xã, 60% đường trục thôn, liên thôn và 74,4% đường ngõ xóm được bê tông hóa. Trong năm 2021, xã Liên Hiệp huy động nguồn kinh phí gần 19,7 tỷ đồng để xây dựng 25 km đường bê tông nông thôn. Trong đó, hơn 5,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư, tỉnh; trên 1,8 tỷ đồng ngân sách huyện và gần 12,6 tỷ đồng do nhân dân đóng góp (chiếm 63,86%). Trưởng thôn Nà Ôm, Bàn Văn Giang cho biết: Thôn có 53 hộ dân thì 100% tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, công trình phúc lợi hoặc đóng góp nhân lực, vật lực xây dựng NTM. Để hoàn thành hơn 4 km đường bê tông nội thôn, ngoài việc tham gia ngày công lao động, bình quân mỗi hộ đóng góp hơn 30 triệu đồng… Còn tại thôn Muộng, tuyến đường vào nhóm hộ đi qua nhà ông Tô Trọng Sông trước đây vốn là đường mòn, xe máy đi lại khó khăn nhưng nay, 220 m đường được đổ bê tông phẳng phiu, rộng 2,5 m, dày 14 cm, tạo thuận lợi cho việc đi lại của 8 hộ dân. Đặc biệt, trong tổng kinh phí hơn 60 triệu đồng huy động từ nhân dân thì gia đình ông Sông tự nguyện đóng góp số tiền 43 triệu đồng. “Đường bê tông là ước mong của bao thế hệ người dân trong thôn. Nếu được Nhà nước hỗ trợ thêm xi măng, nhân dân chúng tôi sẵn sàng đóng góp công sức, tiền bạc để nối dài những tuyến đường bê tông, tạo thuận lợi cho KT-XH phát triển”, bà Lê Thị Thắm – vợ ông Sông chia sẻ.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng công trình, giảm chi phí thi công các tuyến đường bê tông, UBND xã thành lập các tổ chuyên biệt, như: Tổ khai thác vật liệu xây dựng; Tổ làm đường bê tông và Tổ giám sát cộng đồng tại 8/8 thôn. Thành viên của các tổ này đều là cán bộ chủ chốt và người dân trong thôn. Do vậy, giá nhân công sẽ thấp hơn so với thị trường, tinh thần giám sát cũng cao hơn – anh Nguyễn Đình Tứ, Tổ trưởng Tổ giám sát cộng đồng thôn Muộng cho biết.
Hiện nay, xã Liên Hiệp đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, sẵn sàng cán đích chuẩn NTM theo đúng tiến độ. Thu nhập bình quân ước đạt 36,75 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,59%. Theo Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp: “Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Sau khi được công nhận chuẩn NTM, xã tiếp tục rà soát, đánh giá chất lượng từng tiêu chí để kịp thời có giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng, không để xảy ra tình trạng giảm chất lượng các tiêu chí đã đạt được”.