Đột quỵ do nhiệt và những điều cần biết để có mùa hè khỏe mạnh
Đột quỵ do nhiệt (tiếng anh là 'heat stroke' hay còn gọi là đột quỵ do nắng nóng, sốc nhiệt) là tình trạng khẩn cấp y tế xảy ra khi cơ thể không thể kiểm soát được nhiệt độ của mình sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong môi trường bên ngoài.
Đột quỵ do nhiệt nguy hiểm vì có thể gây tổn thương các mô trong cơ thể, đặc biệt là khi bỏ lỡ thời điểm vàng để sơ cấp cứu, bệnh có thể dẫn tới tổn thương não, tổn thương cơ quan nội tạng và thậm chí là mất mạng.
1. Đột quỵ do nhiệt là gì?
Đột quỵ do nhiệt là tình trạng khẩn cấp y tế xảy ra khi cơ thể không thể kiểm soát được nhiệt độ của mình sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong môi trường bên ngoài, thân nhiệt lúc này có thể tăng lên tới 40 độ C hoặc cao hơn.
Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên nhanh chóng và vượt qua ngưỡng an toàn, hệ thống điều hòa nhiệt của cơ thể không còn đủ khả năng để làm mát, dẫn đến các phản ứng của cơ thể bị rối loạn.
Nói cách khác, đột quỵ do nhiệt là kết quả của việc tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ cao - thường kết hợp với mất nước - dẫn đến hệ thống kiểm soát nhiệt độ của cơ thể gặp trục trặc dẫn tới thân nhiệt tăng cao và đột quỵ xảy ra.
Có hai loại đột quỵ do nhiệt:
- Đột quỵ do nhiệt cổ điển: thường tác động tới người lớn tuổi và những người đang mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường. Cơn đột quỵ do nhiệt cổ điển có thể xảy ra dần dần trong vài giờ hoặc vài ngày.
- Đột quỵ do nhiệt quá sức: là tình trạng đột quỵ do nhiệt xảy ra do việc tập thể dục cường độ cao hoặc vận động gắng sức trong thời gian dài ở môi trường có nhiệt độ cao và độ ẩm thấp.
2. Tại sao trời nắng nóng dễ gây đột quỵ?
Theo WebMD, đột quỵ do nhiệt thường xảy ra do sự tiến triển của các bệnh nhẹ hơn liên quan đến nhiệt như chuột rút do nhiệt, ngất do nhiệt và kiệt sức do nhiệt. Nhưng một cơn đột quỵ có thể tấn công ngay cả khi bạn không có dấu hiệu tổn thương do nhiệt trước đó.
Uống rượu, mất nước và mặc quần áo kém thông thoáng ảnh hưởng tới việc bay hơi của mồ hôi và làm mát cơ thể cũng có thể là nguyên nhân khiến một người bị đột quỵ do nhiệt.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị đột quỵ do nhiệt
Một số tình trạng sức khỏe nhất định có thể làm tăng nguy cơ gặp phải đột quỵ do nhiệt chẳng hạn như bệnh tiểu đường type 1, bệnh tiểu đường type 2, béo phì, ít vận động và có tiền sử đột quỵ trước đó.
Và mặc dù không phải là nguyên nhân nhưng tuổi tác có thể trở thành yếu tố làm tăng rủi ro của bệnh hơn. Các đối tượng này bao gồm người trên 65 tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 4 tuổi,... gặp khó khăn trong việc điều chỉnh thân nhiệt nhanh.
Một số loại thuốc ảnh hưởng đến khả năng giữ nước và phản ứng với nhiệt của cơ thể. Đặc biệt cẩn thận trong thời tiết nóng nếu bạn dùng thuốc co mạch, điều hòa huyết áp bằng cách ngăn chặn adrenaline (thuốc chẹn beta), loại bỏ natri và nước (thuốc lợi tiểu) hoặc giảm các triệu chứng tâm thần (thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống loạn thần).
3. Dấu hiệu đột quỵ do nhiệt
Theo Healthline, các triệu chứng đột quỵ do nhiệt có thể xuất hiện nhanh hoặc chậm tùy từng tình trạng nhưng đặc biệt nhấn mạnh rằng ngay từ khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, hãy nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.
Các triệu chứng đột quỵ do nắng nóng có thể bao gồm:
- Sốt cao, thân nhiệt cao và có cảm giác như bị bỏng khi chạm vào
- Đổ mồ hôi liên tục hoặc da khô không có mồ hôi (anhidrosis)
- Chuột rút cơ bắp
- Nhịp tim nhanh và mạnh
- Thở nhanh
- Mất thăng bằng
- Mất phương hướng
- Hành vi bất thường
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Buồn nôn và nôn mửa
- Mất nước, khô miệng và khát dữ dội
- Tiểu ít, nước tiểu sẫm màu hoặc không tiểu
- Suy sụp về thể chất
- Lú lẫn
- Hôn mê.
Triệu chứng đột quỵ do nắng nóng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng là nhóm có rủi ro bị đột quỵ do nhiệt cao bởi thiếu khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể một cách hiệu quả. Các triệu chứng ở nhóm này có thể bao gồm:
- Sốt từ 39,4 độ C trở lên
- Mất ý thức
- Da nóng, khô hoặc đổ mồ hôi
- Da đỏ bừng
- Nhịp tim nhanh
- Hô hấp yếu
- Cảm giác lờ đờ, thờ ơ và chậm chạp hơn.
Phân biệt đột quỵ do nhiệt và kiệt sức do nhiệt
Đột quỵ do nhiệt và kiệt sức do nhiệt (hay còn gọi là lả nhiệt) thường dễ bị nhầm lẫn. Theo Healthline, bạn có thể phân biệt dựa trên triệu chứng như sau:
Đối với kiệt sức do nhiệt, các triệu chứng chủ yếu là cảm thấy yếu cơ nói chung; đổ mồ hôi nhiều hơn; nhịp tim yếu nhưng đập nhanh (trong khi đột quỵ do nhiệt gây tim đập nhanh và mạnh); buồn nôn và nôn mửa; ngất xỉu, choáng váng hoặc chóng mặt; da tái nhợt, da ẩm và lạnh khi sờ vào (trong khi đột quỵ do nhiệt khiến da nóng bừng, đỏ và khô).
Để đối phó với tình trạng kiệt sức do nhiệt, cần:
- Di chuyển người bệnh đến một nơi mát mẻ, có bóng râm hoặc máy lạnh. Đồng thời cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết như giày, tất, áo khoác.
- Để người bệnh nằm xuống và nâng cao chân để cải thiện tuần hoàn máu.
- Cung cấp nước hoặc đồ uống có chứa điện giải như thể thao đồ uống để bổ sung nước và muối mất đi do mồ hôi.
- Làm mát cơ thể bằng cách sử dụng quạt, đá lạnh hoặc khăn ướt lạnh.
- Nếu có dấu hiệu của sốc nhiệt như hôn mê, co giật, hoặc không tiếp tục đổ mồ hôi dù cơ thể nóng, gọi cấp cứu ngay lập tức.
- Tuyệt đối không cho người bệnh sử dụng đồ uống có caffein hoặc cồn vì chúng có thể làm tình trạng mất nước trở nên tồi tệ hơn.
Cuối cùng, cần theo dõi tình trạng của người bệnh, nếu không cải thiện sau các biện pháp cấp cứu ban đầu, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ y tế.
5. Cách xử trí khi bị đột quỵ do nhiệt
Khi gặp người bị đột quỵ do nhiệt, điều đầu tiên cần là phải nhanh chóng gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ cấp cứu. Sau đó tiến hành các bước sơ cứu trong khi chờ đợi nhân viên y tế tới như sau:
- Di chuyển nạn nhân tới môi trường râm mát, cởi bỏ quần áo không cần thiết. Nếu có thể hãy đo thân nhiệt của nạn nhân và bắt đầu các bước sơ cứu để hạ nhiệt cơ thể.
- Chườm lạnh lên háng, trán, nách và sau gáy của nạn nhân bằng các túi nước đá được bọc trong lớp vải mỏng vì những khu vực này có nhiều mạch máu gần da nên dễ dàng giúp hạ nhiệt cơ thể hơn. Nếu nạn nhân là người trưởng thành khỏe mạnh bị đột quỵ do gắng sức thì cho nạn nhân ngâm mình trong bồn nước đá có thể có hiệu quả.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng với người già, trẻ nhỏ hoặc đang mắc các bệnh mãn tính bị đột quỵ do nhiệt, tuyệt đối không được ngâm trong bồn nước đá vì điều này có thể gây nguy hiểm.
Tùy thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe mà sự phục hồi sau đột quỵ do nhiệt cũng khác nhau. Thân nhiệt có thể dao động nhiều hơn bình thường trong vài tuần sau khi cơn đột quỵ xảy ra. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi, tránh gắng sức để quá trình phục hồi thuận lợi hơn cũng như phòng ngừa đột quỵ tái phát.
Đôi khi bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm các đánh giá theo dõi chức năng thận và gan trong và sau khi điều trị. Nếu có các triệu chứng bất thường như giảm lượng nước tiểu, khó thở hoặc bồn chồn sau điều trị, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được giúp đỡ.
6. Phòng ngừa đột quỵ do nhiệt
Có một số biện pháp giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng cũng như các tình trạng sức khỏe liên quan tới nhiệt khác, bao gồm:
- Uống đủ nước, uống các đồ uống có chứa điện giải nếu thường xuyên vận động/hoạt động nặng nhọc ngoài trời nóng.
- Khi nhiệt độ bên ngoài trời tăng mạnh vào những ngày nắng nóng gay gắt, hạn chế ra ngoài, nếu có cần có các biện pháp che chắn phù hợp như dùng mũ, kính râm chống tia UV, quần áo chống nắng,...
- Tránh để trẻ em hoặc người lớn tuổi ở trong các không gian kín, nóng bức, kém thông gió như ô tô hoặc phòng không có cửa sổ.
Nhìn chung, đột quỵ do nhiệt là một tình trạng cần cấp cứu y tế khẩn cấp. Tùy thuộc vào thời gian mà thân nhiệt tăng lên vượt ngưỡng là bao lâu mà các biến chứng có thể gặp như tổn thương nội tạng hoặc thậm chí là tử vong.
Nguồn: Tổng hợp