Đột quỵ - liệu có thể tránh?
Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân luyện tập phục hồi chức năng sau đột quỵ. Ảnh:YÊN LAN
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ (tai biến mạch máu não), hơn 50% trong số đó tử vong. Những người qua khỏi thì phải chịu di chứng nặng nề.
Bệnh nguy hiểm, phổ biến
Sáng sớm, chị N (ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) đang loay hoay trong bếp thì nghe tiếng té ngã ở nhà trên. Vội vàng chạy lên, chị thấy cha mình - ông N.V.T (73 tuổi) đang nằm sóng soài trên nền nhà. Chị đỡ cha dậy nhưng không được. Ông cụ không thể nhấc tay lên được nữa, chân yếu, miệng ú ớ. Hoảng hốt, chị N gọi em trai; hai chị em đưa cha đến bệnh viện.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) cho thấy ông T bị đột quỵ do xuất huyết não.
Khác với đột quỵ do thiếu máu cục bộ (nhồi máu não) - đặc trưng bởi sự mất lưu thông máu đột ngột đến một khu vực của não do tắc nghẽn mạch bởi huyết khối hoặc cục tắc ở động mạch não dẫn đến mất chức năng thần kinh tương ứng, đột quỵ do xuất huyết não là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là thành động mạch mỏng, yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 ca đột quỵ được ghi nhận, hơn 50% trong số đó tử vong. Những người qua khỏi thì phải chịu di chứng nặng nề. Đáng lo ngại là bệnh nhân đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh lý thần kinh nguy hiểm này đã xuất hiện ở những người mới ngoài 20 tuổi.
Theo các thống kê, đột quỵ do xuất huyết não ít phổ biến hơn nhồi máu não. Chỉ có 8-18% đột quỵ là xuất huyết não. Tuy nhiên, đột quỵ do xuất huyết não có tỉ lệ tử vong cao hơn nhồi máu não.
Liệu có thể tránh?
Các chuyên gia về đột quỵ cho biết có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, bao gồm những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi (tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình, chủng tộc) và yếu tố bệnh lý. Người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi. Về giới tính, nam có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ. Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường… Song song đó, các yếu tố bệnh lý như: tiền sử đột quỵ; đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp; mỡ máu cao… và tình trạng thừa cân, béo phì; thói quen hút thuốc; ăn uống không điều độ, không đầy đủ dưỡng chất; lười vận động; sử dụng các chất kích thích… cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo BSCKII Đặng Hoàng Hương Thùy, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Phú Yên, phần lớn các ca đột quỵ là do cao huyết áp. Cao huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Không những thế, cao huyết áp còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông máu lên não. Ở người cao tuổi, hơn 90% số ca tăng huyết áp là vô căn. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ đột quỵ, trong chế độ ăn cần hạn chế mặn, mỡ; ăn nhiều rau; đồng thời cần phải vận động thể lực vừa sức, thường xuyên; hạn chế sử dụng thuốc lá, chất kích thích. Ngoài chế độ ăn, sinh hoạt, cần phải kiểm soát tốt các bệnh nền: đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp… Nếu có bệnh cao huyết áp thì phải dùng thuốc và kiểm tra huyết áp thường xuyên, đặc biệt là khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, người cao tuổi cần tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột. Đang ở trong môi trường ấm mà bước ra bên ngoài khi trời đang lạnh, cơ thể bị lạnh đột ngột cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ có thể gây giảm các chức năng, như liệt vận động, rối loạn cảm giác (bao gồm cả đau), rối loạn ngôn ngữ (thất ngôn), giảm chức năng sinh hoạt hàng ngày (ADL), rối loạn tư duy và trí nhớ, rối loạn cảm xúc…Vì vậy, bệnh nhân cần được PHCN sớm. Tại Bệnh viện PHCN Phú Yên, trong gần 70 bệnh nhân đang điều trị nội trú thì có đến 40 bệnh nhân bị di chứng đột quỵ.
Bác sĩ Hương Thùy cho biết: “Trong PHCN sau đột quỵ, yếu tố tiên quyết là bệnh nhân được PHCN sớm. Thời gian vàng để PHCN là trong vòng 6 tháng đầu; nếu quá một năm thì khả năng phục hồi hầu như không còn. Trong PHCN, ngoài vai trò của nhân viên y tế, vai trò của người nhà bệnh nhân cũng rất quan trọng. Người nhà phối hợp với nhân viên y tế; động viên, khích lệ và hỗ trợ bệnh nhân. Một yếu tố quan trọng khác góp phần vào sự thành công của quá trình PHCN là ý chí của người bệnh. Bệnh nhân quyết tâm, kiên trì, hợp tác tốt với nhân viên y tế thì khả năng hồi phục sẽ cao hơn”.
Theo y văn, đột quỵ là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng khi nguồn máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Não bị thiếu oxy, dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết chỉ sau vài phút. Đột quỵ là một trong năm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở người trưởng thành.
Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ được mô tả bằng thuật ngữ FAST
- F (face): mặt bị liệt (méo, lệch)
- A (arm): tay cử động khó khăn (yếu tay)
- S (speech): nói khó
- T (time): khi có 3 dấu hiệu trên, thời gian (time) lúc này quý hơn vàng, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/95/272848/dot-quy-lieu-co-the-tranh.html