Đốt vàng mã: Thành tâm chứ đừng lãng phí

Phố xá những ngày tháng 7 âm lịch - 'tháng cô hồn', dù ngược hay xuôi, trưa hay chiều cũng không khó để bắt gặp những 'lò hóa vàng mã' dọc hai bên hè phố. Khi ngọn lửa hầm hập nuốt trọn những món đồ bằng giấy thành đám tro bụi quẩn quanh khắp hè phố cùng là lúc người ta mong muốn những cầu nguyện, thành tâm sẽ theo gió gửi về cõi âm. Tục đốt vàng mã vào tháng 7 âm lịch đã có từ xa xưa với ý nghĩa thiện tâm hướng về tổ tiên, nguồn cội. Thế nhưng tục lệ này ngày càng trở nên thái quá khi vàng mã để đốt không còn dừng lại ở ý nghĩa tượng trưng mà gây lãng phí cho gia đình và xã hội.

Một cơ sở kinh doanh vàng mã ở phường Đông Hương (TP Thanh Hóa).

“Mục sở thị” một cửa hàng kinh doanh đồ vàng mã gần chợ đầu mối Đông Hương, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) mới thấy thị trường vàng mã phục vụ “âm giới” ngày một chuyển mình để hợp với nhu cầu người mua. Ngoài các loại giấy, tiền, vàng, sớ tấu, ngựa như trước kia thì cửa hàng còn bày bán những mặt hàng hạng sang, thiết bị công nghệ hiện đại, như iPhone, iPad, siêu xe, biệt thự... Các vật dụng từ quần áo, mũ nón, trang sức, đồng hồ, giày dép... cũng được trang trí màu sắc bắt mắt, nhiều loại có chi tiết cầu kỳ xếp thành từng gian khác nhau. Mặc dù cuối giờ trưa nhưng cửa hàng tấp nập người mua, bán. Giá cả các loại vàng mã tùy mẫu mã, những mẫu màu sắc đẹp, chất liệu giấy tốt, làm cầu kỳ thì giá cao hơn. Một bộ quần áo, giày dép, trang sức vàng mã loại thường có giá từ 30.000 - 80.000 đồng/bộ. Các loại giấy màu tượng trưng cho vải vóc giá 60.000 đồng/100 tờ; các bộ công nghệ gồm điện thoại Iphone, máy tính bảng Ipad có giá từ vài chục nghìn, sang trọng hơn là nhà lầu, xe hơi được làm một cách chắc chắn giá từ 150.000 trở lên tùy kích cỡ. Những gia đình bình thường chọn những giá loại đồ mã bình dân; những người làm nghề kinh doanh, buôn bán hay người có điều kiện kinh tế khá giả thường không tiếc tiền sắm đồ “xịn”, mua đầy đủ nhiều loại để dâng cúng với mong muốn được thần thánh, tổ tiên, chứng giám và độ trì. Vì vậy, số tiền mà mỗi người tới đây mua sắm vàng mã không chỉ dừng lại ở tiền chục, tiền trăm mà có nhiều người lên đến hàng triệu đồng.

Chị Lê Thị Yến (huyện Đông Sơn) đang lựa chọn, tìm mua vài bộ quần áo giấy để đốt cho các cụ vào ngày rằm cho biết: Chị cũng không biết ngọn ngành của tục đốt vàng mã nhưng từ trước đến nay, cứ rằm tháng 7, hầu như nhà nào ở quê chị cũng cúng lễ, cũng mua vàng mã để đốt cho người đã khuất, thấy mọi người đốt thì nhà mình cũng đốt. Có đốt chị mới không áy náy với ông bà, tổ tiên...

Cùng tâm niệm với chị Yến, chị Nguyễn Thùy Dung, tại Khu đô thị mới ven sông Hạc, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) cũng cho biết, rằm tháng 7 năm nào, gia đình chị cũng mua sắm các loại vàng mã để đốt. Việc làm này của chị Dung cũng là do nếp của gia đình từ trước đến nay, thế nhưng nhà chị không đốt nhiều mà chỉ mua vài bộ quần áo, chút tiền vàng để tỏ lòng thành tâm trong ngày rằm tháng 7. Bởi không cần phải mua nhiều, đốt nhiều vàng mã mới là hiếu thuận mà chỉ cần thành tâm khấn vái, nhớ đến tổ tiên, mong tổ tiên có được cuộc sống an lành nơi cực lạc, hay cầu mong những điều tốt đẹp cho những người còn sống.

Đốt vàng mã vào dịp rằm tháng 7 âm lịch đã là tập tục “ăn” sâu vào tiềm thức của nhiều người dân. Nhiều gia đình dù biết rằng đốt vàng mã là tốn kém tuy nhiên loại bỏ tập tục này ra khỏi đời sống là điều không dễ. Thậm chí, có nhiều người nặng tâm lý “trần sao âm vậy” khiến cho tục đốt vàng mã với ý nghĩa thiện tâm tốt đẹp ban đầu trở thành một tập tục gây lãng phí tiền bạc. Đó là chưa kể đến việc sản xuất tiền giấy, vàng mã là tổn hại đến tài nguyên rừng, gây ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất vàng mã hay những nguy cơ cháy nổ liên quan đến việc đốt vàng mã mà người dân không lường trước được.

Những năm gần đây, trước nhiều khuyến cáo của các cơ quan, tổ chức như ngành văn hóa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc mua và đốt vàng mã ở nhiều cơ sở thờ tự đã có những chuyển biến tích cực. Nhưng ở nhiều gia đình, thói quen và sự lạm dụng vào vàng mã vẫn không dễ gì thay đổi. Để giảm thiểu tình trạng lạm dụng này đòi hỏi một quá trình thay đổi tư duy, nhận thức và quan niệm của mỗi người về một tập tục. Hãy thành tâm chứ đừng lãng phí.

Bài và ảnh: Minh Hiền

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dot-vang-ma-thanh-tam-chu-dung-lang-phi/123589.htm