Dow Jones giảm hơn 100 điểm khi các ông lớn ngân hàng báo cáo kết quả quý IV kém sắc
Chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 100 điểm trong phiên 12/1 khi một số ông lớn ngân hàng báo cáo kết quả kinh doanh quý IV không đạt kỳ vọng. Tuy nhiên xét chung cả tuần, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ vẫn tăng.
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 12/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 118 điểm, tương đương 0,31% và đóng cửa với 37.593 điểm. S&P 500 nhích nhẹ thêm 0,08%, chốt phiên ở mức 4.784 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite gần như không đổi ở 14.973 điểm.
Tính chung cả tuần, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận kết quả tích cực. Dow Jones tăng 0,34%, S&P 500 tiến thêm 1,84%. Nasdaq Composite đạt thành tích vượt trội hơn, vọt lên 3,09%.
UnitedHealth kéo chỉ số Dow Jones đi xuống khi mất gần 3,4% dù công ty công bố lợi nhuận và doanh thu quý IV vượt kỳ vọng. Delta Air Lines cũng giảm gần 9% ngay cả sau khi vượt qua dự báo về lợi nhuận.
Một loạt ông lớn ngân hàng cũng công bố báo cáo tài chính vào ngày 12/1. Cổ phiếu của Bank of America giảm 1,1% sau khi nhà băng này báo cáo lợi nhuận quý IV đi xuống.
Cổ phiếu của Wells Fargo mất 3,3%, bất chấp lợi nhuận tăng trưởng trong quý vừa qua. Cổ phiếu của JPMorgan Chase chỉ giảm 0,7%, mặc dù lợi nhuận của ngân hàng này giảm tới 15% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, cổ phiếu của Citigroup tăng hơn 1% khi họ thông báo cắt giảm 10% lực lượng lao động. Ngân hàng này cũng đã công bố khoản lỗ 1,8 tỷ USD trong quý IV khi phải chịu một số khoản chi phí lớn.
Microsoft kết thúc phiên giao dịch ngày 12/1 với tư cách là công ty niêm yết có vốn hóa lớn nhất thế giới, vượt qua cả Apple. Cổ phiếu Microsoft tăng hơn 3% trong tuần, nâng vốn hóa công ty lên 2.887 tỷ USD. Trong khi đó, cổ phiếu Apple giảm hơn 3%, khiến vốn hóa công ty còn 2.875 tỷ USD.
Cổ phiếu VinFast (VFS) giảm 2,51% xuống 6,59 USD/cp, vốn hóa công ty ở mức 15,4 tỷ USD, đứng thứ 25 trong danh sách những hãng xe lớn nhất thế giới.
“Hiện tại, các xu hướng tăng và phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2023 đang có sự đảo ngược. Tuy nhiên, tôi nghĩ thị trường đang chờ và quan sát diễn biến của lạm phát và kết quả kinh doanh … Động lực của năm 2024, giống như mọi năm trước, là tăng trưởng lợi nhuận và định giá”, chiến lược gia đầu tư cao cấp của Edward Jones, bà Mona Mahajan nhận định.
Ngoài ra, bà cho biết thị trường có thể mở rộng trong năm nay, thay vì chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp nhất định.
Các nhà đầu tư cũng đón nhận một số tin tức đáng khích lệ về lạm phát. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 12 bất ngờ giảm 0,1% so với tháng liền trước, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố đã cao hơn một chút so với dự báo của các nhà kinh tế, tăng 0,3% so với tháng trước và 3,4% so với một năm trước.
Ông Bill Adams, kinh tế trưởng của Comerica, nhận xét: “Số liệu PPI cho thấy mức tăng của CPI trong tháng 12 có thể là trường hợp đặc biệt. Lộ trình để Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất và làm chậm tốc độ thu hẹp bản cân đối kế toán trong năm 2024 lại trở nên rõ ràng”.
Tuy nhiên, CEO của JPMorgan Chase là ông Jamie Dimon lại cảnh báo về xu hướng lạm phát trong dài hạn và kỳ vọng của thị trường về lãi suất. Ông Dimon lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang được thúc đẩy bởi “một lượng lớn chi tiêu chính phủ và các biện pháp kích thích trong quá khứ”.
“Đang xuất hiện nhu cầu tăng chi tiêu liên tục cho nền kinh tế xanh, tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, quân sự và chăm sóc sức khỏe. Điều này có thể khiến lạm phát khó giảm hơn và [Fed phải giữ] lãi suất cao hơn thị trường mong đợi”, ông cho biết.