Dow Jones lập kỷ lục dù PPI nóng hơn dự báo, giá dầu đuối sức

Khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất khuyến khích nhà đầu tư mua vào những nhóm cổ phiếu ngoài cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (12/7), với chỉ số Dow Jones lập kỷ lục mới, khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất khuyến khích nhà đầu tư mua vào những nhóm cổ phiếu ngoài cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Giá dầu thô giảm và hoàn tất một tuần đi xuống, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 247,15 điểm, tương đương tăng 0,62%, chốt ở mức 40.000,9 điểm. Trong phiên, chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue-chip này đạt mức cao nhất mọi thời đại 40.257,24 điểm. Đây là lần đầu tiên Dow Jones tái lập mốc 40.000 điểm kể từ tháng 5, và kết quả này có được một phần nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu Home Depot.

Tăng 1,7% trong phiên ngày thứ Sáu, cổ phiếu hãng bán lẻ sản phẩm nâng cấp nhà cửa này đã tăng 7,5% trong tuần. Cổ phiếu hãng thiết bị công nghiệp Caterpillar cũng tăng 1,4% trong phiên giao dịch cuối của tuần.

Chỉ số S&P 500 tăng 0,55%, chốt ở mức 5.615,35 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,63%, đạt 18.398,45 điểm.

Trong phiên trước, nhà đầu tư đã xả loạt cổ phiếu Big Tech để chuyển vốn sang những nhóm cổ phiếu mà họ đã thờ ơ suốt thời gian qua. Sự dịch chuyển này giúp Dow Jones tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Năm, trong khi cả S&P 500 và Nasdaq đều tụt điểm.

Xu hướng tăng điểm của thị trường đang có chiều hướng mở rộng hơn trước, sau một thời gian dài tập trung vào các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Các cổ phiếu công nghiệp blue-chip trong Dow Jones đang trở thành đối tượng hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ở Phố Wall bởi họ đang kỳ vọng đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sẽ được tiến hành vào tháng 9 này. Động lực cho hy vọng đó là loạt số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế Mỹ đang suy yếu, đặc biệt là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Năm tuần này cho thấy lạm phát yếu hơn dự báo trong tháng 6 vừa qua.

“Câu chuyện về sự tăng trưởng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) có sức chi phối lớn đối với thị trường, nhưng đó không phải là câu chuyện duy nhất trên thị trường bây giờ. Cuộc điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần này và báo cáo CPI nhắc nhở nhà đầu tư rằng còn có những chất xúc tác khác có thể kích thích các công ty khác. Điều này đặc biệt đúng cho những ngành như tiện ích, nhóm cổ phiếu có thể hưởng lợi nhiều từ việc giảm lãi suất”, chiến lược gia trưởng David Russell của công ty TradeStation nhận định với hãng tin CNBC.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ vào ngày thứ Sáu cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) - thước đo lạm phát bán buôn - tăng 0,2% trong tháng 6 so với tháng trước, cao hơn mức dự báo tăng 0,1% mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Trong tháng 5, chỉ số này đi ngang so với tháng 4.

Dù báo cáo PPI nóng hơn kỳ vọng, thị trường hầu như “phớt lờ” dữ liệu này. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch vẫn đặt cược khả năng hơn 93% Fed hạ lãi suất vào tháng 9.

Tuần này, Dow Jones tăng 1,6%, S&P 500 tăng 0,9% và Nasdaq tăng 0,2%.

Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng phiên thứ ba liên tiếp vào ngày thứ Sáu, với mức tăng 1,1%, nâng mức tăng của cả tuần lên 6%.

“Chúng ta đang ở trong một môi trường mà ‘tin xấu là tin tốt’. Giảm lạm phát là tốt, nhưng cũng là tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Sự giảm tốc của nền kinh tế chưa đến mức xấu, và kỳ vọng bây giờ là sẽ có hạ cánh mềm. Nhưng chưa ai dám chắc Fed có đạt được điều đó hay không. Dù sao, xung lực tăng của thị trường đang mạnh”, chiến lược gia trưởng Emily Roland của công ty John Hancock Investment Management nhận định với Reuters.

Mùa báo cáo tài chính quý 2/2024 ở Phố Wall đã bắt đầu với loạt báo cáo từ các ngân hàng lớn. Ngày thứ Sáu, các nhà băng gồm JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo công bố báo cáo nhìn chung khả quan, nhưng giá cổ phiếu của các ngân hàng này vẫn giảm khá mạnh.

Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng gần 18% dưới sự dẫn dắt của cổ phiếu công nghệ. Nhóm công nghệ đã tăng 33% trong năm nay và nhóm dịch vụ truyền thông tăng 26%. Ngoài ra, không có nhóm cổ phiếu nào khác trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 đạt mức tăng trưởng lớn hơn mức tăng của chỉ số.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,37 USD/thùng, tương đương giảm 0,43%, chốt phiên ngày thứ Sáu ở mức 85,03 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,41 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 82,21 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent giảm hơn 1,7%, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp. Giá dầu WTI giảm 1,1%.

Dù được hỗ trợ bởi số liệu thống kê hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng tồn kho xăng dầu của nước này giảm và triển vọng Fed sớm giảm lãi suất, giá dầu mất đà khi cơn bão Beryl không gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất dầu ở bang Texas của Mỹ và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông ở phần dịu đi.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dow-jones-lap-ky-luc-du-ppi-nong-hon-du-bao-gia-dau-duoi-suc.htm