Dow rực xanh 8 phiên liền; Dầu giảm trước triển vọng lãi suất cao

Chỉ số Dow Jones tăng điểm vào thứ Sáu (10/05), khép lại phiên tăng thứ 8 liên tiếp và ghi nhận tuần tăng tốt nhất từ đầu năm 2024 đến nay. Trong khi đó, giá dầu giảm gần 1 USD/thùng.

Dow Jones ghi nhận tuần tốt nhất trong năm 2024

Khép phiên, chỉ số Dow Jones tiến 125.08 điểm, tương đương 0.32%, lên 39,512.84 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích 0.16% lên 5,222.68 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite hạ 0.03% còn 16,340.87 điểm.

Các chỉ số chính cũng khép lại tuần này với sắc xanh. Dow Jones tăng 2.16% trong giai đoạn này, ghi nhận tuần tăng tốt nhất kể từ tháng 12/2023 và nhuộm xanh 4 tuần liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq Composite đều tăng tuần thứ 3 liên tiếp, lần lượt cộng 1.85% và 1.14%.

Sự nhiệt tình của nhà đầu tư đã bị kiểm soát sau khi dữ liệu tâm lý người tiêu dùng công bố vào sáng thứ Sáu cho thấy kỳ vọng lạm phát tăng mạnh.

Cụ thể, chỉ số tâm lý người tiêu dùng sơ bộ tháng 5 của Đại học Michigan là 67.4, thấp hơn nhiều so với dự báo là 76 từ Dow Jones và là mức thấp nhất trong 6 tháng qua.

Brian Nick, Chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Macro Institute, cho biết dữ liệu có thể chỉ ra rằng “lạm phát cũng không đi đúng hướng”.

“Bạn bị ảnh hưởng từ cả 2 phía – mọi người nghĩ rằng mọi thứ còn tồi tệ hơn nền kinh tế và chúng sẽ tiếp tục tồi tệ hơn, đồng thời họ lo lắng về lạm phát. Và đó không phải là một công thức vui vẻ cho cổ phiếu hay trái phiếu”, ông nói.

Ông cũng cho biết thêm lộ trình hạ lãi suất của Fed sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi mức độ chậm lại trong chi tiêu của người tiêu dùng và trong tuyển dụng.

Gần đây, nhà đầu tư đã lạc quan hơn sau khi Fed cho biết động thái tiếp theo khó có thể là nâng lãi suất, đồng thời chỉ ra rằng việc áp trần lãi suất có thể thúc đẩy cổ phiếu tăng giá. Dữ liệu lao động hạ nhiệt hơn cũng làm tăng niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng năm nay.

Tuy nhiên, thị trường sẽ được thử thách vào tuần tới khi số liệu chỉ số giá tiêu dùng PCE tháng 4 được công bố.

Dầu giảm hơn 1%

Khép phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 1.3% xuống 82.79 USD/thùng. Còn hợp đồng dầu WTI mất 1.26% còn 78.26 USD/thùng.

Cả 2 hợp đồng dầu đều giảm trong tuần này.

Giá dầu cũng chịu áp lực khi đồng USD mạnh lên sau khi Chủ tịch Fed khu vực Dallas, Lorie Logan, cho biết không rõ liệu chính sách có đủ thắt chặt để đưa lạm phát giảm về mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương không. Đồng đô la Mỹ mạnh hơn là các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người sử dụng những đồng tiền khác, và lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn cũng có thể làm giảm nhu cầu.

Lãi suất cao hơn thường làm trì trệ hoạt động kinh tế và làm suy yếu nhu cầu dầu mỏ.

Chủ tịch Fed khu vực Atlanta, Raphael Bostic, cũng nói với Reuters rằng ông nghĩ lạm phát có thể chậm lại theo chính sách tiền tệ hiện tại, cho phép ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất vào năm 2024 – mặc dù có lẽ chỉ hạ 0.25 điểm phần trăm và phải đến những tháng cuối cùng của năm nay.

John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC, cho hay: “2 quan chức Fed được cho là chắc chắn đã cản trở triển vọng hạ lãi suất.”

Giá dầu cũng chịu áp lực từ sự gia tăng dự trữ nhiên liệu tại Mỹ trong bối cảnh đang cận kề mùa hè dịch chuyển sôi động.

Tuần tới, dữ liệu lạm phát Mỹ có thể ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed.

Giá dầu nhận được ít sự hỗ trợ từ số giàn khoan dầu của Mỹ, vốn là một chỉ báo về nguồn cung trong tương lai, bất chấp dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu tại Mỹ giảm 3 giàn xuống còn 496 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2024.

Mặt khác, liệu vào hôm 09/05 cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều hơn trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái cũng giúp kìm hãm đà giảm giá dầu. Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trở lại trong tháng 4 sau khi giảm trong tháng trước.

Trong khi, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dường như ngày càng có khả năng bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/dow-ruc-xanh-8-phien-lien-dau-giam-truoc-trien-vong-lai-suat-cao-post113943.html