Dư âm mùa Phật đản: Thiêng liêng lễ rước Phật đản sanh tại TP.HCM

Hòa trong không khí hân hoan kính mừng Đức Phật đản sinh, tối mùng 8-4-Giáp Thìn, hàng ngàn Phật tử và người dân đã nô nức hòa vào dòng người tham gia lễ rước kiệu thỉnh tôn tượng Đức Phật đản sinh từ tổ đình Ấn Quang về lễ đài chính của Phật giáo TP.HCM - Việt Nam Quốc Tự cử hành Lễ Tắm Phật.

Ngàn người chung dòng cảm xúc

Hân hoan, xúc động, hoan hỷ là những cảm xúc chung của số đông Phật tử và người dân tham gia đoàn rước kiệu. Là một trong những người dẫn đầu kiệu rước của Ban Đại diện Phật giáo người Hoa, Đại đức Thích Đức Hưng (Ủy viên Ban Đại diện Phật giáo người Hoa TP.HCM) cho biết: “Tôi rất xúc động khi đoàn rước kiệu Phật đi qua các tuyến đường, có Phật tử đứng hai bên chắp tay cung kính xá chào Phật, nhiều người vẫy cờ vui mừng, các xe đi trên đường dừng lại kiên nhẫn chờ đợi, có người đồng niệm danh hiệu Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Những hình ảnh đó với tôi rất thiêng liêng”.

Hòa trong đoàn rước Phật của Ban Hướng dẫn Phật tử TP.HCM, cùng các kiệu rước Phật, em Nguyễn Đinh Quỳnh Trâm (Q.Phú Nhuận) bày tỏniềm hân hoan khó tả khi thấy Phật tử ở khắp thành phố trở về chùa Ấn Quang để cùng nhau rước Phật. “Là một Phật tử, em cảm thấy rất tự hào khi được tham gia lễ rước Phật hôm nay. Em càng tự hào khi mình là người Phật tử”, Trâm cho biết.

Để tham dự lễ rước Phật, rất nhiều bạn trẻ cho biết đã xin công ty cho về sớm, để chuẩn bị cho ngày quan trọng của người con Phật. Phật tử Tâm Thông (Q.6) chia sẻ, sau khi tan làm ở công ty thì trời mưa quá lớn, anh về tư gia dâng hương lễ Phật, tụng thời kinh mừng Khánh đản. Ngay khi trời ngừng mưa anh Tâm Thông liền rủ bạn đạo cùng tới Việt Nam Quốc Tự rước Phật. “Dù tôi không được tham gia trọn vẹn cùng đoàn rước Phật nhưng khi về Việt Nam Quốc Tự đón đoàn rước Phật trong lòng cảm thấy rất an lạc và cảm thấy một điều gì đó rất xao xuyến, làm cho mình rất thương, rất cảm mến, và biết ơn vô hạn Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng sanh mà Ngài thị hiện ra nơi cõi đời này, để mang lại an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người”, anh Tâm Thông nói.

Lần đầu tiên Phật tử Hoa Đức (TP.Thủ Đức) tham gia lễ rước Phật. Chị cho biết bản thân rất háo hức nên dù mới 15 giờ 30, chị đã có mặt ở Việt Nam Quốc Tự. Có thời gian, chị thong thả chiêm ngưỡng tất cả các kiệu hoa, chào đón tận hưởng không khí Khánh đản và chụp hình với những đạo hữu đồng tu, sau đó di chuyển qua Ấn Quang tụng kinh, lạy Phật và dự lễ tắm Phật.

Vượt hàng chục km về TP.HCM tham gia lễ rước Phật

Đại lễ Phật đản với Phật tử là ngày lễ thiêng liêng, là ngày hội mà dù có bận rộn thế nào cũng cố gắng sắp xếp tham gia. Chị Hoa Tâm từ tỉnh Đồng Nai đã sắp xếp công việc, trở về thành phố một ngày trước khi lễ rước Phật diễn ra. “Tôi ở trọ khách sạn Q.Phú Nhuận, khá gần với Việt Nam Quốc Tự. Nhưng trước thời gian lễ diễn ra thì trời mưa, tôi mất hơn một tiếng đồng hồ để bắt xe taxi. Lúc đó tôi rất lo lắng, sợ bị trễ giờ, sẽ không tham gia được lễ rước Phật. Đến khi bạn lễ tân khách sạn tìm giúp được xe, tôi vui mừng không xiết”, chị Hoa Tâm cho biết.

“Tôi có phước duyên biết đến Phật pháp. Qua những lời dạy của Đức Phật và chư tôn đức hướng dẫn, tôi tìm được an lạc trong cuộc sống. Tôi nghĩ về Đức Phật với trọn lòng biết ơn và nhớ ơn. Trong ngày Phật đản, được tham gia lễ rước kiệu hoa là niềm hạnh phúc rất lớn của tôi”, chị Hoa Tâm chia sẻ thêm về lý do để chị Hoa Tâm vượt gần trăm cây số để về thành phố dự lễ rước Phật.

Hòa trong dòng người rước Phật, cô Diệu Thanh 70 tuổi và cô Diệu Thiện 69 tuổi nắm tay nhau không rời. Cô Diệu Thanh cho biết: “Từ ở Tiền Giang, hai bà già bao xe du lịch lên TP.HCM để đi rước Phật. Chân ai cũng đau, tui bó một gối, bà ấy bó một gối, nhưng đi rất phấn khởi. Già ngần này tuổi rồi mới tham gia được buổi lễ thiêng liêng thế này, về có ngồi một chỗ cả tuần cũng mãn nguyện”. Cô Diệu Thiện chia sẻ thêm: “Tiền xe đi hết 3 triệu, lúc đầu còn thấy tiếc tiếc, nhưng lên tới Việt Nam Quốc tự rồi thì bao nhiêu cũng đáng. Dưới quê 2g chiều là xe chạy, chưa tới 4g chiều là có mặt ở đây. Chúng tôi đi xem hết các kiệu hoa, xe hoa, quá thích. Lúc chiều trời mưa, hai bà già hú hồn, lo sợ tối không diễu hành được. Giờ thì mãn nguyện rồi”.

Anh Nhựt, con cô Diệu Thanh bộc bạch: “Mấy đứa con năn nỉ má ở nhà coi qua livestream đi, má nói năm rồi coi qua livestream rồi, năm nay cho đi trực tiếp. Mình phải nghỉ một buổi làm để đưa mẹ và cô đi. Vừa lên tới nơi là hai người đi xem xe hoa liền. Đi mệt ngồi nghỉ, nhà chùa phát bánh mì, nạp đủ năng lượng rồi lại đi coi kiệu hoa, xe hoa một lượt nữa. Mình đi theo chụp hình mà muốn rụng chân. Nhưng nhìn thấy má và cô vui, thì mệt bao nhiêu cũng được. Lâu lắm rồi mới thấy má hạnh phúc như vậy”.

Tối mùng 8-4-Giáp Thìn (15-5-2024), chư tôn đức Ban Tổ chức, Ban Nghi lễ cử hành niêm hương cầu nguyện trước tôn tượng Đức Phật sơ sinh tại lễ đài tổ đình Ấn Quang, sau đó cung thỉnh kim thân Đức Phật sơ sinh khởi hành từ tổ đình Ấn Quang (Sư Vạn Hạnh, P.9, Q.10) đến Việt Nam Quốc Tự (đường 3/2, P.12, Q.10) - nơi có lễ đài chính của Phật giáo TP.HCM kính mừng Phật đản Phật lịch 2568.

Đoàn rước kiệu Đức Phật đản sinh do Ban Nghi lễ Phật giáo TP.HCM dẫn đầu với hai đại kỳ và đỉnh trầm quyện tỏa hòa cùng nhạc bát âm truyền thống; kiệu chung cổ, long trụ, kiệu Tịnh Phạn vương, pháp loa, trống tay, kiệu kim thân Đức Phật sơ sinh, đoàn chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, tiếp nối các kiệu Đức Phật đản sinh, đoàn chư Tăng, Phật tử của Văn phòng Ban Trị sự TP.HCM, đại diện các hệ phái, các ban chuyên môn, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Trường Trung cấp Phật học TP.HCM, Báo Giác Ngộ… gồm 24 kiệu hoa lần lượt bộ hành nối nhau chậm rãi theo thứ tự, hòa trong không khí hân hoan của sự kiện trọng đại kỷ niệm ngày Đức Thế Tôn đản sinh.

Đoàn Phật theo lộ trình từ Sư Vạn Hạnh (tổ đình Ấn Quang) - Ngô Gia Tự - Lê Hồng Phong - đường 3/2 (cổng chính Việt Nam Quốc Tự), nơi lễ đài chính của Phật giáo TP.HCM.

Mùa Phật đản năm nay, đoàn cung rước kiệu Đức Phật đản sinh với thành phần tham gia đa dạng hơn các năm trước. Lộ trình đoàn cung rước đi qua tuy ngắn nhưng thành kính, trang nghiêm, lan tỏa niềm hân hoan trong không khí Khánh đản, cộng hưởng với nét rạng ngời trên từng gương mặt người dân hai bên đường cung đón, hòa quyện sắc màu đặc trưng của lễ hội truyền thống Phật giáo... Tất cả tạo nên dòng lưu chuyển của lễ hội tâm linh đầy đạo vị, thiêng liêng trong ngày 8 tháng Tư mở đầu Tuần lễ mừng Khánh đản Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni của Phật giáo TP.HCM.

Như Danh - Khánh Vi - Huỳnh Diệu/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/du-am-mua-phat-dan-thieng-lieng-le-ruoc-phat-dan-sanh-tai-tphcm-post71818.html