Dự án 11 năm vẫn 'dậm chân tại chỗ'
Dự án cụm công nghiệp Đông Gio Linh được UBND tỉnh Quảng Trị cấp quyết định thành lập ngày 1/9/2011 và là công trình trọng điểm với kỳ vọng khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng đi lên, thế nhưng đến nay, đã qua gần 11 năm mà dự án vẫn 'dậm chân tại chỗ'.
Hiện tại, cả công trình chẳng có gì khác ngoài bãi đất trống trải dài được quây lại bởi hệ thống hàng rào sơ sài và bãi vật liệu tập kết ngổn ngang.
Có mặt tại dự án công nghiệp Đông Gio Linh vào những ngày đầu tháng 3, mặc dù là một dự án cấp tỉnh nhưng chúng tôi phải đi bộ hơn 500m thì mới có thể tiếp cận được công trình đang triển khai do con đường dẫn vào dự án chưa xây dựng. Công trình có mức đầu tư 180 tỷ đồng nhưng hiện trạng chẳng có gì ngoài đất đá, ngôi nhà điều hành tạm cũ nát với cánh cửa rỉ sét và hệ thống hàng rào bằng bê tông chưa hoàn thiện...
Ông Lê Hảo, trú tại thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt chia sẻ, ngày trước khi biết tin trên địa bàn xây dựng cụm công nghiệp Đông Gio Linh, người dân trong vùng ai cũng vui mừng và thuận tình giao đất cho Nhà nước để cấp đất cho doanh nghiệp thực hiện. Bà con mong chờ dự án triển khai sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà thời gian trôi qua đã lâu đến nay dự án vẫn chưa động triển khai, đất bỏ hoang hóa. Trong khi đó, dân cư địa phương ngày càng đông đúc, nhu cầu đất ở rất cao nhưng lại không lại không có quỹ đất ở và sản xuất, bà con phải đi nơi khác để mua rất bất cập.
"Chúng tôi mong chính quyền địa phương sớm rà soát lại, xem xét nếu nhà đầu tư không thực hiện thì thu hồi đất giao cho đơn vị khác. Hoặc, cấp lại cho người dân định cư và sản xuất chứ không thể để dự án "treo" mãi như thế này. Thời gian qua trong các đợt tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng đã phản ánh và kiến nghị rất nhiều lần…", ông Lê Hảo cho hay.
Dự án cụm công nghiệp Đông Gio Linh được triển khai tại thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt với quy mô 70 ha do Công ty Hoàng Khang (trụ sở đăng ký tại thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện. Tổng vốn đầu tư dự án là 180 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm. Ngày 5/9/2016, UBND tỉnh có Quyết định điều chỉnh diện tích cụm công nghiệp Đông Gio Linh và giao 20 ha thuộc thị trấn Cửa Việt giao UBND huyện Gio Linh quản lý, đầu tư phát triển.
Theo kế hoạch, tháng 2/2019 công ty này sẽ tổ chức khởi công xây dựng các hạng mục công trình nhưng thực tế công ty này vẫn không triển khai. Đến ngày 24/5/2019, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định gia hạn tiến độ sử dụng đất đến tháng 9/2020 đối với Công ty Hoàng Khang để thực hiện dự án. Công ty này cam kết chậm nhất đến tháng 10/2021 sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, sau đó công ty này vẫn chây ì không thực hiện.
Trước thực trạng trên, ngày 15/4/2021, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản đề nghị Công ty Hoàng Khang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các thủ tục theo quy định. Nếu đến tháng 10/2021, công ty vẫn chưa hoàn thành dự án để đưa vào hoạt động thì Sở Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục trình UBND tỉnh thu hồi đất giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, gia hạn tiến độ sử dụng đất dự án cụm công nghiệp này vẫn nguyên hiện trạng ban đầu. Công trường dự án vẫn chỉ là bãi đất cát trải dài với những công trình dang dở, ngổn ngang trong sự bức xúc của người dân và chính quyền địa phương.
Ông Lê Ánh Hùng, Chủ tịch UBND xã Gio Việt cho biết, năm 2012 xã Gio Việt đã bàn giao 70 ha đất để triển khai dự án cụm công nghiệp Đông Gio Linh. Trước kia, khi nghe tin dự án triển khai trên địa bàn sẽ giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động trên địa bàn xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt nên bà con nhân dân rất vui mừng và kì vọng. Thế nhưng, đến nay đã qua hơn một thập niên mà Công ty Hoàng Khang vẫn không có động thái gì, đất vẫn bỏ hoang. Trong khi đó, hiện tại toàn xã có 1.441 hộ với 6.866 nhân khẩu, dân số tăng nhanh dẫn đến tình trạng đất chật người đông.
Hiện tại, xã đã không còn quỹ đất để cấp dân sinh, sản xuất và xây dựng các công trình công cộng như: trường học, trạm y tế, sân vận động, khu vui chơi… Đặc biệt, địa phương muốn di chuyển các lò hấp cá ra khỏi khu dân cư để hạn chế sự ô nhiễm môi trường nhưng không thể do không có quỹ đất. Điều đó đã tác động rất lớn đến đời sống nhân dân trên địa bàn, gây bức xúc trong nhân dân khi khu đất "vàng" nằm ở trung tâm xã lại bỏ hoang. Tại các kỳ họp tiếp xúc cử tri, bà con nhân dân đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên cấp trên. Riêng xã cũng đã kiến nghị cũng như gửi tờ trình lên cấp trên đề nghị trả lại đất của dự án cho địa phương.
Trước tiến độ "rùa bò" của dự án vẫn tồn tại trước bức xúc của người dân và khó khăn của địa phương kéo dài trong suốt nhiều năm liền, ông Trần Quang Trung, Phó Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, quá trình triển khai dự án gặp nhiều vấn đề về tiến độ và mục tiêu của dự án không đáp ứng được yêu cầu của huyện. Sau này, UBND tỉnh đã có định hướng thu hồi 20 ha giao cho huyện để phát triển khu dân cư, 50 ha còn lại để doanh nghiệp triển khai dự án đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để công ty này thực hiện theo đúng tiến độ.
"Ban Quản lý Khu kinh tế đã nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện so với quy định sử dụng đất và tiến độ triển khai dự án cụm công nghiệp chậm. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã đề nghị thu hồi một phần dự án do chậm tiến độ. Thời gian tới, trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh và các cam kết, nếu nhà đầu tư không đảm bảo tiến độ, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết chấm dứt dự án. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các thủ tục thu hồi đất theo quy định…", ông Trung nói.