Dự án BOT thua lỗ, giờ xử lý thế nào?
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa thay mặt Chính phủ báo cáo việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa 14 về giám sát chuyên đề trong lĩnh vực GTVT. Một vấn đề tất cả cùng quan tâm, là với một số dự án BOT ngành Giao thông mà DN thua lỗ, giờ xử lý ra sao?
Theo báo cáo, những năm qua, hầu hết dự án BOT giao thông có doanh thu thấp, không đủ bù đắp chi phí, trả lãi vay tín dụng. Nhà đầu tư phải dùng vốn tự có để bù đắp dòng tiền thiếu hụt. Sau đại dịch COVID-19, DN BOT không còn vốn tự có để trả lãi vay, gây nợ xấu cho tổ chức tín dụng.
Trong 54 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, đến 2022 chỉ có 7 dự án đạt doanh thu cao hơn so với hợp đồng, 43 dự án đạt 30 - 100% và 4 dự án đạt dưới 30%. Riêng năm 2022 có 41 dự án đạt 30 - 100% và 7 dự án doanh thu dưới 30%. Trong đó có 8 dự án bị thua lỗ do không được thu phí hoặc sụt giảm mạnh doanh thu.
Bộ đã đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, chấm dứt hợp đồng trước hạn với 5 dự án; sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước đối với 3 dự án. Dự kiến, nguồn vốn nhà nước để xử lý 8 dự án BOT thua lỗ khoảng 10.340 tỷ đồng.
Sẽ có 5 dự án dự kiến chấm dứt hợp đồng BOT trước hạn; 3 dự án dự kiến sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước. Theo Bộ GTVT, việc đàm phán vẫn gặp vướng mắc. Có nhà đầu tư ban đầu thống nhất giải pháp bổ sung vốn nhà nước không quá 49% tổng mức đầu tư để tiếp tục hợp đồng, nhưng sau đó lại thay đổi quan điểm và đề nghị chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn. Có nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ 50% tỷ suất lợi nhuận nhưng một số chỉ chấp thuận chia sẻ nếu ngân hàng chấp thuận chia sẻ tối đa, giảm thiểu lãi suất vốn vay. Trong khi đó, các ngân hàng chỉ cam kết theo hướng sẻ chia sẻ với Nhà nước, nhà đầu tư, không đưa ra mức cụ thể.
Còn nhớ, BOT từng một thời khiến dư luận “sốt xình xịch”. Giai đoạn 2005 - 2020, khi một số tuyến QL hư hỏng, Bộ GTVT đã huy động khoảng 247.570 tỷ đồng đầu tư 72 dự án hạ tầng theo hình thức BOT, trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn. Các dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Nhưng cũng cần nhớ, một số dự án có một số điểm bất hợp lý, bị người dân phản đối quyết liệt, buộc phải có một số thay đổi.
Theo hợp đồng ký kết, Nhà nước sẽ hỗ trợ, chia sẻ rủi ro khi dự án đạt doanh thu thấp, song vướng mắc của một số dự án chưa được giải quyết. Trả lời chất vấn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng GTVT nói một số dự án BOT thua lỗ do thực tế phát sinh, không phải lỗi nhà đầu tư. Ví dụ, khi một cao tốc khánh thành, dự án BOT trên QL đi song song bị giảm tới 83% doanh thu do phương tiện chọn đi cao tốc.
Trước tình hình đó, Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng để xác định mức chia sẻ của các bên, bảo đảm nguyên tắc “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, nhà đầu tư dự án BOT cũng là DN, làm ăn kinh doanh còn dựa trên nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”; không nên khi kinh doanh tươi tốt lợi nhuận nhiều thì im lặng, khi thua lỗ thì đổ lỗi. Các bên cần đàm phán thương lượng bám chặt nguyên tắc “hài hòa, chia sẻ” như vậy thì mới ra lối thoát cho các dự án BOT thua lỗ.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/du-an-bot-thua-lo-gio-xu-ly-the-nao-post491488.html