Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế (Thừa Thiên Huế): Một số gói thầu xin điều chỉnh vì tỷ giá Yên Nhật giảm mạnh
Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) là một trong những dự án trọng điểm đã và đang triển khai nhằm góp phần hoàn chỉnh và đồng bộ hạ tầng thoát nước trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do tỷ giá đồng ngoại tệ JPY (Nhật Bản) giảm mạnh, phần vốn vay ODA quy đổi ra đồng VND không đủ để thực hiện nên nhiều gói thầu thuộc dự án này phải xin điều chỉnh thời gian và cơ cấu nguồn vốn.
Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với tổng vốn thực hiện hơn 24 tỷ Yên Nhật (hơn 5.100 tỷ VNĐ). Trong đó vốn vay ODA 20,883 tỷ Yên (khoảng hơn 4.300 tỷ VNĐ), vốn đối ứng 667,2 tỷ VNĐ. Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2008 đến 30/6/2024, do UBND TP Huế làm chủ đầu tư.
Dự án được triển khai trên địa bàn 13 phường của TP Huế, nhằm tăng cường năng lực thoát nước, giảm nhẹ thiên tai do ngập úng và thực hiện thu gom, xử lý nước thải khu vực Nam sông Hương; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải, nâng cao sức khỏe cộng đồng, hạn chế nguồn phát dịch bệnh, nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh môi trường.
Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trên địa bàn 11 phường ở khu vực phía Nam TP từ tháng 8/2015 và đã hoàn thành trong năm 2020. Trong quá trình thực hiện, dự án đã tiết kiệm, kết dư được nguồn vốn khoảng 1.400 tỷ VNĐ. Để tăng hiệu quả đầu tư của dự án, UBND tỉnh đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ, nhà tài trợ JICA đồng ý cho phép sử dụng nguồn vốn dư này để mở rộng quy mô đầu tư nhằm hoàn chỉnh và đồng bộ cơ sở hạ tầng thoát nước trong khu vực. Theo đó, các hạng mục phần vốn dư được thực hiện thông qua 6 gói thầu xây lắp, gồm: Kè sông Như Ý đoạn từ Đập Đá đến cầu Vân Dương; thoát nước, lề đường Phạm Văn Đồng; kè tại khu C, khu đô thị An Vân Dương...
Sau khi được phê duyệt, đến nay, tiến độ dự án đạt khoảng 85% giá trị xây lắp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, dự án đã gặp một số khó khăn như: Thiếu vốn ODA, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các công việc triển khai dự án (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư, thẩm định thiết kế chi tiết...). Vì vậy, đến tháng 5/2023 mới hoàn tất công tác đấu thầu, trao hợp đồng; và tháng 6/2023 bắt đầu triển khai công tác xây lắp trên hiện trường; nên một số hạng mục, gói thầu không thể hoàn thành vào ngày 30/6/2024 như kế hoạch đã đề ra.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước (BQL), hiện nay có rất nhiều gói thầu của dự án cần được bố trí nguồn vốn. Đơn cử như gói thầu “Tuyến ống thu nước thải cho khu A, khu đô thị An Vân Dương và thoát nước thải bổ sung các khu vực còn lại khu đô thị An Vân Dương”, giá trị còn lại để hoàn thành công trình là 6,45 tỉ đồng; Gói thầu “Kè sông Như Ý đoạn từ Đập Đá đến Cầu Vân Dương, giá trị còn lại để hoàn thành công trình là 25,85 tỉ đồng; gói thầu “Kè tại khu C khu đô thị An Vân Dương”, giá trị còn lại để hoàn thành công trình là 12,85 tỉ đồng...
Lý do các gói thầu thiếu vốn do tỷ giá đồng ngoại tệ JPY giảm mạnh (giảm khoảng 24% so với thời gian phê duyệt dự án) làm nguồn vốn ODA của dự án bị thiếu hụt; trong khi thỏa thuận vay của dự án đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2024; nên sau khi giải ngân hết nguồn vốn ODA trong hiệp định (bao gồm cả phần vốn điều chuyển từ chi phí tư vấn kết dư và dự phòng của thỏa thuận vay); sẽ thiếu vốn cho các hạng mục xây lắp, thiết bị và dịch vụ tư vấn...
Để tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục công việc còn lại của dự án (sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương), cần triển khai thực hiện các thủ tục để điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh các nội dung chính của dự án. Mới đây, tại Kỳ họp lần thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026), UBND tỉnh đã có Tờ trình 7258/TTr-UBND gửi HĐND tỉnh về việc xin điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án.
Theo UBND tỉnh, dù Chính phủ, nhà tài trợ JICA sau đó đã điều chỉnh cơ cấu hạng mục vốn vay của thỏa thuận vay, tuy nhiên phần vốn ODA không đủ để thực hiện hoàn thành. Theo tính toán, hiện tổng số vốn còn thiếu khoảng 254,2 tỷ đồng.
UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến 31/12/2025 để thực hiện các công việc còn lại gồm: Thi công các hạng mục còn lại; nghiệm thu, cấp chứng chỉ nghiệm thu; kiểm tra, xác nhận khối lượng hoàn công; thông báo sai sót, bảo hành hợp đồng; thanh/quyết toán hợp đồng.