Dự án cấp nước sạch 'đắp chiếu', cần thay thế nhà đầu tư năng lực yếu

Trong khi người dân thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt thì loạt dự án cấp nước chậm, không triển khai. Đề nghị thay thế nhà đầu tư năng lực yếu.

Tuyến ống nước sạch đang bị quá tải

Sau khi Báo Giao thông đăng tải bài viết: "KĐT Thanh Hà: Cư dân bức xúc vì phải dùng nước giếng khoan", ngày 10/10, Công ty Nước mặt Sông Đuống đã có phản hồi thông tin liên quan đến nội dung này.

Theo đó, Công ty Nước mặt Sông Đuống cho biết, Công ty không cấp nước trực tiếp cho Công ty Nước sạch Thanh Hà.

Cư dân KĐT Thanh Hà treo băng rôn yêu cầu được cung cấp nước sạch để sử dụng sinh hoạt hàng ngày.

Cư dân KĐT Thanh Hà treo băng rôn yêu cầu được cung cấp nước sạch để sử dụng sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cấp nước cho khu vực Thủ đô, kết nối mạng vòng giữa các hệ thống cấp nước, kịp thời hỗ trợ bổ sung nguồn nước khi một trong các nguồn cấp gặp sự cố.

Trên cơ sở chấp thuận của UBND thành phố, Công ty Nước mặt Sông Đuống đã triển khai xây dựng tuyến ống DN800 theo quy hoạch (đấu nối từ tuyến ống DN 1200 sau sông Hồng) chạy dọc đường 70 để bổ sung cấp nước cho quận Hà Đông.

Hiện hệ thống đường ống của Công ty Nước mặt Sông Đuống đang dừng tại điểm Xa La đường tỉnh lộ 70 và đang cấp cho Công ty Nước sạch Hà Đông tại điểm đấu này.

Công ty nước sạch Thanh Hà đang nhận nước thông qua tuyến ống của Công ty Nước sạch Hà Đông.

Công ty Nước mặt Sông Đuống cho hay, kể từ khi hoàn thành vào tháng 4/2019 đến nay, tuyến ống DN800 chạy dọc đường 70 do Công ty Nước mặt Sông Đuống xây dựng đã đảm bảo nguồn cấp ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của Công ty Nước sạch Hà Đông (HADOWA).

Tuy nhiên, hiện nay tuyến ống DN 1200 sau sông Hồng của Công ty Nước mặt Sông Đuống hiện đang hoạt động hết công suất để cấp nước cho các đơn vị phân phối lớn là Công ty Nước sạch Hà nội (HAWACOM), Công ty Cổ phần VIWACO và Công ty Nước sạch Hà Đông với sản lượng trung bình khoảng 205.000m3/ngày đêm. Có thời điểm lên tới 215.000m3/ngày đêm.

Công ty Nước mặt Sông Đuống cho rằng, tuyến ống bị quá tải, tiềm ẩn nguy cơ sự cố, đồng thời vùng cấp nước do HADOWA quản lý thuộc khu vực cuối nguồn tuyến ống DN1200 nêu trên, nếu không có sự điều tiết chia sẻ của các đơn vị đầu nguồn như HAWACOM, VIWACO thì việc cấp nước cho khu vực này sẽ gặp khó khăn nhất định.

Công ty Nước mặt Sông Đuống cũng đã triển khai một số phương án cụ thể để đảm bảo nguồn cấp nước ổn định cho HADOWA như: duy trì 24/24h các tổ bơm; tổ chức các cuộc họp với đơn vị đầu nguồn để cùng điều tiết mạng lưới, hỗ trợ áp lực, lưu lượng…

Hiện Công ty Nước mặt Sông Đuống cũng đã trình UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội phương án Xây dựng tuyến ống DN700 đấu nối từ tuyến ống DN 1400 qua sông Hồng đến điểm đấu Yên Duyên- Vành đai 3 để tăng cường cấp nước.

Phương án đang chờ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Tuyến ống bị quá tải sẽ tiềm ẩn nguy cơ sự cố (Vụ vỡ đường ống nước sông Đuống gây ra tai nạn giao thông. 1 xe container sụt xuống hố sâu).

Tuyến ống bị quá tải sẽ tiềm ẩn nguy cơ sự cố (Vụ vỡ đường ống nước sông Đuống gây ra tai nạn giao thông. 1 xe container sụt xuống hố sâu).

3 dự án nước sạch không được chủ đầu tư thực hiện

Về nội dung phản ánh của Công ty Nước sạch Thanh Hà về việc Công ty Nước mặt Sông Đuống chưa triển khai thi công đường ống từ Xa La về vòng xuyến Thanh Hà (Thanh Oai), Công ty Nước mặt Sông Đuống cho biết, theo quy hoạch cấp nước Hà nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 (QĐ 499/QĐ- UBND ngày 21/3/2013), Nước mặt Sông Đuống cung cấp nguồn nước cho khu vực phía Nam Hà Nội, gồm: quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Thường tín, Phú Xuyên.

4 dự án chậm tiến độ gồm:

Dự án nối mạng, cấp nước 14 xã, thị trấn, huyện Hoài Đức do Công ty CP nước sạch Tây Hà Nội - Wadaco làm chủ đầu tư.

Dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Sóc Sơn (18 xã), Đông Anh (9 xã), Gia Lâm (5 xã) do Công ty CP nước Aqua One và Công ty Nước mặt Sông Đuống làm chủ đầu tư.

Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch 8 xã huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận do Công ty CP Môi trường đô thị Xuân Mai làm chủ đầu tư.

Dự án cấp nước cho 8 xã của huyện Đan Phượng do Công ty Nước sạch Tây Hà Nội làm chủ đầu tư.

3 dự án chủ đầu tư không thực hiện gồm:

Dự án đầu tư phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tín (26 xã), Mỹ Đức (20 xã), Ứng Hòa (27 xã), Thanh Oai (17 xã) do Công ty CP nước Aqua One và Công ty nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư.

Dự án xây dựng công trình cấp nước sạch liên xã: Xuân Phú - Vân Nam - Vân Phúc, huyện Phúc Thọ.

Dự án xây dựng nhà máy nước sạch Long Xuyên, Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ.

Công ty Nước mặt Sông Đuống cũng có văn bản gửi Công ty CP Nước sạch Thanh Hà, đề nghị ông Dương Đình Trình, Phó Giám đốc công ty đính chính thông tin ông Trình phản ánh không chính xác trên báo chí.

Thông tin lại Báo Giao thông, ông Dương Đình Trình đưa ra văn bản 147/2019 do Công ty Cổ phần Nước Aqua One gửi cho Công ty Nước sạch Thanh Hà.

Văn bản thể hiện nội dung, đoạn ống này thuộc trách nhiệm thực hiện của Công ty CP Nước Aqua One.

Theo đó, UBND TP Hà Nội (14/10/2019), đã có quyết định cho phép Công ty CP Nước Aqua One đầu tư dự án xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch trên đường trục kinh tế phía Nam TP.

Tuyến ống truyền tải DN600 trên đường trục phía Nam, từ ngã ba Xa La- đường 70 đến ngã ba giao giữa đường Lê Trọng Tấn và đường Phúc La- Văn Phú.

Tuyến ống này đảm bảo cấp nước kịp thời cho người dân trong KĐT Thanh Hà. Nhưng đến nay chưa triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, trong Báo cáo Kết quả giám sát về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đây, Ban Đô thị TP Hà Nội cho biết, TP Hà Nội đã lập điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 554 (554/QĐ-TTg, ngày 6/4/2021).

Bên cạnh đó, Ban Đô thị cho biết, có 3 dự án đầu tư không triển khai. Trong đó, Dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tín (26 xã), Mỹ Đức (20 xã), Ứng Hòa (27 xã), Thanh Oai (17 xã) do Công ty CP Nước Aqua One và Công ty Nước mặt Sông Đuống làm chủ đầu tư. Tiến độ hoàn thành năm 2020.

Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở và hồ sơ dự án đang trình thẩm định tại Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng), hiện nay các đơn vị chưa hoàn thiện thủ tục để triển khai thực hiện đầu tư.

Cũng theo báo cáo của Ban Đô thị, trong 4 dự án phát triển mạng cấp nước triển khai nhưng chậm tiến độ, Dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Sóc Sơn (18 xã), Đông Anh (9 xã), Gia Lâm (5 xã) do Công ty CP Nước Aqua One và Công ty Nước mặt Sông Đuống làm chủ đầu tư, tiến độ hoàn thành năm 2020.

Đến nay, tại huyện Đông Anh: Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội đang hoàn thiện mạng cấp nước cho xã Cổ Loa, Thụy Lâm, Bắc Hồng.

Liên danh Công ty CP Nước Aqua One và Công ty CP Nước mặt Sông Đuống đầu tư mạng cấp nước cho 2 xã còn lại Liên Hà, Vân Hà; huyện Sóc Sơn: 11 xã Công ty CP Nước sạch số 2 đang hoàn thiện thủ tục để đầu tư; 7 xã còn lại hiện đang thực hiện lựa chọn đơn vị đầu tư.

Nước đọng xung quanh Trạm cấp nước Thanh Hà có màu vàng khiến người dân lo lắng về chất lượng nước.

Nước đọng xung quanh Trạm cấp nước Thanh Hà có màu vàng khiến người dân lo lắng về chất lượng nước.

Theo Ban Đô thị, nguyên nhân dẫn đến một số dự án chậm tiến độ là do các chủ đầu tư thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện dự án theo tiến độ, kế hoạch được phê duyệt.

Một số chủ đầu tư hạn chế về năng lực tài chính, vốn, công nghệ. Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vốn còn gặp khó khăn do doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn...

Trước thực trạng trên, Ban Đô thị TP Hà Nội đưa ra hàng loạt đề xuất. Trong đó có kiến nghị, TP Hà Nội cần kiên quyết thay thế các nhà đầu tư hạn chế về năng lực, không đáp ứng được yêu cầu hoàn thành dự án đúng tiến độ theo kế hoạch.

Nguyễn Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/du-an-cap-nuoc-sach-dap-chieu-can-thay-the-nha-dau-tu-nang-luc-yeu-192231010203547803.htm