Dự án cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương và Đồng Nai thông xe dịp 2/9
Công trình cầu đường bộ qua sông Đồng Nai nối hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai hiện đã hoàn thành sau gần ba năm thi công và sẽ thông xe vào dịp lễ 2/9 này, giúp kết nối thông suốt các địa phương vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...
Cầu Bạch Đằng 2 được khởi công vào cuối năm 2021, quy mô 4 làn xe, nối thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai và là cây cầu thứ ba bắc qua sông Đồng Nai nối hai địa phương Đông Nam Bộ này.
Công trình dài 2,8 km, trong đó phần cầu chính dài 410 m, rộng 17 m với 4 làn xe, còn lại là đường dẫn hai đầu. Dự án có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn ngân sách của hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai (tỷ lệ 50-50), do Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư.
Dự án được khởi công vào cuối năm 2021 và dự kiến sẽ hoàn thành, thông xe vào quý I-2023 (thời gian thực hiện hợp đồng là 450 ngày). Tuy nhiên, do vướng mặt bằng và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công trình đến nay mới hoàn thành và dự kiến kịp thông xe dịp 2/9 nhằm phục vụ việc đi lại thuận tiện cho người dân và giao thông thông thông suốt trên toàn tuyến giữa hai địa phương nói trên, cũng như khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cho đến nay, việc lưu thông qua lại giưa hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thông qua một số cầu đường bộ trên các tuyến, gồm cầu Đồng Nai trên tuyến quốc lộ 1, cầu Hóa An trên tuyến quốc lộ 1K và cầu Thủ Biên trên đường Vành đai 4 TP.HCM. Tuy nhiên, do vị trí các cầu nói trên cách nhau khá xa đã tạo sự ngăn cách về giao thông giữa hai tỉnh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại của vùng, nhất là kết nối giữa trung tâm thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Vì vậy, cầu Bạch Đằng 2 nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của hai địa phương; góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối giao thương các khu công nghiệp phía thành phố Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên của tỉnh Bình Dương với thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai.