Dự án chiếu sáng nghệ thuật đôi bờ sông Hàn Đà Nẵng: Cần giải pháp bền vững lâu dài
Theo thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2023 của UBND TP Đà Nẵng, 'Dòng sông ánh sáng' là dự án chiếu sáng nghệ thuật đôi bờ sông Hàn và 5 cây cầu bắc qua dòng sông này với tổng mức đầu tư dự kiến gần 400 tỷ đồng.
Kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế
Theo đó, sẽ xây dựng trung tâm điều khiển tự động chung chiếu sáng nghệ thuật 5 cây cầu (Thuận Phước, Sông Hàn, cầu Rồng, Nguyễn Văn Trỗi và Trần Thị Lý) bắc qua sông Hàn, kể cả chiếu sáng hai bên bờ sông, lan can cũng như chiếu sáng nghệ thuật mặt nước.
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết đã báo cáo UBND TP để trình chủ trương đầu tư dự án này. Lãnh đạo TP đã chỉ đạo để phân kỳ đầu tư, triển khai dự án sớm nhất; trong đó chiếu sáng nghệ thuật cho cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được thực hiện bởi một đơn vị chiếu sáng nổi tiếng trên thế giới.
Cùng với đó, trong tương lai các công trình cao tầng hai bên bờ sông Hàn cũng sẽ bắt buộc phải đầu tư thêm hạng mục chiếu sáng nghệ thuật theo quy định quản lý của TP từ màu sắc, hình ảnh và chiếu sáng đô thị, nhất là về đêm, nhằm tạo nên hình ảnh mới cho TP.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Tán Văn Vương, "Dòng sông ánh sáng" sẽ là sản phẩm "đinh" trong thời gian tới nhằm tô điểm cho TP vào ban đêm, tạo sự hấp dẫn với du khách và nâng cao giá trị tinh thần cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch, đặc biệt là phát triển kinh tế ban đêm của TP.
Có thể nói việc tăng sức hấp dẫn cho sông Hàn để tạo đột phá cho phát triển du lịch nói riêng, kinh tế TP nói chung rất cần thiết và Đà Nẵng đang đặt nhiều kỳ vọng vào “Dòng sông ánh sáng”. Nhưng làm thế nào để dự án này thực sự thiết thực và phát huy hiệu quả lâu dài là vấn đề cần xem xét thấu đáo hơn nữa. Tuy nhiên nội dung này chưa được đề cập tại cuộc họp báo vừa qua.
Băn khoăn vấn đề tiết kiệm điện
Căn cứ những thông tin do lãnh đạo Sở Xây dựng và Sở Du lịch Đà Nẵng cung cấp tại cuộc họp báo thì dự án “Dòng sông ánh sáng” dường như chỉ mới dừng ở mức chiếu sáng nghệ thuật, tức là mới chỉ “chiếu sáng dòng sông” chứ chưa thực sự biến sông Hàn trở thành một “dòng sông ánh sáng” đúng nghĩa.
Còn nhớ, tháng 5/2023, mặc dù mới bước vào mùa cao điểm du lịch hè nhưng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện trong bối cảnh cả nước phải đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, UBND TP Đà Nẵng đã phải có văn bản yêu cầu triển khai ngay các giải pháp cấp bách tiết kiệm điện giai đoạn mùa khô (quý II và quý III) năm 2023.
Thực hiện chỉ đạo này, hệ thống chiếu sáng trang trí các cầu Thuận Phước, Sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý, dọc tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo ở hai bên bờ sông Hàn, Công viên APEC, Bảo tàng điêu khắc Chăm chỉ vận hành từ đầu đêm đến 22h (sáng 100% số đèn), từ 22h đến sáng hôm sau tắt tất cả.
Điều đó đã gây ra những tác động đến hình ảnh của TP Đà Nẵng về đêm, nhất là đang cao điểm mùa du lịch hè. Do vậy tại Thông báo 60/TB-VP (ngày 16/8/2023), Thường trực HĐND TP Đà Nẵng đã đề nghị UBND TP “có giải pháp tiết kiệm năng lượng điện hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo điện chiếu sáng công cộng, nhất là tại các địa điểm, khu vực du lịch, dịch vụ để tạo điều kiện cho phát triển du lịch, an ninh trật tự cho du khách và người dân TP”.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, không ai dám chắc tình trạng thiếu điện như mùa hè năm nay sẽ không còn tái diễn ở các năm sau, nhất là trong bối cảnh nguồn cung cấp điện của Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào thủy điện nên sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề nan giải khi xảy ra hạn hán. Những lúc như thế, liệu có thể chiếu sáng nghệ thuật để sông Hàn trở thành “dòng sông ánh sáng”, hay là phải thực hiện tiết kiệm điện?
Những "dải ngân hà" trên sông Hàn
Thực ra, kể cả khi phải thực hiện tiết kiệm điện thì sông Hàn vẫn có thể là “dòng sông ánh sáng” đúng nghĩa. Đó là khi hàng trăm, hàng ngàn du thuyền lớn nhỏ đưa du khách thay vì thưởng ngoạn những sắc màu rực rỡ thì sẽ trải nghiệm chiều sâu của sông Hàn, thưởng thức ẩm thực, nghệ thuật, nghe những câu chuyện về lịch sử dòng sông, lịch sử TP… để có cho mình những chiêm nghiệm sâu sắc.
Mỗi du thuyền được trang trí hấp dẫn, bắt mắt sẽ là một ngọn đèn; hàng trăm, hàng ngàn du thuyền như thế sẽ tạo nên những dải ngân hà đầy sức quyến rũ trên sông Hàn mà không bị quá lệ thuộc vào việc các cây cầu, các tòa nhà, hai bên bờ sông có đang được chiếu sáng nghệ thuật hay không.
Đó mới thực sự là một “dòng sông ánh sáng” đúng nghĩa, vừa bền vững vừa phát huy được nguồn lực xã hội hóa chứ không phải tốn kém quá nhiều ngân sách của địa phương, nhất trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Muốn như vậy, vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy của Đà Nẵng.
Tuy nhiên, tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động dịch vụ du lịch 9 tháng năm 2023, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, các điểm dừng chân phục vụ các tuyến du lịch đường thủy nội địa chưa được triển khai do vướng kết luận Thanh tra Chính phủ (các dự án tại Sơn Trà).
Đồng thời các doanh nghiệp cũng phản ánh nhiều vướng mắc cần các cấp, ngành hữu quan chung tay tháo gỡ để tạo điều kiện cho phát triển du lịch đường thủy của Đà Nẵng. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường, những vấn đề này các doanh nghiệp đã phản ánh từ rất lâu, tuy nhiên đến nay họ vẫn tiếp tục phản ánh.
Điều đó chứng tỏ các vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ để du lịch đường thủy Đà Nẵng phát triển. Có chiếu sáng nghệ thuật mà trên sông Hàn vẫn chỉ lác đác vài chiếc thuyền thì thật khó để trở thành “dòng sông ánh sáng” đúng nghĩa. Nhưng nếu sử dụng một phần trong 400 tỷ đồng của dự án này hỗ trợ đóng mới tàu thuyền đạt chuẩn, nâng cao chất lượng phục vụ du khách thì tình hình có thể sẽ khác.
Cần hướng vào chiều sâu để tạo giá trị bền vững
Ngoài ra, khi thông tin về dự án “Dòng sông ánh sáng”, chưa thấy cơ quan chức năng Đà Nẵng đề cập đến một trong những vấn nạn ô nhiễm môi trường mà nhiều đô thị lớn trên thế giới hiện đang phải đối mặt, cùng với các loại ô nhiễm khác như tiếng ồn, khói bụi… Đó là nguy cơ ô nhiễm ánh sáng, nếu đến lúc nào đó việc chiếu sáng trên sông Hàn trở nên quá mức.
Tại cuộc họp báo vừa qua, đã có phản ánh về việc du khách lưu trú tại các khách sạn quanh khu vực chợ đêm An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) phàn nàn về việc các tụ điểm ca nhạc gây ồn ào, ảnh hưởng đến giấc ngủ, sự yên tĩnh của họ. Sẽ thế nào nếu du khách lưu trú tại các khách sạn hai bên bờ sông Hàn cũng phàn nàn về sự khó chịu khi phải liên tục đối mặt với những ánh sáng sặc sỡ?
Chưa kể, trong tương lai các công trình cao tầng hai bên bờ sông Hàn cũng sẽ bắt buộc đầu tư thêm hạng mục chiếu sáng nghệ thuật theo quy định quản lý của Đà Nẵng nhằm tạo hình ảnh mới cho TP. Liệu điều này có làm ảnh hưởng môi trường đầu tư của địa phương, khiến nhà đầu tư phải thêm chi phí?
Chiếu sáng nghệ thuật sông Hàn để tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng là cần thiết, nhưng làm thế nào để phát huy được hiệu quả thiết thực là vấn đề cần cân nhắc kỹ, cần hướng vào chiều sâu để tạo nên những giá trị bền vững.