Dự án Đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt: Nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn trong giai đoạn 2026 - 2030
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để triển khai dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức triển khai dự án đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Quốc lộ 27C hiện là tuyến đường duy nhất kết nối Nha Trang với Đà Lạt.
Hiện nay, Quốc lộ 27C là tuyến đường duy nhất kết nối TP. Nha Trang với TP. Đà Lạt, trong đó có đèo Khánh Lê dài khoảng 30km, địa hình quanh co hiểm trở, không phù hợp với xe trọng tải lớn. Tuyến này thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Với quy mô đường cấp IV-III, Quốc lộ 27C chỉ có khả năng thông hành tối đa 10.000 PCU/ngày đêm (tương đương khoảng 4.200 xe loại 5 chỗ), trong khi nhu cầu vận tải ngày càng tăng, dự báo đến năm 2030 đạt mức 9.800 - 10.900 PCU/ngày đêm, dẫn đến nguy cơ quá tải trước thời điểm này.
Trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Tây Nguyên ra cảng biển duyên hải Nam Trung Bộ và kết nối du lịch giữa hai trung tâm Nha Trang - Đà Lạt ngày càng lớn, việc đầu tư tuyến cao tốc chất lượng cao, an toàn là cần thiết và cấp bách. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đề xuất trước mắt đầu tư đoạn tuyến cao tốc dài 80,8km, điểm đầu giao với cao tốc Vân Phong - Nha Trang tại huyện Diên Khánh, điểm cuối giao Quốc lộ 27C tại ngã ba Đarahoa (TP. Đà Lạt). Tuyến đường có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường từ 22 - 24,75m, vận tốc thiết kế 80 - 100km/h.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố còn khoảng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ (so với hiện tại từ 3 giờ 30 phút đến 4 giờ), mở ra động lực lớn phát triển du lịch kết nối “biển và hoa”, thúc đẩy liên kết vùng. Tuyến cao tốc này còn đóng vai trò là trục ngang chiến lược, kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, liên thông với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng đang triển khai, góp phần thúc đẩy logistics và phát triển kinh tế vùng.