Dự án đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương: Nhùng nhằng việc xác định khối lượng thực hiện
Sau gần 2 năm công bố chấm dứt trước thời hạn hợp đồng và ngừng thực hiện dự án đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dự án này vẫn chưa giải quyết xong thủ tục.
Chưa thống nhất số tiền chi trả
Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn I) theo hình thức hợp đồng BOT, có chiều dài 2,7 km, tổng mức đầu tư 1.557 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 10/2015, dự kiến hoàn thành năm 2017, nhưng hiện khối lượng xây lắp mới đạt 12% (tương đương 140 tỷ đồng). Từ năm 2018 đến nay, Dự án đã dừng thi công.
Năm 2020, UBND TP.HCM giao Sở Giao thông - Vận tải thông báo với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án các nội dung vi phạm hợp đồng BOT đã ký và yêu cầu khắc phục trong thời gian 90 ngày để xem xét khả năng tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, sau đó, chủ đầu tư Dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương) không khắc phục được các điểm vi phạm trong hợp đồng. Đến tháng 6/2021, UBND TP.HCM thông báo chấm dứt thực hiện trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký. Một năm sau (tháng 6/2022) UBND TP.HCM chính thức thông báo ngừng thực hiện Dự án.
Ngày 18/1/2024, UBND TP.HCM có Văn bản số 316/UBND - DA chấp thuận về nguyên tắc chủ trương lựa chọn nhà thầu tư vấn kiểm toán độc lập để kiểm toán hồ sơ quyết toán khối lượng đã thực hiện Dự án đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo đúng thỏa thuận của hợp đồng đã ký kết và quy định hiện hành.
Đồng thời, chấp thuận gia hạn thời gian cung cấp đủ hồ sơ tài liệu liên quan đến khối lượng, giá trị đã thực hiện trước ngày 31/1/2024 và thời gian kiểm toán khối lượng, giá trị đã thực hiện trước ngày 28/2/2024. Trường hợp vi phạm cam kết nêu trên, Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương xem như từ chối quyền lợi được UBND TP.HCM thanh toán phần khối lượng, giá trị đã thực hiện theo Hợp đồng BOT đã ký và không khiếu nại, khiếu kiện các nội dung này đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Thế nhưng, sau gần 2 năm, việc chấm dứt Dự án với nhà đầu tư vẫn chưa thể thực hiện vì hai bên chưa thống nhất được số tiền chi trả cho phần khối lượng công việc mà nhà đầu tư đã thực hiện. UBND TP.HCM đang chỉ đạo các sở, ngành có liên quan thực hiện thủ tục chấm dứt Dự án trước thời hạn, trong đó yêu cầu nhà đầu tư tập hợp hồ sơ hoàn công và khối lượng giá trị thực hiện có kiểm toán để trình UBND Thành phố phê duyệt và chi trả.
Cuối năm 2023, Sở Tài chính TP.HCM có văn bản gửi Sở Giao thông - Vận tải, đề nghị cho ý kiến về thủ tục chấm dứt Dự án. Được biết, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) không quy định Nhà nước phải thanh toán các chi phí cho nhà đầu tư đã thực hiện dự án trong trường hợp dự án PPP phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do nhà đầu tư vi phạm hợp đồng.
Sở Tài chính kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo rà soát lại hợp đồng BOT đã ký để xác định cụ thể quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên theo hợp đồng khi xảy ra trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn để có cơ sở xem xét áp dụng thủ tục phù hợp.
Nhà đầu tư đề xuất tính trượt giá
Trong diễn biến mới nhất, đầu tháng 1/2024, Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo, Dự án đã triển khai 7 gói thầu xây lắp chính và 11 gói thầu tư vấn. Nhà đầu tư đã bỏ ra gần 200 tỷ đồng để triển khai xây dựng.
Thế nhưng, khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) vào cuộc xác minh, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến khối lượng đã thực hiện của nhà đầu tư thì thấy, trong 11 gói thầu tư vấn, chỉ duy nhất gói thầu “Tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công”, do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) thực hiện là có đầy đủ hồ sơ pháp lý; 10 gói thầu còn lại, nhà đầu tư chỉ lưu hợp đồng, các hồ sơ pháp lý kèm theo nhà đầu tư chưa cung cấp được và đang liên hệ các đơn vị để xin cung cấp lại hồ sơ.
Về hồ sơ pháp lý các gói thầu xây lắp, nhà đầu tư đã triển khai thi công 7/12 gói thầu, giá trị thực hiện khoảng 160 tỷ đồng, trong đó khối lượng đã thanh toán là 92 tỷ đồng, chứ không phải gần 200 tỷ đồng như nhà đầu tư báo cáo. Hiện nay, hồ sơ quản lý chất lượng phần khối lượng các nhà thầu đã thực hiện bị thất lạc một số hồ sơ, nhà đầu tư đang liên hệ lại với các nhà thầu để cung cấp lại.
Nhà đầu tư cho biết, căn cứ các điều khoản về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và đối chiếu với tình hình thực tế, nhà đầu tư nhận thấy, Dự án bị dừng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan lớn nhất là do ngân hàng cho vay đột ngột ngừng cấp vốn tín dụng và việc bàn giao mặt bằng chậm, không liên tục, dẫn đến khó khăn trong quá trình thi công.
Tính từ thời điểm triển khai Dự án đến nay đã 7 năm, nhà đầu tư chịu lãi suất 10%/năm, tương đương 140 tỷ đồng. Nhà đầu tư cho rằng, việc xác định giá trị thực hiện theo đơn giá cũ lập năm 2015 gây thiệt thòi rất lớn cho họ và đơn vị thi công. Vì vậy, đề xuất TP.HCM xem xét chấp thuận giá trị thực hiện với 7 gói thầu xây lắp chính được áp dụng chỉ số trượt giá theo từng năm. Riêng 11 gói thầu tư vấn thì vẫn áp dụng đơn giá cũ để tính giá trị thực hiện.
Doanh nghiệp thực hiện Dự án cũng xin gia hạn thời gian hoàn thành công tác lập và xác định khối lượng, giá trị đã thực hiện trước ngày 31/1/2024 và công tác kiểm toán khối lượng giá trị đã thực hiện hoàn thành trước ngày 28/2/2024.