Dự án đường Tây Thiên-Tam Sơn: Tạo động lực phát triển du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng
Mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Tây Thiên-Tam Sơn, đoạn từ Tây Thiên đến cầu Hợp Lý và đoạn từ Quốc lộ 2C đến hồ Vân Trục. Đây được xem là dự án quan trọng, tạo đòn bẩy phát triển du lịch tâm linh nghỉ dưỡng các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, bởi nó sẽ hình thành tuyến giao thông kết nối liên hoàn các điểm di tích, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng ở các địa phương này.
Tam Đảo, Lập Thạch và Sông Lô là những huyện miền núi nằm ở vành đai khu vực phía Tây-Tây Bắc của tỉnh Vĩnh Phúc. Quá trình kiến tạo của tự nhiên và những thăng trầm của lịch sử đã hình thành cho vùng đất này nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử có sức hút rất lớn với du khách trong và ngoài nước.
Có thể kể đến như Khu du lịch Tam Đảo núi được ví như Đà Lạt của miền Bắc; Khu danh thắng Quốc gia Tây Thiên; Di tích Quốc gia đặc biệt Tháp Bình Sơn - chùa Vĩnh Khánh hay các điểm du lịch cấp tỉnh như: Hồ Vân Trục, Hồ Bò Lạc, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức…
Tuy nhiên hiện nay, việc kết nối các tuyến, điểm du lịch trên gặp nhiều khó khăn do hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ. Tuyến đường huyết mạch kết nối các huyện Tam Đảo và Lập Thạch là Đường tỉnh 302 nhỏ, hẹp, nhiều điểm xuống cấp, du khách mất nhiều thời gian di chuyển khi muốn đến thăm quan, vãn cảnh, chiêm bái các di tích, danh lam thắng cảnh trên.
Trên cơ sở rà soát các điều kiện thực tế, nghiên cứu cụ thể các quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông và quy hoạch, định hướng phát triển du lịch trên địa bàn, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Tây Thiên-Tam Sơn, đoạn từ Tây Thiên đến cầu Hợp Lý và đoạn từ Quốc lộ 2C đến hồ Vân Trục.
Tuyến đường được đầu tư cải tạo, nâng cấp kết hợp với xây dựng mới có hạ tầng đồng bộ, kết nối liên hoàn thuận lợi, rút ngắn thời gian đi lại giữa các điểm du lịch các huyện Tam Đảo, Lập Thạch và Sông Lô tạo động lực to lớn cho phát triển du lịch dịch vụ và giao thương kinh tế khu vực này, hình thành một trong những tuyến du lịch tâm linh nghỉ dưỡng hàng đầu ở các tỉnh phía Bắc.
Theo đó, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2022-2024, với tổng kinh phí dự kiến hơn 375 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh và nguồn vốn đầu tư công của tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Chiều dài toàn tuyến trên 14,6 km nằm trong quy hoạch vùng phía Tây và vùng phía Bắc đô thị Vĩnh Phúc. Trong đó, đoạn từ Tây Thiên đến cầu Hợp Lý dài hơn 9km; đoạn từ Quốc lộ 2C đến hồ Vân Trục dài gần 5,6km.
Tuyến đường được đầu tư gồm các hạng mục nền, mặt đường, thoát nước, hệ thống an toàn giao thông được đầu tư đồng bộ. Kết cấu mặt đường chủ yếu là bê tông nhựa. Chiều rộng mặt đường trung bình 11 m, riêng đoạn km2+060 đến km2+800 thu hẹp nền đường còn 8,7-9,2m để tránh phạm vi rừng Quốc gia.
Đại diện Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc, đơn vị được giao đề xuất chủ trương đầu tư dự án khẳng định: Khi được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, dự án sẽ góp phần từng bước hoàn thiện vành đai 5 đô thị Vĩnh Phúc theo quy hoạch giao thông vận tải Vĩnh Phúc tầm nhìn đến năm 2030.
Hình thành tuyến kết nối các điểm du lịch cấp tỉnh, cấp quốc gia, tạo đà phát triển du lịch và dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội của tỉnh và các địa phương có tuyến đi qua.
Tăng cường kết nối giao thông cho các huyện khu vực phía Bắc, phía Tây tỉnh, cải thiện chất lượng giao thông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương phát triển kinh tế.
Ngay sau khi được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, Sở Giao thông vận tải đang khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy trình, hồ sơ, thủ tục để sớm triển khai dự án theo kế hoạch.
Theo kế hoạch, dự án sẽ thu hồi diện tích đất khoảng 20 ha, trong đó có hơn 4.000 m2 đất thổ cư, còn lại chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp.
Do diện tích thu hồi lớn, trải dài tại nhiều địa phương, vì vậy khi triển khai dự án Sở Giao thông vận tải rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của huyện Tam Đảo và huyện Lập Thạch trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công và hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh