Dự án giảm nghèo 'Chưa đi câu đã gãy cần'
Mỗi năm tỉnh Nghệ An phân bổ hàng nghìn tỷ đồng (cả nguồn vốn Trung ương và địa phương) thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, một số chương trình, dự án thất bại ngay từ bước triển khai, người dân gọi đó là 'chưa đi câu đã gãy cần'.
Xã Bắc Lý huyện biên giới Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An, 1 trong những xã nghèo nhất cả nước với phần lớn là người dân tộc Khơ Mú, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên 70%. Triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, năm nay hàng chục hộ dân trong xã được tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi và hỗ trợ cấp ngan, vịt giống, nuôi theo mô hình thử nghiệm thế nhưng kết quả không được như mong đợi.
Ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, năm 2023 người dân được cấp hơn 500 con vịt nuôi thử nghiệm. Trước khi được cấp vịt giống, số hộ dân này đã tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, được hỗ trợ làm chuồng, cung cấp thức ăn… nhưng người dân nuôi chưa được bao lâu thì vịt chết gần hết.
“Được 1-2 tháng họ báo cáo vịt chết hết rồi, không nuôi được, không hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, họ nói tại con vịt, tôi nói tại con người, nuôi vịt phải có cám, ngô, sắn, chuối cho nó ăn, nuôi vịt cho uống nước thì không được. Mục đích của dự án là xóa đói giảm nghèo phát triển nhưng bà con nhân dân không nghĩ đến cái đó”, ông Long nói.
Cho rằng, nhận thức người dân hạn chế, chưa có ý thức tự lực tự cường, quen với tâm lý trông chờ ỉ lại vào nhà nước… là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả chương trình chưa tương xứng với nguồn lực, ông Lê Văn Hoa, Giám đốc Trung tâm Thường xuyên và Dạy nghề huyện Kỳ Sơn lý giải: “Khi vào khảo sát tôi có hỏi, vịt ngan đâu hết rồi, có nhà nói chó ăn hết rồi, tôi với giáo viên phát khóc lên vì công mình bỏ ra nhiều quá. Chúng tôi bày cách làm chuồng trại, cho ăn, hướng dẫn đến nơi đến chốn. Con giống được mua từ Viện chăn nuôi, có thuốc tiêm phòng đầy đủ, vận chuyển từ Hà Nội vào cho dân. Hiệu quả phụ thuộc vào người dân và chính quyền địa phương”.
Cũng ở khu vực miền núi Nghệ An, có thể điểm qua hàng loạt mô hình trồng trọt, chăn nuôi sau nhiều năm “chết yểu” như, chuối tiêu hồng, trồng mây, gấc, gừng, chanh leo… ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương.. Nhưng đáng buồn hơn cả có lẽ là đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025 tại xã Nga My, huyện Tương Dương với kinh phí 120 tỷ đồng (ngân sách Trung ương chiếm 90%). Trong số 304 con bò được cấp cho 77 hộ dân, đến nay chỉ còn 172 con. Nguyên nhân được cho là người dân tự ý bán, một số khác chết do dịch bệnh, thiếu thức ăn… Đáng nói hơn là nhiều chuồng bò trị giá “trăm triệu” được đầu tư từ dự án giờ cũng bị người dân tháo dở bán sắt vụn.
Ông Vy Mỹ Sơn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, dù đã khảo sát trước khi triển khai dự án, thậm chí ký cam kết thực hiện dự án đến từng hộ dân, nhưng thực tế khi triển khai người dân không đáp ứng được: “Nhận thức của người dân quá yếu, việc cấp bò là tài sản lớn, cơ hội lớn, ưu đãi của Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ như vậy nhưng chăm sóc, chăn nuôi, nhận thức về phát triển kinh tế hộ gia đình còn hạn chế. Có nhiều hộ chăn nuôi tốt, đàn bò vẫn phát triển, sinh sản”.
Có nhiều nguyên nhân khi nói về những dự án giảm nghèo ở Nghệ An bị “gãy cần khi chưa câu được cá”. Nhưng qua những dự án giảm nghèo thất bại này chính quyền, ngành chức năng cũng cần có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế ở cơ sở, chứ không phải cứ có dự án, có tiền thì triển khai cho xong dự án.
Dự kiến, giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Nghệ An thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia là hơn 4.931 tỷ đồng. Từ thực tế này, tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo các Sở ngành địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá một cách chặt chẽ về tính khả thi, hiệu quả mang lại, và quan trọng hơn là cách thức triển khai, giám sát chương trình, dự án, nếu không rất khó để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững và thực chất./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/du-an-giam-ngheo-chua-di-cau-da-gay-can-post1018970.vov