Dự án giảm ùn tắc cửa ngõ Thủ đô: Thi công khó khăn do thiếu mặt bằng
Dự án mở rộng QL1A và đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 trên cao được kỳ vọng giảm thiểu ùn tắc, đồng bộ hạ tầng khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô. Tuy nhiên, 2 dự án này đang phải thi công cầm chừng để chờ mặt bằng.
Nguy cơ chậm tiến độ
Giữa tháng 7/2023, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã tổ chức khởi công dự án đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 trên cao. Dự án theo tiến độ được hoàn thành trong năm 2025.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách TP Hà Nội; được kỳ vọng sau khi hoàn thiện sẽ giảm tải cho nút giao Pháp Vân - Giải Phóng thường xuyên xảy ra ùn tắc vào các dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ, Tết.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, vào những ngày giữa tháng 3/2024, tại công trường dự án việc thi công cầm chừng, máy móc, nhân sự đều lèo tèo và trên toàn dự án kéo dài hơn 3km nhà thầu chỉ thi công cầm chừng tại 2 điểm đầu là nút giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và nút giao với Vành đai 3.
Theo chủ đầu tư là Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, hiện nay, các nhà thầu đang thi công trên phần đất thuộc phạm vi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Vành đai 3 nên phạm vi thi công khá hẹp. Còn lại chưa được bàn giao mặt bằng từ địa phương.
Theo phương án vừa được đưa ra giữa các bên, từ tháng 6/2024, huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai sẽ bắt đầu bàn giao dần mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công dự án theo đúng tiến độ kế hoạch.
Được biết, phạm vi giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Vành đai 3 trên địa bàn huyện Thanh Trì nằm gọn trên địa bàn xã Tứ Hiệp và toàn bộ là diện tích đất công cùng với đất nông nghiệp, không có đất thổ cư.
Còn trên địa bàn quận Hoàng Mai, phần phạm vi GPMB phục vụ dự án nằm trên địa bàn phường Yên Sở, trong đó cũng chủ yếu là đất công, đất nông nghiệp và đất ở của 111 hộ dân.
Tương tự trên công trường dự án mở rộng, nâng cấp QL1A đoạn qua địa phận huyện Thanh Trì, máy móc cũng đang ì ạch thi công từng tí một. Ghi nhận của phóng viên, chỉ có 1 chiếc máy xúc đang hoạt động trên công trường ngày 13/4 do thiếu mặt bằng thi công.
Công tác giải phóng mặt bằng vẫn đang được UBND huyện Thanh Trì triển khai. Việc bàn giao mặt bằng kiểu “xôi đỗ” đang khiến chủ đầu tư dự án cũng như đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn do không thể huy động máy móc đồng loạt để thi công đồng bộ, cuốn chiếu.
Thi công cầm chừng
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Hiếu - Chỉ huy trưởng gói thầu số 1 dự án đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 trên cao cho biết: “Kể từ khi dự án được triển khai thi công đến nay các nhà thầu vẫn thi công cầm chừng tại 2 điểm đầu - cuối của dự án, trên phạm vi đất dự án đã được GPMB trước đó”.
Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, nếu từ tháng 6 tới đây mà không được bàn giao mặt bằng để tiếp tục thi công thì các nhà thầu sẽ phải tạm dừng, máy móc lại đắp chiếu để không do không có mặt bằng.
Ông Nguyễn Chí Hiếu cho hay, đơn vị đã ký hợp đồng và cam kết với chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án trong vòng 760 ngày nhưng với điều kiện phải có mặt bằng kịp thời. Do vậy, rất mong UBND TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai sớm GPMB để bàn giao cho dự án theo đúng tiến độ các bên đã đưa ra và cam kết.
Liên quan đến dự án nâng cấp, cải tạo QL1A đoạn qua địa phận huyện Thanh Trì, ông Lương Hữu Đức - Chỉ huy trưởng công trường gói thầu số 9 cho biết: “Chúng tôi bắt đầu được nhận mặt bằng từ cuối năm 2023. Tuy nhiên, mặt bằng được bàn giao nhỏ lẻ từ 50m đến 100m. Với đặc thù mặt bằng như vậy, việc thi công không hiệu quả, không đạt tiến độ cũng như chất lượng công trình".
“Hiện nay, đơn vị đã nhận được khoảng 30% mặt bằng. Đoạn dài nhất là 500m, chúng tôi đang tiến hành thi công tại điểm này. Đối với những phần mặt bằng còn lại vẫn chưa đủ diện tích để thi công. Diện tích thi công phải đạt tối thiểu 200m” – ông Lương Hữu Đức cho biết thêm.
Theo ông Lương Hữu Đức, nếu UBND huyện Thanh Trì bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, dự kiến, đến giữa năm 2025 sẽ hoàn thành để bàn giao tuyến đường đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, việc chậm giải phóng mặt bằng đang khiến toàn dự án phải thi công cầm chừng.