Dự án Hồ Thanh Long, điểm tựa thúc đẩy du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc

Dự án hồ Thanh Long nếu được triển khai sẽ giải quyết toàn bộ những tiêu chí còn thiếu để đưa khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP Chí Linh, Hải Dương) thành khu du lịch quốc gia, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích hiệu quả nhất.

Một góc khu vực hồ Thanh Long thuộc thôn Bến, xã Lê Lợi, TP Chí Linh (Hải Dương)

Một góc khu vực hồ Thanh Long thuộc thôn Bến, xã Lê Lợi, TP Chí Linh (Hải Dương)

Vẻ đẹp tiềm ẩn

Hồ Thanh Long có diện tích trên 1.200 ha là vùng đất trũng ở hạ lưu Ngòi Mô (sông An Mô). Ngòi Mô bắt nguồn từ núi Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám) và dãy Huyền Đinh (xã Bắc An) chảy qua bãi Thảo, Đá Bạc, Trại Chín đến khu vực Trung Quê tạo thành hồ nước lớn rồi đổ ra sông Lục Đầu.

Hằng năm, từ tháng 6 - 11 âm lịch, nước mưa từ dãy Huyền Đinh, Côn Sơn, Phượng Hoàng... đổ về ngập mênh mông tạo thành lòng hồ rộng lớn, là chỗ để các loài tôm, cá sinh sôi. Trong đó nổi tiếng là cá chép lưng gù, chạch chấu, cá trắm đen... Cuối thu sang đông khi nước hồ rút (tháng 10, 11 âm lịch), các loại chim, cò, sâm cầm, le le, vịt trời... hàng đàn bay về ăn cá, tôm. Tận dụng khi nước cạn, nhân dân quanh vùng cấy được một vụ lúa chiêm (từ tháng 1 - 6 âm lịch).

Dừng chân ở đây, du khách sẽ thấy cảnh quan rất thơ mộng với không gian thoáng đãng, rộng rãi, bốn phía núi đồi trùng điệp, hệ thống rừng cây, môi sinh tươi tốt, xóm làng trù phú cùng nhiều di tích lịch sử cổ kính. Phía bắc của hồ là dãy núi Đan Hội, phía nam là núi Phượng Hoàng, phía đông là núi Côn Sơn, núi Ngũ Nhạc, núi Cấm, phía tây là núi Trán Rồng. Khu vực giữa hồ có dãy núi Nghè Dím. Cách 7 km về phía Đông Bắc là dãy núi Huyền Đinh và núi Thanh Mai.

Vào mùa khô, người dân cấy lúa trên một phần hồ

Vào mùa khô, người dân cấy lúa trên một phần hồ

Theo lịch sử, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, ở thế kỷ XIII Hưng Đạo Vương xây dựng căn cứ quân sự Vạn Kiếp chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, khu vực hồ Thanh Long còn là nơi tập kết thuyền chiến, luyện thủy binh của nhà Trần. Các làng xóm quanh hồ là những căn cứ hậu cần do phu nhân của Đức Thánh Trần là Thiên Thành Thái Trưởng công chúa phụ trách, quản lý. Đến nay, những căn cứ hậu cần đều trở thành những di tích lịch sử.

Miếng ghép hoàn hảo để Côn Sơn - Kiếp Bạc thành khu du lịch quốc gia

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc những năm qua đã có những bước tiến quan trọng, là điểm đến được đông đảo du khách trong nước và quốc tế lựa chọn. Tuy nhiên, để phát huy giá trị di tích theo hướng phát triển du lịch thì vẫn còn thiếu hụt về cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Trong bối cảnh đó, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã có đề xuất xây dựng khu vực hồ Thanh Long thành khu du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

Côn Sơn - Kiếp Bạc hướng tới khu du lịch quốc gia nếu Dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái hồ Thanh Long được triển khai

Côn Sơn - Kiếp Bạc hướng tới khu du lịch quốc gia nếu Dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái hồ Thanh Long được triển khai

Dự án có tổng diện tích khoảng 1.502 ha bao gồm các hạng mục xây dựng, tôn tạo tháp thờ Phật, tháp chuông… với tâm điểm là 3 ngọn tháp ở hồ Tam Tôn, nối với nhau bằng hệ thống đường ngầm dưới lòng hồ. Trên các đảo nổi trong lòng hồ, tôn tạo xây dựng chùa Thanh Long thành ngôi chùa lớn để thu hút khách du lịch. Khi công trình được đưa vào sử dụng sẽ cải tạo cảnh quan khu vực, đặc biệt là điểm kết nối, làm nổi bật khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc...

Khi dự án này được triển khai hứa hẹn tạo nguồn lợi kinh tế lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, đồng thời sẽ giải quyết được tất cả tiêu chí còn thiếu như: cơ sở hạ tầng, lưu trú, vui chơi giải trí, mua sắm… để đưa khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành khu du lịch quốc gia.

Trong phiên họp tháng 1/2024 (lần 2), UBND tỉnh Hải Dương đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh lập quy hoạch tổng thể Dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long, đồng thời đề xuất các dự án thành phần, chủ trương, cơ chế thực hiện.
Đến ngày 15/3/2024, theo văn bản số 1706/VPCP-QHĐP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến đối với 2 kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh Hải Dương. Riêng về Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.

UBND tỉnh Hải Dương chủ động phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ: Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường triển khai các bước cần thiết theo đúng quy trình, thủ tục để đầu tư, phát triển khu vực hồ Thanh Long.

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết Dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Thanh Long được thực hiện sẽ góp phần bảo tồn các di tích văn hóa, khôi phục các làng nghề truyền thống, làm phong phú thêm giá trị của quần thể khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Khi đó, khu vực này sẽ trở thành vùng đệm cung cấp tất cả dịch vụ cần thiết cho du khách như nghỉ dưỡng, giải trí, mua sắm…

TRƯỜNG THÀNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/du-an-ho-thanh-long-diem-tua-thuc-day-du-lich-con-son-kiep-bac-379705.html