Dự án hoàn thành 8 năm, người dân bị thu hồi đất vẫn chưa nhận được tiền bồi thường

Dự án khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 8 năm nay, nhưng nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có đất bị thu hồi đến thời điểm này vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.

Nút giao thông Dầu Giây, một hạng mục của Dự án khôi phục, cải tạo quốc lộ 20. Quá trình thi công nút giao này đã có nhiều người thiệt mạng do thi công mất an toàn, kéo dài, khiến dư luận địa phương rất bức xúc.

Nút giao thông Dầu Giây, một hạng mục của Dự án khôi phục, cải tạo quốc lộ 20. Quá trình thi công nút giao này đã có nhiều người thiệt mạng do thi công mất an toàn, kéo dài, khiến dư luận địa phương rất bức xúc.

Chiều 22/3, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp năm 2023 liên quan đến việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo quốc lộ 20, đoạn qua tỉnh Đồng Nai.

Dự án khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn Km0+000-Km123+105,17 trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2013 và điều chỉnh năm 2016 theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT), do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư.

Đối với tỉnh Đồng Nai, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức thực hiện và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư tổ chức thi công. Dự án đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ ngày 25/4/2015.

Tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn một số vướng mắc, đến nay vẫn chưa được giải quyết xong, khiến người dân hết sức bức xúc.

Trong đó, kinh phí bồi thường bổ sung về đất là hơn 174 tỷ đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai vẫn chưa phê duyệt và chậm chi trả cho các hộ dân là hơn 23,8 tỷ đồng.

Tổng số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tỉnh Đồng Nai đã chi là hơn 464 tỷ đồng, chênh lệch so với tổng mức đầu tư 25,5 tỷ đồng.

Hiện, nguồn vốn của dự án đã hết, không còn để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng, trong khi vốn vay nước ngoài không thể vay bổ sung và nhà đầu tư cũng không đủ năng lực tài chính góp bổ sung vốn để chi trả.

Do đó, Ban Quản lý dự án 7 đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai bố trí nguồn vốn địa phương để chi trả phần kinh phí bổ sung giải phóng mặt bằng.

Quang cảnh phiên giải trình giữa 2 kỳ họp năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Quang cảnh phiên giải trình giữa 2 kỳ họp năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đều rất bức xúc trước việc nhiều người dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được hết tiền chi trả giải phóng mặt bằng, dù họ đã bàn giao mặt bằng đã 10 năm.

Sau khi nghe đại diện các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai giải trình nguyên nhân của việc chậm chi trả bồi thường cho người dân bị thu hồi đất của dự án, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng nhấn mạnh, trách nhiệm chính là của chủ đầu tư, chính quyền các địa phương dự án đi qua và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Để giải quyết dứt điểm cho người dân, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, xác định cụ thể từng hộ dân chưa được nhận tiền bồi thường và số tiền bổ sung do chậm bồi thường, đồng thời làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý Dự án 7 để thống nhất phương án giải quyết, bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/du-an-hoan-thanh-8-nam-nguoi-dan-bi-thu-hoi-dat-van-chua-nhan-duoc-tien-boi-thuong-post744132.html