Dự án hợp tác Đức – Việt: Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học

Thành quả lớn nhất mà Dự án 'Chương trình bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng Việt Nam, giai đoạn II, 2018-2021' đạt được sau 4 năm triển khai là đã góp phần tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở cấp chính sách và cấp khu bảo tồn nhằm mục tiêu đảm bảo các cộng đồng địa phương được hưởng lợi ích từ quản lý rừng và tài nguyên bền vững.

Ngày 22/12, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) cùng với Tổ chức Hơp tác Phát triển Đức GIZ đồng tổ chức hội thảo tổng kết dự án. Trên 100 đại biểu là đại diện các cơ quan chính phủ cấp trung ương và địa phương, các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, các viện nghiên cứu, các đối tác phát triển quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự đã tham dự hôi thảo theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Việt Nam có 6.858.735 ha rừng đặc dụng và phòng hộ chiếm khoảng 46,7% tổng diện tích rừng trên toàn quốc. Việc bảo vệ những diện tích rừng này hơn bao giờ hết chính là bảo vệ sinh kế của hàng triệu con người sống bên trong và xung quanh những khu rừng.

Ông Trần Quang Bảo- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại hội thảo

Ông Trần Quang Bảo- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại hội thảo

Đánh giá cao những thành tựu của Dự án, theo ông Trần Quang Bảo - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam - Việt Nam là một trong những điểm nóng đa dạng sinh học quan trọng nhất trên toàn cầu. Bảo tồn và duy trì các hệ sinh thái đa dạng để đảm bảo an ninh lương thực, tạo sinh kế và bảo vệ con người cũng như động thực vật trước các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Sau 4 năm thực hiện, Dự án đã góp phần đáng kể và hiệu quả vào mục tiêu quan trọng này thông qua hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng, và cải thiện môi trường pháp lý, bao gồm xây dựng luật Lâm nghiệp, các văn bản dưới luật, chiến lược và quy hoạch ngành với trọng tâm tập trung vào rừng đặc dụng và phòng hộ. Một quốc gia giàu đa dạng sinh học, với những thách thức lớn trong bảo tồn, những thành tựu quan trọng, các cơ hội tuyệt vời.

Tại hội thảo, ông Đoàn Hoài Nam - Giám đốc Dự án, đồng thời là Vụ trưởng Vụ quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ - đã nêu bật đóng góp của Dự án vào công tác nhân rộng và chuẩn hóa công cụ giám sát không gian và báo cáo (SMART), một công cụ hỗ trợ hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và quản lý rừng hiệu quả. “Mô hình dữ liệu chuẩn hóa, hướng dẫn kỹ thuật áp dụng cho toàn quốc và chương trình tập huấn đã sẵn sàng đưa vào áp dụng tại 33 khu rừng đặc dụng và phòng hộ hiện đang thưc hiện SMART tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Dự án, chúng tôi đã tăng cường hợp tác giữa các ban quản lý rừng, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức phi chính phủ”, ông Nam chia sẻ.

Một phần quang cảnh trên cao nhìn xuống trong tuyến đường liên xã tại Thần Sa

Một phần quang cảnh trên cao nhìn xuống trong tuyến đường liên xã tại Thần Sa

Chia sẻ trong bài phát biểu của mình, bà Anja Barth - cố vấn trưởng Dự án cho hay, Dự án đã thí điểm những sáng kiến, cách tiếp cận thành công trong quản lý rừng và tài chính bền vững của các khu rừng đặc dụng, phòng hộ ở cấp quốc gia và ở bốn khu rừng đặc dụng, phòng hộ tham gia dự án gồm: vườn quốc gia Cát Tiên, vườn quốc gia Bidoup Núi Bà; khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa Phượng Hoàng, Rừng phòng hộ Trạm Tấu. Các khu rừng đặc dụng và phòng hộ khác có thể tham khảo áp dụng và tiếp tục cải thiện những bài học kinh nghiệm của những ban quản lý rừng kể trên.

Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức sẽ tiếp tục đồng hành trên chặng đường 45 năm hợp tác thành công. Tổng kết Dự án này, cả hai quốc gia cùng hướng tới những hợp tác tiếp theo trong tương lai. Bà Helene Paust - Bí thư thứ nhất kiêm phó phòng hợp tác phát triển Đại sứ quán Đức – cho biết: “Tôi hy vọng chúng ta có thể tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học – vì lợi ích thiên nhiên và con người. Việt Nam đã đề xuất một dự án mới tập trung vào phát triển các hệ sinh thái rừng phức hợp và hệ sinh thái biển. Chúng tôi mong muốn cùng các bạn xây dựng cụ thể hơn đề xuất này”.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-an-hop-tac-duc-viet-tang-cuong-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-169662.html