Dự án hợp tác Đức - Việt tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học
Sau 4 năm thực hiện Dự án 'Chương trình bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng Việt Nam, giai đoạn II, 2018-2021' ngày 23/12/2021, Tổng cục Lâm nghiệp cùng với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã tổ chức hội thảo để tổng kết dự án.
Trên 100 đại biểu là đại diện các cơ quan cấp Trung ương và địa phương, các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, các viện nghiên cứu, các đối tác phát triển quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự đã tham dự hôi thảo theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Việt Nam có 6.858.735 ha rừng đặc dụng và phòng hộ, chiếm khoảng 46,7% tổng diện tích rừng trên toàn quốc. Việc bảo vệ những diện tích rừng này hơn bao giờ hết chính là bảo vệ sinh kế của hàng triệu con người sống bên trong và xung quanh những khu rừng.
Dự án được ủy nhiệm bởi Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) và đồng thực hiện bởi GIZ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thành quả lớn nhất mà Dự án đạt được sau 4 năm triển khai là đã góp phần tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở cấp chính sách và cấp khu bảo tồn nhằm mục tiêu bảo đảm các cộng đồng địa phương được hưởng lợi ích từ quản lý rừng và tài nguyên bền vững.
Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá, Dự án đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành luật liên quan đến rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
Giám đốc Dự án, đồng thời là Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, ông Đoàn Hoài Nam, đã nêu bật đóng góp của Dự án vào công tác nhân rộng và chuẩn hóa công cụ giám sát không gian và báo cáo (SMART), một công cụ hỗ trợ hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và quản lý rừng hiệu quả.
Theo ông Nam, mô hình dữ liệu chuẩn hóa, hướng dẫn kỹ thuật áp dụng cho toàn quốc và chương trình tập huấn đã sẵn sàng đưa vào áp dụng tại 33 khu rừng đặc dụng và phòng hộ hiện đang thưc hiện SMART tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Dự án, ngành lâm nghiệp đã tăng cường hợp tác giữa các ban quản lý rừng, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ.
Ở vai trò là Cố vấn trưởng Dự án, bà Anja Barth chia sẻ, Dự án đã thí điểm những sáng kiến, cách tiếp cận thành công trong quản lý rừng và tài chính bền vững của các khu rừng đặc dụng, phòng hộ ở cấp quốc gia và ở 4 khu rừng đặc dụng, phòng hộ tham gia Dự án gồm: Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà; Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa Phượng Hoàng, rừng phòng hộ Trạm Tấu. Các khu rừng đặc dụng và phòng hộ khác có thể tham khảo áp dụng và tiếp tục cải thiện những bài học kinh nghiệm của những ban quản lý rừng kể trên.
Bà Helene Paust, Bí thư thứ nhất kiêm Phó Phòng Hợp tác phát triển Đại sứ quán Đức cho biết, cộng đồng quốc tế đã họp tại Glasgow trong khuôn khổ của hội nghị COP-26 về khí hậu. Đối với Việt Nam, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái rừng chính là giải pháp giúp thiên nhiên và con người nơi đây thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Nhận ra vai trò quan trọng của những khu rừng giàu đa dạng sinh học đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon, Việt Nam và CHLB Đức là 2 trong số những quốc gia đã ký “Tuyên bố chung Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất” và cam kết ngăn chặn chặt phá rừng và phủ xanh lại toàn bộ diện tích rừng đã bị phá vào năm 2030.
Do đó, trong với lĩnh vực ưu tiên “Bảo vệ cuộc sống trên Trái đất - môi trường và tài nguyên thiên nhiên”, Chính phủ Đức sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong ngành lâm nghiệp trong mối liên quan với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Theo đó, Việt Nam và CHLB Đức sẽ tiếp tục đồng hành trên chặng đường 45 năm hợp tác thành công. Tổng kết dự án này, cả 2 quốc gia cùng hướng tới những hợp tác tiếp theo trong tương lai và hy vọng có thể tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học vì lợi ích thiên nhiên và con người.