Dự án Huyền sử Việt: Kết hợp giữa cải lương và xiếc
Nhằm tìm tòi, thể nghiệm mới trong nghệ thuật, lần đầu tiên Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ có màn kết hợp trong dự án mang tên 'Huyền sử Việt'. Nhân dịp này, NSND Triệu Trung Kiên- Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đã có những chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết về dự án này.
PV: Thưa ông, xuất phát từ ý tưởng nào mà hai đơn vị “bắt tay” để kết hợp nghệ thuật cải lương và xiếc cùng trên sân khấu?
- NSND Triệu Trung Kiên: Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương đều đang trên chặng đường tìm kiếm những điều mới lạ để có được những tác phẩm thu hút khán giả. Một trong những tiêu chí hàng đầu mà mỗi đơn vị hướng đến đó là tính giải trí. Chính vì điểm chung này, sau nhiều lần trao đổi và dựa trên thực tế chúng tôi mạnh dạn phối hợp hai loại hình với nhau. Mặc dù trước đó, hai đơn vị đã nhiều lần “hứa hẹn” sẽ “góp gạo, thổi cơm chung” trong một chương trình tuy nhiên bây giờ thì duyên mới đến. Khi tiến hành thực hiện dự án định hướng đầu tiên của chúng tôi là đối tượng khán giả cụ thể. Bởi với xiếc đối tượng khán giả khá phong phú từ thiếu nhi đến người lớn, còn với cải lương đa phần là tầng lớp trung niên, lớn tuổi. Do đó, để có thể hài hòa giữa các đối tượng khán giả, chúng tôi đã quyết định hướng tới đề tài về “Huyền sử Việt”. Đây là đề tài mặc dù không mới và đã được nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu khác khai thác, nhưng đây là một kho tàng vô cùng phong phú. Đặc biệt, điều mà chúng tôi muốn hướng tới là các bạn trẻ bởi các giá trị văn hóa tưởng như “thân quen” này đang dần xa rời các bạn.
Ông có thể nói rõ về dự án “Huyền sử Việt”?
- Theo lộ trình của “Huyền sử Việt” sẽ mở đầu bằng việc khai thác hình ảnh “tứ bất tử” trong đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam. Ðó là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Ðổng Thiên Vương, Chử Ðồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh. Nếu Tản Viên Sơn Thánh là vị thần đại diện cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai của người Việt; thì Phù Ðổng Thiên Vương đại diện cho sức mạnh tuổi trẻ, tinh thần chống ngoại xâm quật cường. Trong khi đó, Chử Ðồng Tử tượng trưng cho lòng hiếu nghĩa, tình yêu và ước mơ về sự sung túc. Công chúa Liễu Hạnh tượng trưng cho đức hạnh, trí tuệ, sự thịnh vượng. Các nhân vật sẽ được thể hiện qua các công trình nghệ thuật được dàn dựng liên tiếp qua các năm. Trong đó, công trình nghệ thuật đầu tiên của dự án tập trung thể hiện hình tượng Chử Ðồng Tử. Với nhân vật Chử Đồng Tử chúng tôi đã rất may mắn khi tìm được kịch bản rất phù hợp của cố tác giả Hoàng Luyện. Sau khi “chọn mặt, gửi vàng”, tác giả Lê Thế Song sẽ là người tiến hành chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện lại kịch bản sao cho phù hợp các đòi hỏi về tiêu chí, thời lượng của vở diễn. Theo kế hoạch dự án sẽ triển khai từ năm 2020 - 2023. Dự kiến trong tháng 7/2019, vở diễn đầu tiên sẽ chính thức được dàn dựng và ra mắt trong dịp Tết Trung thu và Quốc khánh mùng 2/9.
Xiếc và cải lương là hai loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác biệt nhau về thủ pháp nghệ thuật. Hai đơn vị sẽ làm gì để hài hòa điều này?
- Đây không phải là lần đầu tiên cải lương có sự kết hợp với một loại hình nghệ thuật sân khấu khác. Trước đó, chúng tôi đã kết hợp giữa cải lương và rối trong vở “Ngã quỷ”; mới đây là cùng chèo, xẩm, hát văn Huế trong “Ngàn năm mây trắng”. Những vở diễn kết hợp này khi ra mắt đều rất thành công và thu hút được khán giả đến thưởng thức. Còn giữa xiếc và cải lương thì tưởng như không liên quan nhưng thực tế lại rất gần gũi với nhau. Bản thân nghệ thuật cải lương theo một số tài liệu ngay từ những năm 60 thì trong những phần trình diễn đã có nhiều “màu sắc” của nghệ thuật xiếc. Đó là việc pha trộn thêm những cảnh múa, đu bay, diễn võ... để thêm sinh động cho cảnh diễn. Đây cũng là một cách nâng nghệ thuật cải lương hấp dẫn hơn để phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giả.
Theo những ý tưởng ban đầu của dự án, “Huyền sử Việt” sẽ là sự phối hợp lần đầu tiên giữa các diễn viên xiếc và hát cải lương theo hình thức trình diễn nhạc kịch xiếc của quốc tế, nhưng được sử dụng nghệ thuật cải lương. Tuy nhiên, khác với những vở cải lương truyền thống thời gian hát và câu từ sẽ được chắt lọc để phù hợp với ngay những khán giả chưa hoặc thậm chí là không thích nghe cải lương. Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung khai thác những làn điệu lý quen thuộc thay vì những câu hát dài “lê thê”. Thông qua các ca từ truyền cảm, quen thuộc sẽ được minh họa bằng các kỹ năng, kỹ xảo có tính giải trí cao của nghệ thuật xiếc. Đặc biệt, sân khấu trang trí theo từng cảnh của vở, sử dụng không gian, các sân khấu phụ kết hợp tương tác cùng khán giả. Các màn biến hóa, tạo không gian ảo huyền bí. Vở diễn sẽ mang phong cách mới lạ và hấp dẫn đồng thời mang màu sắc riêng của Việt Nam...
Xin cảm ơn ông!
Minh Quân (thực hiện)