Dự án khởi nghiệp bằng niềm tự hào Tổ quốc
Hà Nội là một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch nhất tại Việt Nam với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng.
Nắm bắt nhu cầu chụp ảnh và tâm lý tò mò hiện nay của phần lớn du khách, một thương hiệu kem đã sáng tạo ra dòng kem địa danh 3D, tạo hình những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Thủ đô.
Khắc biểu tượng Hà Nội vào kem
Những ngày cuối tuần ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long, một chiếc xe kem nhỏ đang thu hút đông đảo khách du lịch, các thanh thiếu niên và các bạn nhỏ. Đây không phải những cây kem bình thường, mà là kem được tạo hình 3D, lấy cảm hứng từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh của Thủ đô như: Tháp Rùa, Chùa Một Cột, Nhà thờ Lớn, chợ Đồng Xuân, Ga Hà Nội… đang tạo ra “cơn sốt” trên các nền tảng mạng xã hội.
Bạn Vũ Đình Tùng (20 tuổi, Ba Đồn, Quảng Bình) lần đầu tới Hà Nội cho biết, bản thân đã đi quãng đường rất xa để tới Hoàng thành Thăng Long với mong muốn được trải nghiệm chiếc kem tạo hình di tích vô cùng độc đáo này.
Tùng chia sẻ: “Em biết đến hãng kem này qua Facebook và TikTok nhưng hôm nay em mới có dịp được trải nghiệm. Theo thông tin đọc được thì trong một số trung tâm thương mại cũng đã có bán, song em vẫn mong muốn được đến tận nơi, vừa để tham quan địa danh vừa được thưởng thức những cây kem mát lạnh”.
Không chỉ du khách trong nước, du khách nước ngoài cũng vô cùng thích thú khi thấy những cây kem đặc biệt này. “Đây quả là một ý tưởng hay để truyền bá văn hóa về đất nước của các bạn, tôi thường sẽ ít để tâm tới những món đồ lưu niệm như móc chìa khóa, áo hay bát đĩa in hình danh lam thắng cảnh song món kem này đã thu hút được tôi.
Kem được mô phỏng giống hệt các địa danh, các chi tiết được tạo ra vô cùng tỉ mỉ và sắc nét. Hương vị của chúng rất ngon, thật tuyệt khi ăn vào mùa Hè”, ông Richard Sauzaude (42 tuổi, du khách người Pháp) hào hứng cho biết đây là một trong những điểm nhấn trong chuyến du lịch tại Việt Nam của ông và vợ.
Nhiều bạn trẻ đang xếp hàng mua kem để trải nghiệm chia sẻ, tại một số khu di tích ở Trung Quốc như: Hoàng Hạc Lâu tại Vũ Hán, di tích Thiên Đàn tại Bắc Kinh,… cũng có bán kem tạo hình địa danh, song giá khá cao. Mỗi chiếc có giá từ 20 - 35 tệ (từ 70.000 đồng đến 120.000 đồng). Còn những cây kem được bán ở Việt Nam có giá rất dễ tiếp cận, chỉ 20.000 đồng/cây. Vì vậy, mỗi ngày trung bình hãng kem này bán được 200 - 300, thậm chí vào những ngày cuối tuần số lượng lên tới 700 cây kem.
Khát khao lan tỏa văn hóa Việt
Chị Nguyễn Thanh Trúc (36 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội), phụ huynh đang đưa các bạn nhỏ đi tham quan Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, đây là một cách hay để dạy các bạn nhỏ hiểu thêm về lịch sử, các danh lam thắng cảnh nước ta.
“Các cháu nhỏ thì thích kem nhất rồi, thấy những chiếc kem với hình dáng lạ, đẹp nên các bạn đòi mua, ngắm nghía rất lâu mới ăn. Hôm trước tôi có mua cho con cây kem tạo hình Bốt Hàng Đậu, hôm nay đi qua các bé vẫn nhớ, nói rằng hôm nọ được ăn kem có hình này”, chị Trúc kể lại.
Chủ nhân của ý tưởng sáng tạo ra những chiếc kem đang gây “bão” với du khách và các bạn trẻ này là anh Lý Hải Hoàng Tân (30 tuổi, Thừa Thiên Huế). Anh từng du học chuyên sâu về ngành làm kem tại Singapore và có cơ hội đi du lịch tại nhiều quốc gia trên thế giới và cảm thấy rất ấn tượng với những cây kem địa danh ở nước bạn.
“Tôi thấy các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan họ làm kem địa danh rất sắc nét và đẹp. Những chiếc kem được lấy cảm hứng từ các địa điểm tham quan hay truyền thuyết cổ xưa của họ rất hút khách du lịch. Tới điểm tham quan, du khách rất thích thú khi cầm trên tay những chiếc kem vừa ngon miệng, vừa ngon mắt này. Họ mua để chụp hình và đăng tải lên các trang mạng xã hội rất nhiều.”, anh Tân chia sẻ.
Nhận thấy Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và cổ kính, anh Tân đã ấp ủ thực hiện dự án kem về các địa danh tại Hà Nội. Hiện nay đã có 13 địa danh tại Hà Nội được anh Tân mô phỏng thành công.
Để tạo ra được bộ sưu tập các khu di tích, địa danh tại Thủ đô, anh Tân phải mất tới hơn nửa năm. Địa danh anh tâm đắc nhất, mất nhiều thời gian nhất là Nhà thờ Lớn. Lý do, có quá nhiều chi tiết, phải đúc rất nhiều lần mới ra được khuôn kem mô phỏng ưng ý. Sau nhiều nghiên cứu và thử nghiệm, anh Tân quyết định sử dụng dòng kem Gelato của Ý vì tính chất mịn, dẻo và lâu tan hơn so với kem thường, khả năng giữ được hình ảnh địa danh tốt hơn.
Anh Tân cho hay, trong quy trình làm kem, anh luôn ưu tiên những nguyên liệu từ nông sản Việt Nam để ủng hộ người dân.
“Chỉ có nguyên liệu chính được tôi nhập khẩu từ Ý về là bột làm kem, bột sữa thì nhập từ Thái Lan, còn các vị khác tôi dùng bột ca cao của Đắk Lắk, bột trà xanh của Thái Nguyên, một số loại trái cây như bơ, sầu riêng, mãng cầu, xoài của Việt Nam. Trừ một số loại làm từ dạng mứt ở Việt Nam không đáp ứng được thì tôi phải nhập khẩu từ Ý và Thổ Nhĩ Kỳ”, anh Tân nói.
Hiện nay, anh Tân vẫn đang tiếp tục triển khai làm thêm các địa danh mới tại Hà Nội, như Hồ Tây, cầu Thê Húc và một bộ sưu tập mới về các địa danh ở TPHCM như: Dinh Độc lập, chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TPHCM… với mong muốn ghi lại các dấu ấn và lan truyền trên mạng xã hội, góp phần giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về di sản văn hóa nước nhà.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/du-an-khoi-nghiep-bang-niem-tu-hao-to-quoc-post686119.html