Dự án Khu du lịch Dốc Lết- Phương Mai (Khánh Hòa): Thu hồi đất theo 'quy trình ngược'?

Dự án Khu du lịch Dốc Lết- Phương Mai chiếm diện tích gần 163 ha đất tại phường Ninh Hải, Thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Từ năm 2014 đến nay, UBND thị xã Ninh Hòa đã có quyết định thu hồi đất của hơn 200 hộ gia đình với tổng diện tích hơn 70 ha trong phạm vi dự án.

Dự án khu du lịch Dốc Lết- Phương Mai triển khai thu hồi đất kiểu “xôi đỗ”.

Dự án khu du lịch Dốc Lết- Phương Mai triển khai thu hồi đất kiểu “xôi đỗ”.

7 năm chưa xong giải phóng mặt bằng

Dự án Khu du lịch Dốc Lết- Phương Mai (DA) chính thức được triển khai năm 2011 khi Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong có Giấy chứng nhận đầu tư cho Cty CP Phương Mai làm chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, dự án này đã rục rịch triển khai từ năm 2002 khi UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản chấp thuận địa điểm và cho phép Cty CP Phương Mai lập dự án Khu du lịch tại xã Ninh Hải. Đến năm 2003, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai.

Theo đó, Khu du lịch này có tổng diện tích 173,318ha. Sau đó, vào năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có quyết định điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 (quy hoạch phân khu) Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Công Kiết – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) thị xã Ninh Hòa cho hay, hiện nay, sau nhiều đợt thu hồi, bồi thường, hỗ trợ thì Dự án vẫn còn khoảng 55,7 ha đất phải thu hồi.

Cũng theo ông Kiết thì tất cả những quyết định thu hồi đất với các hộ dân trong thời gian qua đều do UBND thị xã Ninh Hòa ban hành cho đến nay, UBND tỉnh chưa ra Quyết định thu hồi tổng thể, chưa có quyết định thu hồi đất của tổ chức, cũng như chưa có quyết định giao đất cho chủ đầu tư.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì trong diện tích gần 163 ha đất, gồm có cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất do tổ chức quản lý (trong đó, UBND phường Ninh Hải quản lý hàng chục ha đất giao thông, thủy lợi, đất mặt biển, đất rừng…).

Trong khi đó, Điều 31 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP quy định rõ, “Trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thì UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất, UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và giao đất, cho thuê đất theo dự án cho chủ đầu tư trong cùng một quyết định?

Điều 66 Luật Đất đai 2014 còn quy định rõ, trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi của UBND cấp huyện và UBND cấp tỉnh thì UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất.

Trong vụ việc này, vì sao UBND thị xã Ninh Hòa có quyết định thu hồi đất từ năm 2004 nhưng đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa ra quyết định thu hồi đất đối với tổ chức hoặc thu hồi đất tổng thể và giao đất cho chủ đầu tư? Vì sao việc thu hồi đất và đền bù lại có tình trạng “xôi đỗ”, lẻ tẻ như trên?

Chưa có quyết định thu hồi đất tổng thể do bị vướng?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, cả ông Kiết và ông Trần Văn Minh – Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa đều không giải thích được mà chỉ nói “tỉnh yêu cầu cấp huyện ra quyết định thu hồi đất thì UBND huyện thực hiện.

Còn vì sao cấp tỉnh chưa ra quyết định thu hồi đất thì chúng tôi không biết. Nhưng chắc chắn cấp tỉnh sẽ phải có quyết định vì dự án có cả đất của tổ chức và đất rừng. Còn hiện nay, phần đất nào mà huyện đã thu hồi, giải phóng mặt bằng xong thì Trung tâm PTQĐ quản lý chứ chủ đầu tư cũng chưa được giao sử dụng”.

Tìm hiểu nguyên nhân của quy trình thu hồi đất ngược nêu trên, chúng tôi đã liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa. Cán bộ Văn phòng UBND tỉnh đã tiếp nhận nội dung làm việc để báo cáo lãnh đạo và hứa sẽ có hồi âm cho phóng viên về lịch làm việc, trao đổi. Tuy nhiên, đã gần nửa tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi.

Như vậy, dù dự án đã chính thức triển khai từ 8-9 năm nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa được chính thức giao đất để thực hiện dự án. Trong khi đó, việc dự án triển khai theo kiểu “rùa bò” như trên đã khiến hàng trăm người dân trong phạm vi dự án rơi vào cảnh khốn đốn vì đi cũng không được mà ở cũng không xong.

Nhà mới thì không được xây, nhà cũ thì không được sửa. Đất đai thì không được chuyển nhượng, cho tặng. Tình trạng này diễn ra từ năm 2003 (thời điểm có quy hoạch) chứ không phải từ khi Cty Phương Mai chính thức được giao thực hiện dự án.

Việc dự án bị kéo dài không chỉ làm cho cuộc sống người dân ở đây khốn đốn mà còn gây nhiều thiệt hại khác vì giá đất thị trường thì tăng liên tục, trong khi khung giá đền bù của Nhà nước thì không thay đổi nhiều.

Đáng nói, rất nhiều hộ dân đã tỏ ra khá bất ngờ bởi đến năm 2017, họ mới được chính quyền địa phương giao quyết định thu hồi đất ghi ngày 30/6/2014- tức là 1 ngày trước khi Luật Đất đai 2014 có hiệu lực. Đây liệu có phải là lỗi hành chính thông thường trong việc chậm giao quyết định hay là động thái nhằm “đẩy” việc thu hồi đất trong dự án này về theo những quy định của Luật Đất đai cũ.

Tuy nhiên, dù thu hồi đất theo Luật Đất đai 2003 hay Luật Đất đai 2014 thì cả hai luật này (và các Nghị định hướng dẫn thi hành) đều có những quy định rất cụ thể, chặt chẽ về việc thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế?

Vậy, dự án khu du lịch Phương Mai có phải là dự án phục vụ mục đích phát triển kinh tế để được áp dụng cơ chế “thu hồi đất”? Dự án này có thuộc trường hợp cần xin ý kiến thủ tướng do liên quan đến đất rừng phòng hộ? PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

K.Nguyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dieu-tra-bd/du-an-khu-du-lich-doc-let-phuong-mai-khanh-hoa-thu-hoi-dat-theo-quy-trinh-nguoc-466767.html