Dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi): Kỳ vọng tạo bước đột phá trong hệ thống lập pháp Việt Nam
Thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần làm rõ vai trò và trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật để nâng cao chất lượng các quy định pháp luật khi đi vào đời sống…
Nhiều điểm đột phá trong dự án luật
Tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ đã trình Ủy ban này cho ý kiến về dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi), với nhiều nội dung mang tính đột phá, kỳ vọng nâng cao chất lượng pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Một trong những điểm đột phá là:
Đơn giản hóa và tinh gọn quy trình xây dựng pháp luật: Dự án Luật đề xuất tách biệt quy trình xây dựng chính sách khỏi quy trình lập chương trình lập pháp hằng năm, giúp việc xây dựng chính sách trở nên chủ động và thực chất hơn. Đồng thời, quy trình rút gọn được mở rộng để xử lý nhanh các vấn đề cấp bách, nâng cao khả năng phản ứng chính sách.
Quy trình ban hành VBQPPL được thiết kế theo hướng giảm tầng nấc trung gian, cắt giảm thủ tục không cần thiết, giúp đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nội dung pháp luật. Điều này sẽ khắc phục tình trạng luật chậm có hiệu lực do thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết;
Tăng cường kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm: Một trong những cải cách quan trọng nhất là quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật. Theo đó, Chính phủ và các cơ quan đề xuất VBQPPL phải chịu trách nhiệm đến cùng về nội dung và chất lượng văn bản, đồng thời phải có cơ chế giải trình cụ thể trước Quốc hội và công luận.
Dự án Luật cũng đề xuất tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra việc ban hành VBQPPL để tránh tình trạng lợi ích nhóm, đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong hệ thống pháp luật;
Bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của chính phủ: Một điểm mới đáng chú ý là Chính phủ sẽ được trao quyền ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật nhằm giải quyết các vấn đề khẩn cấp và thực hiện thí điểm chính sách mới. Quy định này giúp Chính phủ linh hoạt hơn trong quản lý điều hành nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ từ Quốc hội và các cơ quan giám sát;
Đổi mới cơ chế ban hành văn bản của quốc hội và ủy ban thường vụ quốc hội: Dự án Luật đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định chương trình lập pháp hằng năm từ Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giúp cơ quan lập pháp hoạt động linh hoạt, chủ động hơn trong việc điều chỉnh nội dung chương trình theo thực tiễn.
Quốc hội chỉ ban hành nghị quyết trong ba trường hợp đặc biệt, còn lại tất cả các vấn đề quan trọng đều phải được luật hóa. Điều này giúp đảm bảo tính ổn định, hạn chế tình trạng văn bản hướng dẫn luật không thống nhất hoặc mâu thuẫn với luật.
Dự án Luật cũng được kỳ vọng tăng cường vai trò của chính phủ trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật: Chính phủ sẽ có vai trò chủ động hơn trong việc triển khai thi hành luật, chịu trách nhiệm đến cùng về hiệu lực thực thi. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát được tăng cường nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật vận hành thông suốt, đồng bộ và hiệu quả hơn.
Ứng dụng công nghệ số trong xây dựng pháp luật: Dự án Luật nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ số vào quy trình lấy ý kiến, đánh giá tác động chính sách và công khai thông tin pháp luật. Việc này không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch mà còn tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng luật.
Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị trong quá trình xây dựng pháp luật, việc xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan liên quan là điều kiện tiên quyết để bảo đảm chất lượng và tính khả thi của hệ thống luật pháp. Rút kinh nghiệm từ Luật Nhà giáo vừa qua, bà Thanh cho rằng, nếu không làm rõ trách nhiệm của cả cơ quan trình dự án luật và các cơ quan thẩm tra như Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban chuyên môn chúng ta khó có thể đạt được một dự thảo luật thực sự có chất lượng.
“Việc quy định không chặt chẽ có thể dẫn đến những định hướng sai lệch ngay từ đầu, ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung luật và quá trình thực thi sau này. Chính vì vậy, cần phát huy những quy định đang hiệu quả, đồng thời gia cố những nội dung chưa rõ ràng để bảo đảm tính ổn định và khả thi của luật”, bà Thanh đề nghị.
Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng cần được làm rõ là quy trình lùi thời điểm trình dự án luật. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 39, việc lùi thời điểm trình Quốc hội có thể thực hiện trên cơ sở kết quả thảo luận của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua. Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi: việc lùi thời điểm có được diễn ra một cách tự động hay bắt buộc phải có báo cáo và sự đồng ý chính thức của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một điểm mấu chốt bởi nếu không được quy định rõ ràng, việc thay đổi thời điểm trình luật có thể gây xáo trộn chương trình kỳ họp, ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình lập pháp.
“Theo quy định tại Khoản 4, Điều 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng chương trình kỳ họp và Quốc hội là cơ quan quyết định chương trình này. Nếu việc lùi thời điểm trình luật không được kiểm soát chặt chẽ, nó có thể làm mất đi tính chủ động và kế hoạch của quá trình lập pháp”, bà Thanh cảnh báo.
Một vấn đề quan trọng khác cần xem xét là quyền hạn của cơ quan thẩm tra trong quá trình lập pháp. Hiện nay, dự thảo luật chưa làm rõ việc cơ quan thẩm tra có quyền đề nghị lùi thời điểm thông qua dự thảo luật hay không, hay quyền này chỉ thuộc về cơ quan trình dự án luật. Điều này rất quan trọng, bởi nếu cơ quan thẩm tra nhận thấy dự thảo luật chưa đạt yêu cầu nhưng không có quyền đề xuất lùi lại để chỉnh sửa, thì nguy cơ thông qua một đạo luật chưa hoàn thiện sẽ rất cao.
Với một Quốc hội có tới 500 đại biểu, việc thông qua một dự thảo luật mà chưa được thẩm định kỹ lưỡng có thể dẫn đến nhiều rủi ro trong thực tế triển khai. Do đó, cần phải bảo đảm rằng cơ quan thẩm tra không chỉ có trách nhiệm mà còn có quyền quyết định trong việc đánh giá chất lượng dự thảo trước khi đưa ra Quốc hội biểu quyết.
“Một điểm cần được xem xét kỹ lưỡng là trách nhiệm của cơ quan trình báo cáo với cấp có thẩm quyền về những nội dung xin ý kiến. Dự thảo luật đã có quy định về việc báo cáo đối với những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, nhưng quy định này vẫn chưa thực sự hợp lý. Hiện tại, quy trình lập pháp dường như đang tách rời trách nhiệm của cơ quan trình đối với việc bảo đảm tính khả thi của chính sách. Việc mở rộng chủ thể trong quá trình lập pháp là cần thiết, nhưng không thể để trách nhiệm của cơ quan trình bị đẩy ra khỏi quy trình một cách thiếu kiểm soát. Cần phải có một cơ chế rõ ràng, trong đó cơ quan trình phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với những chính sách mình đề xuất, thay vì chỉ dừng lại ở mức độ xin ý kiến mà không có nghĩa vụ giải trình thấu đáo”, Phó Chủ tịch đề nghị.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thì đề nghị Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật sửa đổi phải tạo bước đột phá. Nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật (sửa đổi), đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện dự luật này. Ông khẳng định, dù có nhiều khó khăn nhưng Quốc hội đã đạt được kết quả ngoài mong đợi khi giảm từ 173 điều xuống còn 72 điều, một bước tiến đáng kể nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu quả hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ lý do cắt giảm 101 điều. Việc giảm số lượng điều khoản phải đi đôi với việc đảm bảo không gây xáo trộn hay làm mất đi tính toàn diện của luật, đồng thời phải tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra nhiều điểm cần rà soát về kỹ thuật lập pháp. Ông đề nghị chuẩn hóa cách dùng từ, đảm bảo tính chính xác và thống nhất với các luật khác. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị bổ sung vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội vào các điều khoản liên quan đến giám sát và phản biện, nhằm đảm bảo đúng tinh thần của các quy định hiện hành.
Một trong những nội dung quan trọng được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong quá trình soạn thảo luật. Ông khẳng định, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối, không thể để tình trạng dự luật được trình ra Quốc hội nhưng thiếu sự tham gia của lãnh đạo bộ, ngành chủ quản.
“Nếu một dự án luật được đưa ra thảo luận mà không có mặt Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách thì phải dừng lại, chờ Bộ trưởng trực tiếp trình bày. Việc này nhằm đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và nâng cao chất lượng của quá trình lập pháp”, Chủ tịch Quốc hội đề xuất.
Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến định hướng cải cách quy trình lập pháp theo hướng nhanh gọn hơn, nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc phân định rõ quy trình lập chính sách và quy trình soạn thảo luật, cũng như hoàn thiện cơ chế "một luật sửa nhiều luật" để tránh lạm dụng hình thức rút gọn.
Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng nếu được thực hiện tốt, Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp Luật sửa đổi sẽ tạo bước đột phá trong hệ thống lập pháp Việt Nam, giúp các quy định pháp luật trở nên chặt chẽ, khả thi hơn, đồng thời giảm thiểu tình trạng chồng chéo, bất cập trong thực tiễn. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho việc cải cách lập pháp trong các kỳ họp tiếp theo và hướng tới một hệ thống pháp luật tinh gọn, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển đất nước.