DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI): CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ NHIỆM VỤ VÀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI NGHỆ NHÂN

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể. Các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét quy định cụ thể các tiêu chí, tiêu chuẩn được hỗ trợ các chính sách đãi ngộ của Nhà nước cũng như quy định cụ thể về nhiệm vụ và cơ chế bảo đảm cho hoạt động của nghệ nhân.

Cần quy định cụ thể về nhiệm vụ và cơ chế bảo đảm cho hoạt động của nghệ nhân

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 26/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Quan tâm đến chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể được quy định tại Điều 13 của dự thảo Luật, đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nhận thấy, thời gian qua, việc thực hiện chính sách đối với nghệ nhân mới tập trung chủ yếu vào việc vinh danh thông qua các danh hiệu: Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú…và một số chính sách hỗ trợ nhưng mới chỉ áp dụng đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, đại biểu Âu Thị Mai cho rằng, có rất ít nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được hỗ trợ bởi không đạt được các tiêu chí theo quy định tại Nghị định.

Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Trước những bất cập nêu trên, đại biểu Âu Thị Mai đồng tình cao với việc dự thảo Luật lần này quy định chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó tất cả nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể được thụ hưởng chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước chứ không chỉ riêng đối với các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi của Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét quy định cụ thể các tiêu chí, tiêu chuẩn được hỗ trợ các chính sách đãi ngộ của Nhà nước, tránh trường hợp áp dụng tùy nghi. Đồng thời rà soát nội dung điểm b, điểm c, Khoản 1 Điều 13 để tránh trùng lặp.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Lê Văn Khảm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, một nhân tố quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, dự thảo Luật đã quy định một số chính sách ưu đãi hỗ trợ cho nghệ nhân, tuy nhiên các chính sách hỗ trợ hiện mới chỉ áp dụng đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và cũng còn hạn chế về phạm vi hỗ trợ.

Đại biểu Lê Văn Khảm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Lê Văn Khảm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Trong báo cáo tổng kết thực hiện Luật hiện hành có nhắc đến chế độ ưu đãi hiện áp dụng với nghệ nhân tương tự như chế độ, chính sách xã hội đối với người nghèo, người cận nghèo, nhưng khi thể hiện lại nhắc lại chính điểm hạn chế này.

“Cụ thể, tại Điều 13 khoản 11 có chế độ hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng khi chết, tôi nghĩ rằng, nên có chính sách hỗ trợ bao trùm hơn, có ý nghĩa hơn là việc hỗ trợ chi phí mai táng khi chết, thực sự không có nhiều ý nghĩa”, đại biểu nêu rõ.

Đối với nghệ nhân, đại biểu Lê Văn Khảm đề nghị dự thảo Luật này cần quy định cụ thể về nhiệm vụ và cơ chế bảo đảm cho hoạt động của nghệ nhân, khi đã xác định một người là nghệ nhân thì phải có quy định về việc nghệ nhân đó được thừa nhận, được tôn trọng, được tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ. Vì đại biểu cho rằng, việc thực hành di sản, trao truyền tri thức, kỹ năng, cách biểu đạt văn hóa cho thế hệ kế cận, cho cộng đồng khác là một nhiệm vụ đòi hỏi không chỉ lòng say mê, trách nhiệm mà còn cần các điều kiện khác về vật chất và điều kiện xã hội khác.

Bổ sung nghệ nhân dân gian vào đối tượng được hưởng chính sách cùng với nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú

Cùng quan tâm đến các chính sách hỗ trợ nghệ nhân được quy định tại Điều 13 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, nghệ nhân được ví như là báu vật nhân văn sống, sợi dây lưu giữ các yếu tố văn hóa dân gian và là người giữ lửa cho di sản. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa năm 2001 chưa quy định chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân và đến năm 2009 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều, trong đó khoản c Điều 26 có quy định "trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi đối với nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn". Đến năm 2015, Chính phủ cũng mới ban hành được Nghị định 109/2015/NĐ-CP, trong đó quy định về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú nhưng phải thuộc đối tượng là thu nhập thấp hay có hoàn cảnh khó khăn.

Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật, từ khi ban hành đến nay thì chỉ có 20/1.881 nghệ nhân được phong tặng được hưởng chế độ này và không có nghệ nhân dân gian nào trong số 747 nghệ nhân dân gian được hỗ trợ, vì họ không thuộc đối tượng trong Nghị định 109/2015/NĐ-CP.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Do đó, đại biểu Trần Thị Vân đồng tình với việc bổ sung quy định về chính sách đãi ngộ đối với tất cả các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật mà không bị hạn chế bởi quy định với nghệ nhân có thu nhập thấp hoặc hoàn cảnh khó khăn như Luật hiện hành. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung nghệ nhân dân gian vào đối tượng được hưởng chính sách cùng với nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú.

“Bởi nếu chúng ta chỉ có quy định như trên thì chúng ta mới có nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú được hỗ trợ mà chưa đề cập đến chính sách đối với nghệ nhân dân gian, trong khi nghệ nhân dân gian là danh hiệu cao quý của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, được Hội xét duyệt rất kỹ lưỡng và trao cho những người có thành tích trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở nhiều các lĩnh vực khác nhau. Từ năm 2003 đến nay, sau hơn 20 năm, Hội mới xét tặng và phong tặng cho 747 nghệ nhân”, đại biểu phân tích thêm.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị nên cân nhắc khi quy định số tiền cụ thể mức hỗ trợ các nghệ nhân tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 trong dự thảo Nghị định trình kèm với hồ sơ dự án Luật (thay vì mức hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân là 2 triệu đồng, nghệ nhân ưu tú là 1,5 triệu đồng/tháng và chế độ mai táng phí là 10 triệu đồng/người) thì nên quy định mức hỗ trợ tối thiểu đối với nghệ nhân nhân dân là 1,5 lần mức lương cơ sở, nghệ nhân ưu tú là 1 lần và nghệ nhân dân gian là 0,7 lần và chế độ mai táng phí là 5 lần mức lương cơ sở.

Đối với chế độ hỗ trợ mai táng khi nghệ nhân qua đời, đại biểu Trần Thị Vân đồng tình phải ban hành chế độ hỗ trợ này. Bởi theo thống kê, đa phần nghệ nhân nước ta (chiếm 70%-80%) đang ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, có nghĩa là trên 80 tuổi và họ cống hiến cả đời cho bảo tồn và phát huy di sản. “Do đó, chúng ta cần phải hỗ trợ chi phí này để ghi nhận công lao đóng góp cũng như cống hiến của họ đối với di sản chứ không phải chúng ta trả thù lao cho nghệ nhân khi còn sống, khi còn cống hiến thì mới hỗ trợ”, đại biểu nêu rõ.

Cần có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu liên quan đến Điều 13 về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị cần phân định rõ về đối tượng là nghệ nhân, đối tượng là chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể để từ đó thiết kế trong Điều 13 của dự thảo Luật này thật rõ quyền lợi của hai chủ thể.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Bởi vì, tại khoản 15 của Điều 3 dự thảo Luật có giải thích khái niệm chủ thể di sản văn hóa phi vật thể như sau: “Chủ thể di sản văn hóa phi vật thể là cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân kế thừa, sở hữu, nắm giữ và thực hành sáng tạo, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể theo cách phù hợp với nguyên tắc bản chất tự nhiên, giá trị của di sản và cộng đồng (sau đây gọi là chủ thể di sản)”. Như vậy, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể là rộng, không chỉ là nghệ nhân mà còn có cộng đồng, là nhóm người hoặc cá nhân khác kế thừa và sở hữu nắm giữ, thực hành, sáng tạo và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu để đảm bảo phù hợp, đầy đủ và mang tính toàn diện.

Đối với chế độ trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ tiền bảo hiểm y tế về hỗ trợ chi phí mai táng, đại biểu nhận thấy, tại điểm d khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật mới chỉ quy định việc trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền mai táng khi người chết là nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng.

Đại biểu cho rằng, việc thực hiện chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào việc vinh danh thông qua các danh hiệu, cụ thể là danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian. Các danh hiệu này bị chi phối bởi Luật Thi đua, khen thưởng và các chính sách khác cũng đang chỉ tập trung vào nghệ nhân đã có danh hiệu. Trước thực tế đó, cần tiếp tục ban hành chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú nói chung.

Do đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu có chính sách phù hợp, hỗ trợ đối với nghệ nhân, người thực hành, trao truyền, tái tạo di sản và thực hành truyền dạy kỹ năng, kiến thức cho thế hệ kế cận, đặc biệt là các nghệ nhân, người thực hành tổ chức truyền dạy đối với di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Qua đó, vừa đảm bảo công bằng, vừa thể hiện sự quan tâm, ghi nhận, động viên của Nhà nước đối với các nghệ nhân, người thực hành trong việc duy trì, bảo vệ, lưu giữ, truyền dạy những giá trị văn hóa của dân tộc./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87651