Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Băn khoăn quy định cấm tiếp xúc với người bị bạo lực

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 14/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Về quy định cấm tiếp xúc với người bị bạo hành, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định này sẽ gây khó khăn cho việc ngăn chặn hậu quả của hành vi bạo lực gia đình cũng như bảo vệ kịp thời người bị bạo lực.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn viện dẫn, trong thực tiễn đã có rất nhiều trường hợp người ra gây bạo lực lại chính là người giám hộ, người đại diện hợp pháp của người bị bạo lực.

Ông BÙI SỸ HOÀN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: "Khi người bị bạo lực không dám hoặc không thể lên tiếng, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cũng không thể tiếp cận với người bị bạo lực để lấy ý kiến đồng ý của nạn nhân thì việc quy định Ủy ban nhân dân cấp xã khi ra quyết định cấm tiếp xúc lại phải có sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình là rất bất cập. Đặc biệt, khi vụ việc bạo lực ở giai đoạn phát hiện, khi chưa có sự can thiệp của bất kỳ cá nhân, cơ quan nào, điều đó thể hiện rõ tính khẩn cấp tạm thời của biện pháp này tại cấp xã, là nơi gần nhất với người bị bạo lực, mặc dù thời gian cấm tiếp xúc tối đa chỉ là 3 ngày, nhưng nếu áp dụng kịp thời sẽ vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn hậu quả, bảo vệ người bị bạo lực.

Với quy định người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho rằng sẽ khó khả thi trong thực tiễn

Ông NGUYỄN THANH SANG - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Nếu chúng ta quy định vẫn ở trong nhà thì tôi cho là không ổn và trong trường hợp này theo tôi phải có một nhà giống như chúng ta đã thiết kế từ ban đầu là nhà tạm lánh, đổi tên là gì đó để cho những người này ở đó và để cho họ thấy rằng họ đã gây ra và họ phải có trách nhiệm. Thứ hai, khoản 5, người bị cấm tiếp xúc giữ khoảng cách với người bị bạo lực từ 50m trở lên, tôi cho là không khả thi. Ở Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi có hàng trăm người, ngàn người ở trọ, với một nhà trọ khoảng hơn 10m2 thì có phù hợp không, trong khi đây là những người dễ bạo lực gia đình nhất, tôi cho rằng ở đây hoàn toàn không ổn.”

Ông TRẦN CÔNG PHÀN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Họ bị đánh nhưng họ không nói bị đánh đâu, họ nói bị ngã. Vì người ta vẫn còn muốn gần gũi, vẫn muốn tiếp xúc thì mình lại cấm tiếp xúc. Bây giờ xử lý hành chính cũng là túi tiền trong nhà họ ra, bắt chồng họ đi thì trong nhà không có người lao động, không có người chăm sóc. Cho nên tất cả những điều đó phải xuất phát từ yếu tố của gia đình Việt Nam.”

Thực tế cho thấy, có 90,4% vụ bạo lực gia đình nhưng không trình báo, cá biệt nhiều vụ chồng bị vợ bạo lực nhưng giấu diếm. Trong khi đó, người Việt vẫn còn tư tưởng,” đóng cửa bảo nhau” nên việc lôi ra anh sáng chuyện bạo lực gia đình thường rất khó khăn.

Thực hiện : Bích Hạnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/du-an-luat-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-sua-doi-ban-khoan-quy-dinh-cam-tiep-xuc-voi-nguoi-bi-bao-luc