Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ
Cơ sở chính trị
Ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ngày 25/5/2022, Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Kế hoạch số 118-KH/ĐUCA về thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện, Bộ Công an đã ban hành Đề án số 04/ĐA-BCA ngày 30/01/2023 của Bộ Công an về “Xây dựng lực lượng Cảnh vệ thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; đồng thời để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đặt ra nhiệm vụ đến năm 2025 xây dựng lực lượng Cảnh vệ tiến thẳng lên hiện đại. Vì vậy, cần phải hoàn thiện các chế định của Luật Cảnh vệ quy định về lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm để kịp thời đáp ứng được nhiệm vụ nêu trên.
Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; trong đó bổ sung một số chức vụ, chức danh cấp cao như Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Cảnh vệ năm 2017 chưa quy định những người này là đối tượng cảnh vệ.
Cơ sở pháp lý
Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Việc thực hiện các biện pháp cảnh vệ, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, hiện nay, nội dung các biện pháp cảnh vệ, việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt mặc dù đang được thực hiện trên thực tế nhưng chưa được quy định trong Luật Cảnh vệ. Do đó, để bảo đảm phù hợp với khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì các nội dung nêu trên cần phải được cụ thể hóa trong Luật Cảnh vệ.
Cơ sở thực tiễn
Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật Cảnh vệ được ban hành đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo đảm xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ, tạo thuận lợi cho mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối đối tượng cảnh vệ. Việc ban hành Luật Cảnh vệ là một bước quan trọng trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan như: Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản... và phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan đến công tác cảnh vệ.
Luật Cảnh vệ là cơ sở pháp lý quan trọng quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện công tác cảnh vệ, đồng thời giúp cho việc trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của lực lượng Cảnh vệ được quan tâm đầu tư, nâng cấp hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác cảnh vệ được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi trong phối hợp triển khai bảo vệ đối tượng cảnh vệ cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.
Thứ nhất, về đối tượng cảnh vệ
Pháp luật hiện hành quy định 03 nhóm đối tượng cảnh vệ, đó là: Nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu và nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng. Cụ thể:
- Đối tượng cảnh vệ là con người bao gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.
Tuy nhiên, qua tổng kết 05 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cụ thể là:
Thường trực Ban Bí thư là người phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, Nhà nước. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là người đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động đối với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân, đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ với các đối tượng trên để bảo đảm tương đồng, thống nhất với các lãnh đạo chủ chốt, cấp cao khác trong cùng nhóm.
- Điểm đ, Khoản 4, Điều 10 Luật Cảnh vệ quy định một trong các sự kiện đặc biệt quan trọng là đối tượng cảnh vệ, trong đó có "Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2 Điều này[1] tham dự hoặc chủ trì hội nghị".
Điều luật trên quy định tiêu chí hội nghị, lễ hội do Nhà nước tổ chức được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng chưa phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật triển khai thực hiện công tác của lực lượng Cảnh vệ. Theo quy định của điều luật, một hội nghị quốc tế có một trong số các đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a, b khoản 2 Điều 10 (hiện tại đối tượng cảnh vệ gồm 37 đồng chí, kể cả lãnh đạo đã nghỉ hưu như Nguyên Tổng Bí thư, Nguyên Chủ tịch nước...) tham dự hoặc chủ trì hội nghị thì được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng và được áp dụng các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều 14 Luật Cảnh vệ như đối với Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kỳ họp của Quốc hội, gây ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi áp dụng biện pháp cảnh vệ.
- Công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường; ngoài việc bảo đảm an ninh an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế; do đó tùy tình hình an ninh, trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp cho từng đối tượng phù hợp (thường là trong phạm vi, thời gian nhất định). Thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia đòi hỏi pháp luật phải có những quy định linh hoạt để kịp thời điều chỉnh, thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của các Bộ, Ban, Ngành, đề nghị của Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam không thuộc đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Điều 10 của Luật Cảnh vệ, tính từ ngày 01/7/2018 đến nay là 56 đoàn, trong đó Ban Đối ngoại Trung ương 17 đoàn[2]; Bộ Ngoại giao 06 đoàn[3]; Tòa án Nhân dân tối cao 03 đoàn[4]; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 01 đoàn; Bộ Công an 22 đoàn[5]; các Bộ, Ngành khác là 07 đoàn[6]. Hoặc đối với bảo vệ trụ sở cơ quan, như trụ sở các Ủy Ban của Quốc hội tại 22 Hùng Vương, trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại 46 Tràng Thi; theo quy định của Luật Cảnh vệ không phải là khu vực trọng yếu; tuy nhiên theo yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn, Bộ Công an vẫn triển khai một số biện pháp cảnh vệ phù hợp.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, cần thiết bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, về biện pháp, chế độ cảnh vệ
- Điều 11 và Điều 12 Luật Cảnh vệ không tách biệt giữa biện pháp cảnh vệ và chế độ cảnh vệ dẫn đến không xác định được đâu là chế độ mà đối tượng cảnh vệ được hưởng, đâu là biện pháp cảnh vệ mà lực lượng Cảnh vệ phải thực hiện.
- Một số biện pháp, chế độ cảnh vệ hiện nay lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện nhưng chưa được quy định trong Luật để đảm bảo áp dụng thống nhất; trong khi đó việc áp dụng các biện pháp cảnh vệ có thể hạn chế quyền con người, quyền công dân trong một số trường hợp nhất định và theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 phải do luật định. Do vậy, nội dung này cần thiết được đưa vào Luật Cảnh vệ, tạo hành lang pháp lý để triển khai hiệu quả công tác cảnh vệ.
- Một số thuật ngữ về biện pháp cảnh vệ, như: “Chế độ cảnh vệ”, "Kiểm tra an ninh, an toàn”, “Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống”, “Sử dụng thẻ, phù hiệu”, chưa đưa vào giải thích từ ngữ; do vậy áp dụng trên thực tế chưa được thống nhất.
Thứ ba, về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ
- Thực tiễn ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cho thấy công tác cảnh vệ là một nội dung quan trọng của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào việc bảo đảm các điều kiện cho sự ổn định vững mạnh chế độ, chính trị, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Vì vậy công tác cảnh vệ đều được các quốc gia dành sự quan tâm đặc biệt, mà trước hết là tạo dựng cơ sở pháp lý đủ mạnh để tổ chức, tiến hành công tác cảnh vệ một cách hiệu quả.
- Điều 6 Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định: "(1) Nhà nước xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. (2) Ưu tiên bảo đảm phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ; trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ". Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đặt ra yêu cầu cần có chính sách quy định đặc thù để đẩy mạnh xây dựng lực lượng Cảnh vệ. Do đó cần thiết giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện hiệu quả trên thực tế.
- Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ sử dụng thẻ, phù hiệu để phục vụ công tác, đây là một trong những biện pháp được lực lượng Cảnh vệ chủ trì thực hiện hiệu quả trong triển khai công tác bảo vệ cả trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, khi triển khai bảo vệ đối tượng cảnh vệ tại địa bàn nước ngoài, đối với những quốc gia không cùng thể chế chính trị hoặc do pháp luật của nước sở tại quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ chưa có sự tương đồng với pháp luật Việt Nam[7] (Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội không áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ như nguyên thủ quốc gia), việc quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, quyền con người, quyền công dân khi áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với mỗi quốc gia là khác nhau hoặc đối với các chương trình làm việc do phía ta chủ động đề xuất hoặc nằm ngoài chương trình công tác, theo quy định của nhiều quốc gia không áp dụng biện pháp cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ phải thuê lực lượng, phương tiện để đảm bảo an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ. Việc quyết định thuê thể hiện trách nhiệm cao nhất đối với công tác an ninh. Do vậy, cần cụ thể hóa quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ để thuận lợi trong thực hiện công tác cảnh vệ, như: (1) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quốc đội quyết định phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ; (2) Trong trường hợp đã sử dụng tất cả các nguồn nhân lực và phương tiện thiết bị mang theo mà không đáp ứng được công tác cảnh vệ, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 10 khi đi công tác nước ngoài.
Việc này thực tế nhiều nhiệm kỳ, lực lượng Cảnh vệ đã và đang phối hợp với các Văn phòng thực hiện rất hiệu quả. Các Văn phòng chủ trì chuyến công tác chi kinh phí đảm bảo.
- Để triển khai thực hiện công tác cảnh vệ được nhanh chóng, thuận lợi, sĩ quan cảnh vệ được quyền sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt[8] trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt liên quan đến quyền con người, quyền công dân; tuy nhiên Luật Cảnh vệ năm 2017 chưa quy định cụ thể việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt; do vậy cần phải được cụ thể hóa trong Luật để thống nhất thực hiện.
- Khoản 1 Điều 16 Luật Cảnh vệ quy định: Lực lượng Cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, bao gồm: Cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an; cán bộ, chiến sĩ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng. Với quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Cảnh vệ hiện hành thì đã bao hàm quy định về tổ chức bộ máy trong luật chuyên ngành; trong khi đó về tổ chức bộ máy cần phải được quy định tại các luật, như: Luật Tổ chức Chính phủ[9], Luật Công an nhân dân[10]. Vì vậy, cần sửa đổi quy định nội dung này tại dự thảo Luật để đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống pháp luật, cụ thể sửa đổi theo hướng “Lực lượng Cảnh vệ gồm: Lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân, Lực lượng Cảnh vệ Quân đội nhân dân"; còn về tổ chức cụ thể của lực lượng này giao Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Nội dung quy định trên phù hợp với Điều 4 Luật Cảnh vệ: "Lực lượng Cảnh vệ là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng......." và phù hợp với thực tiễn về bố trí lực lượng Cảnh vệ hiện nay; bảo đảm không phát sinh bộ máy, biên chế .
- Lực lượng Cảnh vệ là lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt; do vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm tuyệt đối an toàn các đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ phải thường xuyên huấn luyện nâng cao, huấn luyện chuyên sâu, đặc thù, diễn tập phương án tác chiến thực hiện công tác cảnh vệ; đồng thời tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cảnh vệ cho Công an các đơn vị, địa phương, huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; lực lượng tham gia thực hiện công tác cảnh vệ và lực lượng khác phục vụ công tác cảnh vệ. Do vậy, cần thiết bổ sung các nhiệm vụ trên vào dự thảo Luật và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến, ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Kết luận số 35-KL/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời, để cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 và xuất phát từ những vấn đề bất cập đặt ra trong quá trình thi hành, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Cảnh vệ là thực sự cần thiết nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp, khắc phục những thiếu sót của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với công tác cảnh vệ.
MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT
Mục đích
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 05 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Quan điểm
Một là, quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cảnh vệ; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Hai là, việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; khắc phục những bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác cảnh vệ.
Ba là, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về công tác cảnh vệ.
Bốn là, xây dựng lực lượng Cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hội nhập quốc tế.
Năm là, tham khảo có chọn lọc pháp luật về cảnh vệ của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công an đã tiến hành các công việc xây dựng dự án Luật như sau:
Tổng kết thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017.
Tổng hợp các văn bản của Đảng, Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ.
Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành, đơn vị liên quan và xây dựng Kế hoạch thực hiện dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Xây dựng các dự thảo văn bản thuộc hồ sơ dự án Luật.
Tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
Tổ chức khảo sát lấy ý kiến Công an các đơn vị, địa phương.
Lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chuyên gia pháp luật, nhà khoa học đối với dự thảo Luật thông qua hình thức hội thảo khoa học và lấy ý kiến bằng văn bản.
Đăng tải dự thảo văn bản lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hồ sơ dự án Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định; Chính phủ thống nhất thông qua để trình Quốc hội.
Ngày 22 tháng 02 năm 2024, tại Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và nhất trí trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo quy trình một kỳ họp Quốc hội.
BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ ÁN LUẬT
Dự thảo Luật đã bám sát và cụ thể hóa các chính sách được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 09/02/2023, gồm: (1) Chính sách 1: Bổ sung đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; (2) Xác định tiêu chí các hội nghị, lễ hội là đối tượng cảnh vệ; (3) Hoàn thiện chính sách về biện pháp cảnh vệ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; (4) Quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ. Đồng thời, qua quá trình nghiên cứu, rà soát, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất bổ sung chính sách mới và có báo cáo bổ sung đánh giá tác động chính sách theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Cụ thể đánh giá bổ sung chính sách: “Quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng cảnh vệ không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại .”
Bố cục của Luật
Dự thảo Luật gồm 02 Điều, cụ thể như sau:
- Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ:
+ Sửa đổi, bổ sung Điều 3; cụ thể sửa đổi, bổ sung khoản 4 và bổ sung 04 khoản: khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản 10;
+ Sửa đổi, bổ sung Điều 6; cụ thể bổ sung 01 khoản (khoản 3);
+ Sửa đổi, bổ sung Điều 10, gồm: tên gọi khoản 1, điểm e, điểm h khoản 1; điểm b, điểm d khoản 2; điểm đ khoản 4, khoản 5 và bổ sung khoản 6;
+ Sửa đổi, bổ sung Điều 11, gồm: tách Điều 11 thành Điều 11 và Điều 11a;
+ Sửa đổi, bổ sung Điều 12, gồm: tách Điều 12 thành Điều 12 và Điều 12a;
+ Sửa đổi, bổ sung Điều 13, cụ thể gộp khoản 1 và khoản 2 thành 01 khoản.
+ Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15;
+ Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16;
+ Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 18, gồm bổ sung điểm g, h, i, k vào sau điểm e khoản 1 Điều 18.
+ Sửa đổi, bổ sung Điều 20, gồm khoản 1 và khoản 2; bổ sung Điều 20a vào sau Điều 20.
+ Sửa đổi, bổ sung Điều 25, gồm bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 25.
- Điều 2: Hiệu lực thi hành
Nội dung cơ bản của Luật
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ
(1) Sửa đổi, bổ sung Điều 3
- Nội dung:
Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của Luật này”.
Bổ sung giải thích một số từ ngữ tại Điều 3, gồm: “Chế độ cảnh vệ”, “Kiểm tra an ninh, an toàn”, “Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống”, “Sử dụng thẻ, phù hiệu".
- Căn cứ bổ sung:
Các cụm từ trên thuộc các thuật ngữ chuyên ngành của lực lượng Cảnh vệ, được nhắc lại nhiều lần trong dự thảo Luật do vậy cần có giải thích cụ thể để thống nhất thực hiện.
(2) Sửa đổi, bổ sung Điều 6
- Nội dung:
Sửa đổi, bổ sung theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 6.
- Căn cứ sửa đổi, bổ sung:
Điều 6 Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và công tác cảnh vệ: "1. Nhà nước xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. 2. Ưu tiên bảo đảm phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ; trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ". Hiện nay các quy định trên chưa được thực thi hiệu quả trên thực tế do chưa có hướng dẫn, quy định chi tiết để thống nhất thực hiện, do vậy cần giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện.
(3) Sửa đổi, bổ sung Điều 10
- Nội dung:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung tên gọi khoản 1 phù hợp với quy định Kết luận số 35-KL/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Thứ hai, bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thứ ba quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng; cụ thể sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng. Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ theo hướng quy định: "Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này tham dự" (có đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và khách quốc tế có chức vụ tương đương) thì được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng.
Thứ tư, bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, cụ thể bổ sung nội dung "Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều này".
- Căn cứ sửa đổi, bổ sung:
+ Luật hóa Kết luận số 35-KL/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở;
+ Phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ và đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác cảnh vệ.
(4) Sửa đổi, bổ sung Điều 11
- Nội dung:
Thứ nhất, tách Điều 11 thành 02 điều luật (Điều 11 và Điều 11a)
+ Điều 11: Quy định Chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức danh, chức vụ chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
+ Điều 11a: Quy định biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức danh, chức vụ chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thứ hai, Quy định nguyên tắc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với trường hợp một người vừa giữ chức danh cấp cao của Đảng vừa giữ chức danh cấp cao của Nhà nước.
- Căn cứ sửa đổi, bổ sung
Điều 11 Luật Cảnh vệ năm 2017 không tách biệt giữa biện pháp cảnh vệ và chế độ cảnh vệ dẫn đến không xác định được đâu là chế độ mà đối tượng cảnh vệ được hưởng, đâu là biện pháp cảnh vệ mà lực lượng Cảnh vệ phải thực hiện; do vậy cần có sự tách biệt giữa biện pháp và chế độ cảnh vệ để thuận lợi trong triển khai thực hiện.
(5) Sửa đổi, bổ sung Điều 12
- Nội dung:
Thứ nhất, tách Điều 12 thành 02 điều luật (Điều 12 và Điều 12a)
+ Điều 12. Chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam
+ Điều 12a. Biện pháp cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam
Thứ hai, bổ sung quy định cơ sở để áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam trên cơ sở “nguyên tắc có đi có lại hoặc đối đẳng, yêu cầu đối ngoại”.
- Căn cứ sửa đổi, bổ sung:
Đảm bảo áp dụng thống nhất trên thực tế và phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ.
(6) Sửa đổi, bổ sung Điều 13
- Nội dung: Sửa đổi, bổ sung theo hướng gộp khoản 1 và khoản 2 thành 01 khoản.
- Căn cứ sửa đổi, bổ sung:
Hiện nay, việc kiểm tra an ninh, an toàn đối với việc ra, vào các khu vực trọng yếu đã được lực lượng Cảnh vệ triển khai thực hiện thường xuyên đảm bảo theo quy trình và phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ. Các biện pháp áp dụng đối với khu vực trọng yếu, gồm khu vực làm việc của Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình thành phố Hà Nội đều được áp dụng các biện pháp cảnh vệ như nhau; do vậy sửa đổi, bổ sung Điều 13 theo hướng gộp khoản 1 và khoản 2 thành 01 khoản là phù hợp.
(7) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15
- Nội dung: Sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định khoản 1 Điều 15 như sau: "Có quyền yêu cầu lực lượng Cảnh vệ thực hiện biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định tại Điều 11, Điều 11a, Điều 12 và Điều 12a của Luật này".
- Căn cứ sửa đổi, bổ sung:
Phù hợp với các điều, khoản được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
(8) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16
- Nội dung: Sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định “Lực lượng Cảnh vệ gồm: Lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân, Lực lượng Cảnh vệ Quân đội nhân dân".
- Căn cứ sửa đổi, bổ sung:
Nội dung quy định trên phù hợp với Điều 4 Luật Cảnh vệ: "Lực lượng Cảnh vệ là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng......." và phù hợp với thực tiễn về bố trí lực lượng Cảnh vệ hiện nay; đồng thời đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống pháp luật quy định về tổ chức, bộ máy; bảo đảm không phát sinh bộ máy, biên chế .
(9) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 18 như sau:
- Nội dung:
Luật hóa một số nhiệm vụ lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện; cụ thể: xây dựng, diễn tập phương án để thực hiện công tác cảnh vệ, huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân, huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ; đồng thời tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cảnh vệ cho Công an các đơn vị, địa phương; lực lượng tham gia thực hiện công tác cảnh vệ và lực lượng khác phục vụ nhiệm vụ cảnh vệ; quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ phục vụ công tác cảnh vệ. Giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến, ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ.
- Căn cứ sửa đổi, bổ sung:
Các nhiệm vụ trên, lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện; do vậy cần luật hóa để có căn cứ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Cảnh vệ thực thi nhiệm vụ.
(10) Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:
- Nội dung:
Thứ nhất, luật hóa một số quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội trong thực hiện công tác cảnh vệ; cụ thể: " (1)Quyết định phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ; (2) Trong trường hợp đã sử dụng tất cả các nguồn nhân lực và phương tiện thiết bị mang theo mà không đáp ứng được công tác cảnh vệ, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 10 khi đi công tác nước ngoài.
Thứ hai, quy định cụ thể việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt của sĩ quan cảnh vệ; cụ thể bổ sung 01 điều, sau Điều 20 (Điều 20a).
- Căn cứ sửa đổi, bổ sung:
Trên thực tế các quyền trên lực lượng Cảnh vệ đã và đang thực hiện rất hiệu quả trong triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ; do vậy cần luật hóa để có căn cứ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Cảnh vệ thực thi nhiệm vụ.
(11) Sửa đổi, bổ sung Điều 25
- Nội dung:
Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4, cụ thể "4a. Quy định cụ thể về biện pháp cảnh vệ theo quy định của Luật này ".
- Căn cứ sửa đổi, bổ sung
Các biện pháp cảnh vệ mang tính nghiệp vụ cao; trong khi đó các quy định cụ thể về biện pháp cảnh vệ là các quy định về cách thức, quy trình để thực hiện công tác cảnh vệ, những nội dung này mang tính nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân và có chứa bí mật nhà nước do đó nội dung này giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết là phù hợp.
Điều 2. Điều khoản thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày............tháng.........năm .........
BỘ CÔNG AN
[1] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
[2] Phu nhân cố Chủ tịch nước Lào, Nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, Nguyên Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc, Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, Ủy ban cách bảo vệ cách mạng Cuba, Bí thư thành ủy Lahabana Cu Ba.......
[3] Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên.....
[4] Chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc, Đoàn Tòa án nhân dân tối cao Thái Lan...
[5] Bộ trưởng Bộ An ninh Lào, Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ Mông Cổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Litsva, Giám đốc CIA, Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên Bang Nga.
[6] Nhóm Nghị sĩ Hàn Quốc Việt Nam, Ủy ban Đối ngoại Châu Âu, Bí thư thành ủy Viêng Chăn Lào...
[7] Mỹ, Nga, Anh, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản......
[8] Thông tư số 14/2018/TT-BCA ngày 15/5/2018 quy định về mẫu, quản lý và sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt của lực lượng Cảnh vệ; Thông tư số 89/2021/TT-BCA ngày 06/10/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2018/TT-BCA ngày 15/5/2018.
[9] Điều 23 Luật Tổ chức Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua khen thưởng. Cụ thể khoản 3 quy định: “Quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.... ”
[10] Khoản 2 Điều 18 Luật Công an nhân dân quy định: “Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đơn vị trực thuộc Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương..... và các đơn vị còn lại trong Công an nhân dân”.