DỰ ÁN LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG (SỬA ĐỔI): TỔ CHỨC, TRIỂN KHAI CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA THIẾT THỰC, HƯỚNG VỀ CƠ SỞ

Tại Phiên họp thẩm tra Dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật sửa đổi lần này sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế, đảm bảo công tác tổ chức, triển khai các phong trào thi đua thiết thực, hướng về cơ sở.

Toàn cảnh Phiên họp thẩm tra Dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi)

Toàn cảnh Phiên họp thẩm tra Dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi)

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2004. Luật Thi đua, khen thưởng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013 là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn. Cụ thể: việc tổ chức triển khai phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng Nhân dân, hiệu quả, tác dụng phong trào thi đua chưa cao; một số nơi phong trào thi đua chưa gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa kịp thời. Nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua và việc công nhận danh hiệu thi đua chưa thống nhất; chưa quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong chỉ đạo, triển khai tổ chức phong trào thi đua theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Trong dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi), nội dung sửa đổi, bổ sung về thi đua được thiết kế như sau: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 18 điều nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Trong đó đã quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong tổ chức triển khai phong trào thi đua, để việc phát động, triển khai các phong trào thi đua trong thời gian tới phải thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua. Sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua đã thực hiện ổn định thời gian qua để phù hợp hơn với thực tiễn. Bổ sung danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” cho tập thể khi tham gia các phong trào thi đua theo chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ phát động từ 5 năm trở lên và danh hiệu Cờ thi đua cấp bộ, cấp tỉnh cho tập thể khi tham gia phong trào thi đua theo chuyên đề do bộ, ngành, địa phương phát động từ 3 năm trở lên để phát huy tác dụng khích lệ, động viên phong trào.

Cùng với đó, xuất phát từ thực tiễn triển khai các phong trào thi đua thời gian qua, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, thống nhất đề nghị bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, Thị trấn tiêu biểu”, là những danh hiệu tổng hợp kết quả phong trào thi đua ở cấp xã và đổi tên, điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa” thành danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu” để thống nhất hệ thống danh hiệu thi đua ở cơ sở và cho gia đình. Việc quy định trong Dự thảo Luật các danh hiệu này tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện sau khi Luật được Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi)

Về sửa đổi, bổ sung trách nhiệm phát động thi đua; nội dung thi đua; tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, Dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của “Người đứng đầu” cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động, chỉ đạo phong trào thi đua; bổ sung quy định một trong các nội dung thi đua là: Tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến để thể chế hóa chủ trương của Đảng về nâng cao trách nhiệm của “Người đứng đầu” các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua.

Đối với danh hiệu Chiến sĩ thi đua (cấp toàn quốc; cấp bộ, ban, ngành, tỉnh; cấp cơ sở), Dự thảo Luật đã quy định cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua; bổ sung tiêu chuẩn “có đề án khoa học”,“công trình khoa học” vì trên thực tế có nhiều cá nhân có đề án nghiên cứu khoa học, công trình khoa học đã được nghiệm thu và được áp dụng có hiệu quả; bỏ từ “nhất” trong cụm từ “tiêu biểu xuất sắc nhất”, vì việc so sánh, đánh giá mức độ “nhất” giữa các cá nhân trong bộ, ban, ngành, địa phương chưa có tiêu chí để thực hiện, nhất là đối với các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc các cá nhân trong cùng một địa phương gồm nhiều đối tượng khác nhau.

Đồng thời, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”, Cờ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh đối với tập thể để phù hợp với thực tiễn; đồng thời bổ sung tiêu chuẩn xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ đối với tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức; tập thể dẫn đầu phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động khi sơ kết, tổng kết 05 năm trở lên; Bổ sung tiêu chuẩn tặng Cờ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua chuyên đề có thời gian 03 năm trở lên do bộ, ban, ngành, tỉnh phát động khi tổng kết phong trào thi đua theo chuyên đề để phù hợp với thực tiễn phong trào thi đua do bộ, ban, ngành, tỉnh phát động trong thời gian qua.

Ngoài ra, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”, bỏ tiêu chuẩn “không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên” tại điểm d khoản 1 Điều 24 để phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 “có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao”; Bỏ quy định tiêu chuẩn: “Có nhân tố mới, mô hình mới để các tập thể khác thuộc bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương học tập” khi xét tặng Cờ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh để phù hợp với thực tiễn thực hiện trong thời gian qua./.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=59122