Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên: Rà soát để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật
Ngày 17/4, cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát các luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, trong đó có Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các luật khác trong lĩnh vực tư pháp.
Mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, việc xây dựng dự án Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm bằng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.
Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng.
Huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên.
Đồng thời, tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, đơn giản, phù hợp với người chưa thành niên.
Dự thảo Luật gồm 166 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương. Trong đó, dự thảo Luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự, như bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; Xử lý chuyên biệt; bảo đảm giữ bí mật cá nhân....
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ Luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng; xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện…
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản nhất trí với mục đích, yêu cầu về xử lý chuyển hướng trong dự thảo Luật. Việc sửa đổi, bổ sung chế định này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, nhất là thể chế hóa yêu cầu tại Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 28/12/2023 của Bộ Chính trị “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.
Về các biện pháp xử lý chuyển hướng, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành 12 biện pháp xử lý chuyển hướng và việc làm rõ nội hàm của từng biện pháp dự thảo Luật, tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng người chưa thành niên.
Việc phân biệt rõ các biện pháp được áp dụng độc lập và các biện pháp chỉ được áp dụng đồng thời với các biện pháp khác là phù hợp.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm phù hợp.
Ngoài các điều kiện, nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, cân nhắc bổ sung các điều kiện, tiêu chí cụ thể áp dụng với từng biện pháp để bảo đảm minh bạch và thuận lợi trong thực tiễn thi hành.
Thiết kế các chính sách xử lý theo cách tiếp cận chuyên biệt, toàn diện, thống nhất
Phát biểu tại phiên họp, bày tỏ tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng đề nghị tiếp tục rà soát các quy định tại dự thảo Luật với các bộ luật, luật có liên quan như với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thống nhất với phạm vi điều chỉnh như Tòa án nhân dân tối cao đã trình, theo đó chỉ điều chỉnh lĩnh vực hình sự, không điều chỉnh đối với lĩnh vực dân sự và hành chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng tán thành quan điểm tiếp cận của cơ quan soạn thảo, theo đó Luật này điều chỉnh đồng bộ cả các biện pháp xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên. Quy định như vậy sẽ giúp xây dựng Luật với thiết kế các chính sách xử lý theo cách tiếp cận chuyên biệt, toàn diện, đầy đủ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.
Góp ý về biện pháp xử lý chuyển hướng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Cơ quan trình đang đề xuất 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó có 5 biện pháp đã được Bộ Luật hình sự quy định và 7 biện pháp mới.
Tổng thư ký QH đề nghị Cơ quan trình đánh giá, làm rõ việc đưa biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng mà không phải là biện pháp tư pháp giáo dục như quy định tại Bộ luật Hình sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cân nhắc quy định biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp chuyển hướng cho phù hợp với pháp luật quốc tế, trong đó các biện pháp xử lý chuyển hướng cần tập trung phục hồi cho người chưa thành niên khắc phục thiệt hại và không liên quan đến các hình thức hạn chế tự do nào.
Góp ý về quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh bày tỏ tán thành với loại ý kiến quy định chỉ giao cho Tòa án xem xét, quyết định vấn đề này.
Phân tích, bà Nguyễn Thị Thanh cho rằng, biện pháp xử lý chuyển hướng ở mức độ nhất định vẫn có tính chất hạn chế đối với quyền con người, quyền công dân. Mặt khác, cũng cần tránh nguy cơ bỏ lọt tội phạm và tránh lạm dụng, cần cân nhắc xem xét kỹ lưỡng, phải thông qua các thủ tục tố tụng của Tòa án, trên cơ sở phiên họp công khai do Tòa án tổ chức với sự tham gia của người chưa thành niên phạm tội và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan giúp cho người chưa thành niên nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình.
Sau khi nghe ý kiến trao đổi, đề xuất của các cơ quan có liên quan, Tòa án sẽ quyết định biện pháp xử lý chuyển hướng phù hợp nhất với người chưa thành niên.