Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi): Quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá
Tiếp tục chương trình của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, chiều 28/8, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, ngày 26/8/2023, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã có Báo cáo đầy đủ số 1801/BC-UBKHCNMT15 về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới
Theo đó, về điều chỉnh và quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây (Điều 1, 28 và 29), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, dự thảo Luật điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết, đồng thời thống nhất với quan điểm của Chính phủ trình Quốc hội về việc điều chỉnh 3 dịch vụ mới vì trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ với xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin, đã xuất hiện một số dịch vụ cung cấp thêm các tính năng tương tự như dịch vụ viễn thông truyền thống và các dịch vụ này cần được điều chỉnh với phương thức phù hợp vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với quan điểm của Chính phủ trình Quốc hội về việc điều chỉnh 3 dịch vụ mới và đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH, chỉnh lý rõ ràng hơn thuật ngữ tại các khoản 10, 11 và 13 Điều 3, cũng như bố cục riêng Mục 3 Chương II gồm Điều 28 và Điều 29 quy định về vấn đề này.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” (light-touch regulation) đối với 3 loại dịch vụ, cụ thể:
Thứ nhất: Không hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet tại Việt Nam (điểm a khoản 1 Điều 28 và điểm a khoản 1 Điều 29);
Thứ 2: Quy định rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp 3 dịch vụ này tập trung vào các vấn đề về bảo đảm chất lượng dịch vụ; quyền của người sử dụng, an toàn, an ninh; giảm bớt một số nghĩa vụ so với các dịch vụ viễn thông truyền thống (khoản 1 Điều 28 và khoản 1 Điều 29);
Thứ ba: Quy định 3 dịch vụ này áp dụng hình thức đăng ký, thông báo (điểm b khoản 1 Điều 28, điểm b khoản 1 Điều 29);
Thứ tư: Đối với việc quản lý hoạt động cung cấp 3 dịch vụ mới qua biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam, hiện Việt Nam chưa cam kết trong các điều ước quốc tế, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với chính sách trong từng thời kỳ (khoản 2 Điều 28 và điểm a khoản 4 Điều 29).
Giữ quy định về Quỹ nhưng cần hoàn thiện cho phù hợp
Về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (Điều 30, 31 và 32), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam có 2 loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định về Quỹ trong dự thảo Luật vì hiện nay đã phủ sóng tất cả vùng sâu, vùng xa; hoạt động chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước; hoạt động chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc, bất cập.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ quy định về Quỹ trong dự thảo Luật nhưng cần hoàn thiện quy định về Quỹ cho phù hợp và hoạt động hiệu quả hơn. Dự thảo Luật đang được thể hiện theo loại ý kiến này.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với loại ý kiến thứ hai.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, các quy định về Quỹ tại Chương III đã được sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp để Quỹ có thể hoạt động hiệu quả hơn theo hướng: Luật hóa một số quy định đã thực hiện ổn định; Bổ sung quy định về hình thức hỗ trợ; phương thức hỗ trợ bao gồm đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ (khoản 4 Điều 30); Giao Chính phủ quy định một số nội dung cụ thể về hoạt động của Quỹ (khoản 1 Điều 31); Chỉnh lý quy định về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (khoản 2 và khoản 3 Điều 31); Bổ sung quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc phối hợp đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ tại địa phương (khoản 4 Điều 31).
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với việc giữ tên Quỹ là Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá
Đề cập về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet (Điều 48, 50 và 53), Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy nêu rõ, để khắc phục các vướng mắc này, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng:
Thứ nhất: Quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 50.
Thứ hai: Quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước và mức tiêu dùng của người dân tại điểm c, d khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 50. Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày (điểm c khoản 4 Điều 50).
Thứ ba: Quy định trình tự, thủ tục đấu giá thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản (khoản 6 Điều 50).