Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên: Xử lý dứt điểm, bảo đảm lợi ích các bên
Thủ tướng yêu cầu có phương án xử lý khả thi cho dự án nhằm tiết kiệm, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho nhà nước và doanh nghiệp
Ngày 31-7, tại tỉnh Thái Nguyên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến khảo sát, làm việc và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên - một dự án thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) tồn đọng, kéo dài 15 năm vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho nhà nước và doanh nghiệp.
Cùng đi với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp để chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Nhiều hạng mục bỏ hoang, thiết bị hư hỏng
Trực tiếp khảo sát hiện trường khu vực dự án, Thủ tướng bày tỏ sự "sốt ruột" khi thấy nhiều hạng mục của dự án đang bỏ hoang, nhiều vật tư, thiết bị đã hư hỏng, gỉ sét để nằm ngoài trời phủ bạt nhiều năm nay. "Người bảo vệ ở kho thiết bị "xót" với thực trạng dự án, chỉ mong muốn giải quyết việc này cho sớm. Người dân còn như vậy thì chúng ta ngồi đây phải thấy trách nhiệm của mình thế nào" - Thủ tướng nói.
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý các công việc tồn đọng - nhất là dự án thua lỗ, yếu kém kéo dài của ngành công thương. Đến nay, đã xử lý được 5/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả; trong số 7 dự án còn lại, 2 dự án đã có phương án xử lý, 5 dự án đang tiếp tục tìm phương án, trong đó dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được đánh giá thuộc diện phức tạp, khó xử lý nhất.
Dự án nói trên khởi công từ năm 2007, có tổng mức đầu tư ban đầu 3.843 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 8.100 tỉ đồng. Hiện dự án đã thanh toán hơn 95% số tiền cho các nhà thầu, mua sắm thiết bị, với tổng số tiền hơn 4.400 tỉ đồng. Thực tế, gói thầu đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.
Năm 2021, Tisco đề xuất xin thực hiện tiếp dự án với cam kết sẽ bảo đảm dự án hoạt động có hiệu quả sau ít năm. Công ty cho rằng nếu những tồn tại, vướng mắc của dự án giai đoạn 2 không được xử lý kịp thời dứt điểm, tái khởi động, công ty sẽ rất khó duy trì được sản xuất, gần 4.000 lao động mất việc làm và thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống gia đình người lao động, ước tính hơn 20.000 người; làm mất vốn của nhà nước gần 1.200 tỉ đồng...
Theo các báo cáo, vướng mắc chính của dự án liên quan tranh chấp giữa chủ đầu tư (Tisco) và nhà thầu về hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói).
Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết
Sau chuyến thị sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp để nghe báo cáo cùng ý kiến, đề xuất của các bên liên quan. Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất là khẩn trương tìm phương án khả thi để xử lý dự án, báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định, phân tích kỹ lưỡng trên cơ sở thực tiễn, khoa học, pháp lý, bảo đảm tiết kiệm nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất cho nhà nước và doanh nghiệp.
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã cho ý kiến thảo luận, làm rõ những vấn đề liên quan đến hợp đồng xây lắp, mua sắm thiết bị với nhà thầu nước ngoài; việc thanh toán hợp đồng; rà soát, kiểm kê, đánh giá lại công việc, khả năng khắc phục, hiệu quả nếu dự án tiếp tục triển khai. Đáng chú ý, phần lớn đại biểu đều bày tỏ mong muốn và quyết tâm tiếp tục triển khai dự án.
Theo Thủ tướng, phải thống nhất chủ trương trước rồi mới làm. Thủ tướng nêu rõ tinh thần giải quyết các vấn đề đặt ra trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, bám sát các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Bộ Chính trị, kết luận thanh tra, các công việc mà các cơ quan đã triển khai. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên tiếp tục làm việc với các đối tác; thúc đẩy đàm phán trên cơ sở luật pháp, hài hòa lợi ích của mỗi bên.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo việc giải quyết các vấn đề về dự án. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, xây dựng và phát triển một nền công nghiệp hiện đại, trong đó có các ngành công nghiệp nền tảng như luyện kim.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng - liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Làm rõ cơ chế nếu tiếp tục triển khai dự án
Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị đánh giá tình hình, thực trạng, cập nhật số liệu chính xác về dự án, rút kinh nghiệm từ các dự án đã được xử lý trước đây, đề xuất hướng giải quyết cụ thể, làm rõ nguồn lực và cơ chế cần thiết nếu tiếp tục triển khai dự án, ai có thẩm quyền quyết định; báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ ngay trong tháng 8-2022.