Dự án nâng cấp quốc lộ 19 qua Tây Nguyên gặp khó về mặt bằng
Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án nâng cấp quốc lộ 19 qua Tây Nguyên, đoạn qua tỉnh Bình Định đang gặp những vướng mắc về mặt bằng tại vị trí cầu Ba La, Bầu Sen. Ngoài ra, công tác bồi thường, hỗ trợ rung nứt nhà dân cũng chưa được giải quyết dứt điểm.
(KTSG Online) – Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án nâng cấp quốc lộ 19 qua Tây Nguyên, đoạn qua tỉnh Bình Định đang gặp những vướng mắc về mặt bằng tại vị trí cầu Ba La, Bầu Sen. Ngoài ra, công tác bồi thường, hỗ trợ rung nứt nhà dân cũng chưa được giải quyết dứt điểm.
TTXVN dẫn thông tin từ lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện dự án nâng cấp quốc lộ 19 qua Tây Nguyên, đoạn qua tỉnh Bình Định đã cơ bản hoàn thành 7 trong số 8 gói thầu. Khối lượng công việc còn lại chủ yếu tại gói thầu XL01. Tính đến nay, sản lượng thực hiện của gói thầu đã 75% giá trị hợp đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 10-2024.
Tuy nhiên, dự án đang gặp những vướng mắc về mặt bằng tại vị trí cầu Ba La, Bầu Sen. Về công tác bồi thường, hỗ trợ rung nứt nhà dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Ban quản lý dự án 2 chỉ đạo nhà thầu phối hợp với đơn vị bảo hiểm giải quyết tình trạng này. Đến nay, đơn vị đã chi trả 248/893 hộ, đã kiểm đếm 790/893 hộ, còn lại 103 hộ đang tiếp tục kiểm đếm.
Đối với việc điều chỉnh, bổ sung đường gom dân sinh, hệ thống thoát nước, đơn vị đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, huyện Tây Sơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án 2 đã phối hợp với chính quyền địa phương để xem xét, giải quyết các tồn tại. Trong đó có việc điều chỉnh, bổ sung hệ thống đường gom đường đầu cầu Ba La, Bầu Sen; điều chỉnh thiết kế hệ thống rãnh thoát nước dọc từ rãnh hình thang sang rãnh chữ U tại một số vị trí qua khu vực dân sinh, bổ sung cống thoát nước ngang đường…
Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên nhằm nâng cấp khoảng 127 km quốc lộ 19 và xây dựng khoảng 27-35 km tuyến tránh với tổng vốn đầu tư gần 156 triệu đô la Mỹ.
Trong đó, vốn vay Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu đô la Mỹ; vốn đối ứng tương đương 3,7 triệu đô la; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc cho công tác thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu đô la.