Dự án nâng cấp Tỉnh lộ 152: Cần khắc phục dứt điểm những tồn tại
Tỉnh lộ 152 là tuyến đường quan trọng thứ 2 để đến Khu Du lịch Sa Pa, sau Quốc lộ 4D. Thị xã Sa Pa đã nhiều lần đề nghị Ban Quản lý ODA tỉnh và Sở Giao thông vận tải họp bàn tìm giải pháp khắc phục nhưng sau hơn 2 năm, tình trạng sạt lở, xuống cấp vẫn chưa được xử lý triệt để.
Càng gần đến cao điểm mùa mưa lũ, người dân và chính quyền các địa phương nơi Tỉnh lộ 152 đi qua như phường Cầu Mây, xã Tả Van, xã Bản Hồ… càng lo lắng, bởi việc di chuyển trên tuyến đường này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Theo ghi nhận của phóng viên, Tỉnh lộ 152 đoạn từ trung tâm thị xã Sa Pa đi ngã ba Bản Hồ dài gần 20 km đang có 5 điểm sạt lở lớn hoặc xuống cấp. Mặc dù đơn vị được giao làm chủ đầu tư nâng cấp và bảo trì đã nhiều lần tổ chức sửa chữa, khắc phục nhưng phần vì mưa lũ diễn biến phức tạp, phần vì chưa có giải pháp xử lý bài bản, triệt để nên tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn.
Theo quan sát của phóng viên, điểm sạt lở tại Km1+800 đến Km1+950 Tỉnh lộ 152 (điểm sạt trượt ở khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Cầu Mây - Sa Pa), phía taluy dương, đất, đá vẫn sạt trượt xuống hành lang và lòng đường. Được biết, điểm sạt lở này xuất hiện từ mùa mưa lũ năm 2019 và được giao cho Công ty Cổ phần Trường Giang - Sa Pa (đơn vị có dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Cầu Mây - Sa Pa nằm kế bên Tỉnh lộ 152) chịu trách nhiệm thi công kè chống sạt lở và hoàn thiện các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông, nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì mà đến nay việc khắc phục vẫn chưa hoàn thành, khiến các phương tiện đi qua khu vực này gặp rất nhiều khó khăn.
Tại Km4+800 đến Km5+00, phía taluy dương cũng có nhiều điểm sạt lở khiến đất, đá vùi lấp rãnh thoát nước và lấn cả ra lòng đường. Đang cố gắng nhặt những hòn đá lăn vào ruộng ngô ven đường, bà Vàng Thị Sú, xã Tả Van lo lắng: "Đoạn đường đi qua địa bàn xã có mấy chỗ sạt lở chưa được khắc phục. Điểm sạt lớn nhất nằm ngay trên nương ngô của gia đình tôi, cứ mỗi trận mưa, bùn, đất từ lòng đường tràn xuống ảnh hưởng đến sản xuất của gia đình. Không chỉ vậy, tuyến đường bị sạt lở gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại của Nhân dân. Nhiều lần chúng tôi có ý kiến với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhưng mấy năm nay chưa thấy có động tĩnh gì".
Xuôi Tỉnh lộ 152, từ Km7+500 đến Km7+800, theo ghi nhận của phóng viên, đoạn đường gần 200 m bị sạt trượt từ nhiều tháng nay vẫn chưa được khắc phục triệt để, trên mặt đường nham nhở những ổ voi, ổ trâu. Được biết, năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư công trình cầu cạn; tuy nhiên đến nay, vì công tác giải phóng mặt bằng còn một số vướng mắc nên việc triển khai thi công vẫn dang dở.
Bà Vũ Thị Phường, tổ dân phố số 1, phường Cầu Mây cho biết: Tình trạng sạt lở, xuống cấp trên Tỉnh lộ 152, đoạn từ trung tâm thị xã Sa Pa đi ngã ba Bản Dền diễn ra nhiều năm nay. Đã có một số vụ tai nạn giao thông xảy ra do người dân và du khách bị sụt xuống các hố sâu trên lòng đường.
Ông Hoàng Ngọc Định, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Sa Pa cho biết: Dự án nâng cấp, sửa chữa Tỉnh lộ 152 đã được bàn giao đưa vào sử dụng hơn 2 năm qua nhưng vẫn còn một số điểm chưa hoàn thành hoặc bị hỏng, xuống cấp. Mặc dù người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng việc khắc phục vẫn chưa triệt để, ảnh hưởng đến việc đi lại và đời sống của người dân cũng như sự phát triển du lịch của địa phương.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên Tỉnh lộ 152 (đoạn từ trung tâm thị xã Sa Pa đi qua phường Cầu Mây, các xã: Tả Van, Liên Minh, Bản Hồ…), ngoài 5 điểm sạt lở lớn, nền đường xuống cấp thì còn một số đoạn cống thu nước trên lòng đường bị hỏng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông rất lớn nếu người điều khiển phương tiện giao thông không chú ý.
Trao đổi với phóng viên, ông Kiều Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai cho biết: Mặc dù đơn vị đã tiếp nhận bàn giao từ chủ đầu tư để tổ chức bảo trì Tỉnh lộ 152 nhưng do một số đoạn vẫn chưa hoàn thành và bàn giao nên dẫn đến tình trạng xuống cấp, gây mất an toàn giao thông. Ngành giao thông vận tải đã đề nghị Ban ODA phối hợp triển khai việc khắc phục các điểm từ Km1+00 trở đi. Còn đoạn từ tổ 1, phường Cầu Mây trở lại trung tâm thị xã Sa Pa có một số cống thu nước bị hỏng là thuộc đường nội thị, do Phòng Quản lý đô thị Sa Pa quản lý bảo trì.
“Chúng tôi đang triển khai máy móc, nhân lực để dọn hót, sửa nền đường, rãnh thoát nước các điểm sạt lở, hư hỏng từ Km1+00 đến ngã ba Bản Dền. Còn các điểm sạt lở lớn trên đoạn đường chưa bàn giao cho Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai quản lý thì đề nghị Ban ODA của tỉnh và Công ty Cổ phần Trường Giang - Sa Pa chủ động triển khai giải pháp xây dựng kè chắn đất đá, làm lại nền đường và xây cầu cạn thì mới có thể đảm bảo lâu dài”, ông Kiều Anh Dũng cho biết thêm.
Chúng tôi đang triển khai máy móc, nhân lực để dọn hót, sửa nền đường, rãnh thoát nước các điểm sạt lở, hư hỏng từ Km1+00 đến ngã ba Bản Dền. Đối với các điểm sạt lở lớn trên đoạn đường chưa bàn giao cho Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai quản lý, đề nghị Ban ODA của tỉnh và Công ty Cổ phần Trường Giang - Sa Pa chủ động triển khai giải pháp xây dựng kè chắn đất đá, làm lại nền đường và xây cầu cạn để có thể đảm bảo lâu dài.
Ông Kiều Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai
Tỉnh lộ 152 là tuyến đường từ trung tâm thị xã Sa Pa đi các điểm du lịch nổi tiếng như Cầu Mây, bãi đá cổ, thung lũng Mường Hoa và xuống các xã, phường vùng thấp như Bản Hồ, Liên Minh, Mường Bo và đi Quốc lộ 4E. Tình trạng xuống cấp, sạt lở không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân địa phương mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Khu Du lịch quốc gia Sa Pa. Cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và du khách.
Trình bày: Lê Nam