Dự án nghỉ dưỡng của BIM Group lấy gần 12 ha rừng thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa?
Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy tại tỉnh Ninh Thuận có gần 12 ha diện tích rừng thuộc quy hoạch rừng đặc dụng do Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa (VQGNC) quản lý, đang được công khai lấy ý kiến tham vấn về môi trường.
Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã công khai lấy ý kiến tham vấn cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam (viết tắt là: Công ty Syrena Việt Nam thuộc thành viên của BIM Group) làm chủ đầu tư.
Theo thông tin được đăng tải trên cổng tham vấn môi trường (https://thamvan.monre.gov.vn/?page=5) của Bộ TN&MT, dự án được công khai lấy ý kiến tham vấn về môi trường bắt đầu từ ngày 11/9/2023, thời hạn là 14 ngày.
Dự án lấy gần 12 ha diện tích rừng
Báo cáo ĐTM cho thấy, dự án có tổng diện tích đất sử dụng là 646.530 m2 (gần 64,65 ha), trong đó đất trồng cây ăn quả khoảng 23.264 m2, đất trồng cây lâm nghiệp khoảng 618.466 m2, đất mặt nước là 4.800 m2. Đáng chú ý, dự án có 11,58 ha diện tích rừng (rừng tự nhiên 10,60 ha; rừng trồng 0,98 ha) thuộc quy hoạch rừng đặc dụng do Ban quản lý VQGNC quản lý.
Theo văn bản số 146/BC-SNNPTNT ngày 10/3/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận về Kết quả kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng và đất rừng tại dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, căn cứ khoản 2 điều 20 Luật Lâm nghiệp: “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha”.
Như vậy, việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, để thực hiện dự án, chủ dự án cần lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định số 332/QĐ-UBND ngày 23/10/2020 về việc Phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững VQGNC đến năm 2030 và Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 23/10/2020 của UBND tỉnh Ninh Thuận về Phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại VQGNC, tỉnh sẽ phát triển 18 tuyến du lịch trên cạn, phát triển các tuyến du lịch biển và phát triển 15 điểm, khu du lịch tại các khu vực như hang Rái, đỉnh Núi Chúa… Trong các khu vực khu vực cho thuê môi trường rừng, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy tọa lạc tại khoảnh 2, 3, 5 tiểu khu 150, phân khu dịch vụ hành chính của rừng đặc dụng tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, thuộc khu vực số 8.
Cũng theo các Quyết định trên, nguyên tắc xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu rừng đặc dụng tại VQGNC thực hiện theo quy định tại điều 14 của Nghị định số 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Cụ thể, trong phân khu phục hồi sinh thái chỉ được lập các tuyến đường bộ phù hợp nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp 4 miền núi…
Trong phân khu dịch vụ hành chính của Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học được xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn, không phá vợ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng... Các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường, chiều cao tối đa của công trình nghỉ dưỡng không quá 12 m.
Đối với công trình xây dựng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu rừng phòng hộ tại VQGNC thì thực hiện theo quy định tại điều 24 của Nghị định số 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ…
Quy mô dự án?
Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 10/2015. Sau đó, dự án được UBND tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh 2 lần vào tháng 12/2017 và tháng 6/2022. Đến đầu năm 2022, dự án được phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng sẽ được triển khai trong hai giai đoạn với mục tiêu khác thác tài nguyên du lịch kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực VQGNC.
Theo phê duyệt, thời gian hoàn thành xây dựng đưa dự án vào hoạt động trong 36 tháng kể từ ngày được UBND tỉnh cấp điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1: Hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động trong vòng 24 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Cụ thể, hoàn tất các thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường và các thủ tục liên quan đủ điều kiện khởi công xây dựng 10 tháng; xây dựng hoàn thành 54 căn biệt thự nghỉ dưỡng (30 Villa 1 phòng ngủ; 24 Biệt thự cao cấp 2 phòng ngủ); khu nhà hàng, khu Spa, công trình dịch vụ; hạ tầng giao thông, điện, nước và các công trình phụ trợ khác trong 14 tháng.
Giai đoạn 2: Hoàn thành đưa toàn bộ dự án vào hoạt động trong vòng 12 tháng sau khi hoàn thành giai đoạn 1. Cụ thể, xây dựng 46 căn biệt thự nghỉ dưỡng (10 Biệt thự cao cấp 2 phòng ngủ; 31 Biệt thự cao cấp 3 phòng ngủ; 4 Biệt thự cao cấp 5 phòng ngủ; 1 Biệt thự cao cấp 5 phòng ngủ).
Tác động của dự án đến môi trường?
Kết quả điều tra, kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp khu vực thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy là 12,9 ha. Trong đó, diện tích thuộc quy hoạch rừng đặc dụng theo Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 6/4/2021 của UBND tỉnh Ninh Thuận là 12,78 ha thuộc lâm phận của Ban quản lý VQGNC đang quản lý và diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng hiện đang do xã Vĩnh Hải quản lý là 0,12 ha.
Diện tích có rừng là 11,58 ha (chiếm 89,8% diện tích điều tra). Trong đó, rừng tự nhiên là 10,60 ha (chiếm 82,2%) thuộc trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đá nghèo kiệt. Diện tích rừng trồng là 0,98 ha (chiếm 7,6% diện tích điều tra) thuộc trạng thái rừng trồng khác núi đá. Diện tích đất chưa có rừng là 1,32 ha (chiếm 10,2% diện tích điều tra).
Theo Báo cáo ĐTM, quá trình thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến 4 loài thực vật có giá trị bảo tồn nằm trong danh sách: IUCN 2016, Sách đỏ Việt Nam (2007), Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và trong danh mục CITES (2017). Cụ thể, 4 loài thực vật bị ảnh hưởng gồm Thiên tuế lược, Dây gắm, Lòng mức trái to và Xương rồng gai. Ngoài ra, có khoảng 311 loài cây có giá trị sử dụng làm thuốc, cho gỗ, làm cảnh, cho tinh dầu, làm thức ăn cho người, gia súc,…
Về động vật các loài có giá trị bảo tồn bao gồm Diều hoa miến điện được ghi trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ đều ở nhóm IIB (Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại); 5 loài bò sát, lưỡng cư trong Sách đỏ Việt Nam 2007 gồm Nhông Leiolepis guttata, Rắn sọc dưa Elaphe radiata, Rắn ráo thường Ptyas korros, Rắn cạp nong Bungarus fasciatus, Rắn hổ mang thường Naja atra và hai loài có tên trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, đều ở nhóm IIB là Rắn sọc dưa Elaphe radiate và Rắn cạp nong Bungarus fasciatus.
Ngoài ra, Báo cáo ĐTM cũng cho thấy, trong quá trình thi công xây dựng, hầu hết các hoạt động đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái khu vực dự án và lân cận.
Cụ thể, tác động đến tính toàn vẹn sinh cảnh. Theo đó, Để tiến hành thi công xây dựng dự án phải phát quang thực vật, đưa máy móc thiết bị; xây dựng các chỗ chứa nguyên vật liệu, lán trại cho công nhân; và các hoạt động đào đắp sẽ làm mất đi phần lớn diện tích rừng, gây ô nhiễm tạm thời và có thể gây ra sự chia cắt manh mún cục bộ (các vật cản vật lý và các xáo trộn cục bộ cho sự di chuyển của các loài) của toàn bộ các sinh cảnh khu vực dự án và lân cận…
Kế đến là, sự có mặt của các máy móc thiết bị và các lán trại công nhân sẽ kèm theo sự ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí bởi tiếng ồn, nước thải, rác thải xây dựng và sinh hoạt cùng các chất ô nhiễm khác trong trường hợp không được thu gom, xử lý sẽ làm suy thoái chất lượng của sinh cảnh. Bên cạnh đó, một phần diện tích rừng bị khai thác để phục vụ thi công gồm: Giai đoạn 1 là 78.123 m2; Giai đoạn 2 là 50.879 m2…
Đồng thời, tác động đến các loài hiếm/nguy cấp khu vực dự án có một số loài nằm trong danh mục bảo tồn như đã nêu ở trên. Do vậy, việc thi công dự án sẽ làm mất sinh cảnh, gây cản trở sự di chuyển để tìm kiếm thức ăn, bạn tình trong mùa sinh sản, làm đảo lộn các tập tính của các loài động vật bao gồm cả các loài quý hiếm.
Ngoài ra, còn tác động đến khả năng tái sinh của thảm thực vật, và các tác động khác như chất thải rắn sinh hoạt (thức ăn thừa, giấy, nhựa, túi nilon,...), chất thải rắn xây dựng (nguyên vật liệu rơi vãi, đất đá thải từ quá trình đào, đắp), chất thải nguy hại (pin, ắc quy thải, bóng đèn thải,...) nếu không được thu gom và xử lý đúng quy định, sẽ tác động đến môi trường đất, nước và tác động trực tiếp đến các sinh vật đất, sinh vật thủy sinh, làm thay đổi số lượng, thành phần loài của hệ sinh thái, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến đa dạnh sinh học của VQGNC và vịnh Vĩnh Hy.
BIM Group của doanh nhân Đoàn Quốc Việt
Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy là doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của BIM Group. Theo quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam có địa chỉ tại tầng 1, tòa nhà Greenbay, đường Hoàng Quốc Việt, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT là ông Đoàn Quốc Việt. Ngoài ra, ông Đoàn Quốc Việt còn đại diện pháp luật cho một số doanh nghiệp mang thương hiệu “Syrena” thuộc hệ sinh thái của BIM Group.
Hiện nay, người đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam là bà Đoàn Thị Thanh Mai, doanh nghiệp này có vốn điều lệ hơn 2.311 tỷ đồng.
BIM Group được thành lập vào năm 1994 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) bởi doanh nhân Đoàn Quốc Việt. Tập đoàn hiện tập trung vào các lĩnh vực như: Bất động sản, Nông nghiệp và thực phẩm, Khách sạn và Du lịch, Thương mại và Dịch vụ, Năng lượng… với hàng loạt công ty đã và đang tham gia đầu tư trải dài khắp cả nước như Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Thuận, Phú Quốc,…
Trong lĩnh vực bất động sản, BIM Land - thành viên của BIM Group sở hữu tổng quỹ đất lên đến 4,9 triệu m2 tại nhiều tỉnh/thành như Hà Nội, Hạ Long, Vientiane, Ninh Thuận và Phú Quốc.
Tại Quảng Ninh, ngoài dự án Hạ Long Plaza, BIM Group là chủ đầu tư các dự án như Khu đô thị Halong Marina với quy mô 248 ha, Khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng. BIM Group cũng phát triển nhiều dự án bất động sản tại Phú Quốc như: Phú Quốc Marina, Park Hyatt Phu Quoc, Palm Garden Shop Villas Phu Quoc, InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort...
Ngày 30/8/2023, công ty này đã hoàn tất phát hành thành công lô trái phiếu BIMCH2330001 với kỳ hạn 2.250 ngày, đáo hạn vào ngày 17/5/2030. Lô trái phiếu này có khối lượng 23.330 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Như vậy giá trị theo mệnh giá phát hành là 2.330 tỷ đồng. Ngày phát hành 31/8, đáo hạn vào ngày 15/7/2030. Mức lãi suất được công bố là 10,4%/năm.