Dự án nghìn tỷ nát tươm: Đắp đất lên lớp bùn, không sạt trượt mới thần kỳ
Nguyên nhân sạt trượt dự án nghìn tỷ nát tươm khiến cựu Giám đốc Sở Xây dựng ở Đắk Nông cùng 5 người khác phải hầu tòa, đang có kết luận khác nhau. Chuyên gia đầu ngành cho rằng kết luận giám định có vấn đề.
Ngày mai 5/11, TAND tỉnh Đắk Nông sẽ mở lại phiên xét xử cựu Giám đốc Sở Xây dựng ở Đắk Nông Đặng Gia Dũng cùng 5 người khác, liên quan đến vụ sạt trượt nghiêm trọng xảy ra tại Dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp Nhân Cơ (Dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Nhân Cơ).
Cụ thể, sạt trượt tại Gói thầu 02XL san lấp và gia cố mái taluy lô nhà máy luyện nhôm, hạng mục công trình san nền và bảo vệ mái dốc.
Gói thầu này khởi công năm 2015, thi công đến năm 2018 bắt đầu sạt trượt. Đến năm 2020, gói thầu đã 5 lần bị sạt trượt, gây thiệt hại hơn 55,6 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng kết luận nguyên nhân sạt trượt do tư vấn, thiết kế. Cụ thể, cơ quan này căn cứ vào Kết luận giám định tư pháp số 19-BC/VKHCN-GĐTP ngày 28/10/2022 của Viện khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải). Theo đó, nguyên nhân sụt trượt khối đất đắp trong quá trình thi công do không có giải pháp thoát nước ngầm trong khối đắp dẫn đến mất ổn định toàn khối.
Từ đó, Viện này xác định, đơn vị tư vấn thiết kế - Cty Cổ phần đầu tư xây dựng Đường Việt là chủ thể chịu trách nhiệm chính dẫn đến việc xảy ra sụt trượt khối đất đắp. Hậu quả, 6 cá nhân liên quan đến công tác tư vấn thiết kế và thẩm định phải ra hầu tòa.
Kết luận trên của Viện khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải “vênh” với kết luận trước đó của các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông (lỗi do chủ đầu tư, tư vấn giám sát và đơn vị thi công).
Liên quan đến kết luận nguyên nhân sạt trượt công trình thuộc Dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Nhân Cơ, PGS.TS Đỗ Minh Toàn - Chuyên gia KHCN trong lĩnh vực Địa chất công trình cho biết, đã đọc các tài liệu liên quan.
Với tư cách là nhà khoa học, PGS.TS Đỗ Minh Toàn cho rằng, kết luận công tác giám định tư pháp có vấn đề chưa thỏa đáng.
Theo ông Toàn, trong xây dựng, khi một công trình gặp sự cố, việc đầu tiên tìm nguyên nhân phải bắt đầu từ công tác thi công công trình, vật liệu sử dụng, giám sát... Nếu các công tác trên tuân thủ theo thiết kế, đạt chất lượng mà vẫn gặp sự cố thì mới kiểm tra và kết luận về hồ sơ thiết kế. Thế nhưng, trong vụ sạt trượt này, cơ quan giám định lại hình như khẳng định nặng về lỗi thiết kế.
Trong tài liệu của cơ quan giám định thể hiện phần đất đắp lên công trình không đạt yêu cầu của thiết kế. Cụ thể: Có cả đá dăm, đá tảng, đất chứa hạt thô. Nếu đắp đúng loại đất và yêu cầu độ chặt (theo thiết kế) thì trong khối đắp không thể có nước dưới đất (nước trọng lực) trong khối đắp được. Điều đó chắc ai cũng thừa hiểu, nước trọng lực chỉ tồn tại trong các lỗ rỗng lớn của đất hạt thô (cát, dăm, tảng, cuội).
“Đối với khối đất san lấp mặt bằng với độ chặt K90, có thiết kế và khuyến cáo các biện pháp thoát nước mặt, với các chỉ tiêu cơ lý của đất đã được giám định tư pháp thí nghiệm hệ số thấm khoảng 10-6 cm/s thì trong kỹ thuật, đây là loại đất ít thấm và được coi như không thấm nước. Vậy làm sao tồn tại nước (trọng lực) trong khối đắp được?”, chuyên gia Đỗ Minh Toàn đặt dấu hỏi.
Ngoài ra, ông cũng nêu ra nhiều vấn đề cần được xem xét lại như: Trong quá trình thi công đắp, hết một lớp đắp có kiểm tra độ chặt theo quy định không? Có nhật ký hoặc hồ sơ để xem xét?.
“Một vấn đề tối kỵ trong xây dựng, cụ thể khi thi công các tường chắn trên. Đó là đặt phần móng của tường chắn lên một lớp bùn chứa hữu cơ, với bề dày có chỗ tới 5m (thiết kế yêu cầu bóc bỏ, nhưng không được bóc bỏ). Một khối đất đắp cao như thế, nhưng phần móng không được xử lý triệt để lớp bùn. Không bóc lớp bùn, nếu cứ đắp lên mà không trượt mới là chuyện thần kỳ trong thực tế. Tuy nhiên, chuyện này không được đề cập thỏa đáng trong xác định nguyên nhân sự cố”, chuyên gia Đỗ Minh Toàn nói.
Theo ông Đỗ Minh Toàn, giả sử nếu tất cả các khâu từ thiết kế đến chất lượng đất đắp và thi công đắp đạt chất lượng nhưng không bóc bỏ hoặc xử lý lớp bùn ở đáy tường thì chắc chắn tường vẫn trượt. Ông rất tiếc, trong kết luận của cơ quan giám định, trách nhiệm ở khâu thi công hiện trường lại rất mờ nhạt!.
Như Tiền Phong phản ánh, thời điểm chưa xảy ra sạt trượt, UBND tỉnh Đắk Nông thành lập Tổ 142 kiểm tra, đôn đốc tiến độ, chất lượng công trình.
Tổ này đã có 8 báo cáo, chỉ ra loạt vi phạm của các nhà thầu thi công gói thầu 02XL: Không thực hiện đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, không có giải pháp thoát nước tạm thời khi thi công trong mùa mưa…
Thậm chí, Tổ này còn phát hiện vị trí bãi đất dự trữ để đắp thuộc gói thầu 02XL có đọng nước, nếu không xử lý triệt để sẽ dẫn đến sạt lở; taluy đất đắp có dấu hiệu sạt mái dốc.
Thế nhưng cảnh báo, yêu cầu của Tổ 142 bị phớt lờ. Hậu quả, ngày 27/8/2018 gói thầu 02XL bị sạt trượt, sau đó thêm 4 lần nữa.
Gói thầu trên do liên danh nhà thầu được chỉ định thi công: Cty CP phát triển đầu tư Thái Sơn (Cty Thái Sơn), Cty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Cty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và thương mại Dương Đạt Gia Lai (Cty Dương Đạt Gia Lai).
Quá trình thi công gói thầu này, Cty Thái Sơn, Cty Dương Đạt Gia Lai có hành vi chuyển nhượng cho nhà thầu khác có giá trị từ 10% trở lên. Do đó, năm 2023, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấm 2 nhà thầu này tham gia đấu thầu các gói thầu hoặc dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong vòng 3 năm.