Dự án nghìn tỷ nát tươm: Hủy án sơ thẩm, giao viện kiểm sát điều tra lại
Liên quan đến dự án nghìn tỷ nát tươm ở Đắk Nông cũ (nay là tỉnh Lâm Đồng), TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã chấp nhận kháng cáo kêu oan, hủy bản án sơ thẩm, giao viện kiểm sát điều tra lại.
Cựu Giám đốc sở cùng 5 bị cáo kháng cáo
TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành bản án phúc thẩm liên quan đến vụ sạt trượt nghiêm trọng xảy ra tại Gói thầu 02XL, thuộc Dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông cũ,nay là tỉnh Lâm Đồng). Dự án có tổng mức đầu tư 1.658 tỷ đồng, khởi công năm 2015 và đến năm 2018 bắt đầu sạt trượt. Tính đến năm 2020, công trình có 5 lần sạt trượt, thiệt hại hơn 55,6 tỷ đồng.
Tháng 11/2024, TAND tỉnh Đắk Nông cũ xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Cửu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ĐTXD Đường Việt (gọi tắtCông ty Đường Việt) 8 năm tù; bị cáo Nguyễn Thanh Hà - Trưởng phòng thiết kế 1, Công ty Đường Việt, 7 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bốn bị cáo khác bị buộc tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Đặng Gia Dũng (cựu Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông) 2 năm 6 tháng tù; Hồ Sĩ Điệp (Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án ĐTXD tỉnh Đắk Nông) 4 năm tù; Trần Quốc Đạt (Trưởng phòng dự án 1, Ban quản lý các dự án ĐTXD tỉnh Đắk Nông) 1 năm 6 tháng tù và Đặng Thái Sơn (nguyên công chức Phòng Quản lý Chất lượng Công trình thuộc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông) 1 năm 3 tháng tù. Ngoài ra, Công ty Đường Việt bị buộc bồi thường toàn bộ thiệt hại tại dự án trên.

TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm
Sau đó cả 6 bị cáo kháng cáo. Trong đó, bị cáo Cửu và Hà kêu oan, các bị cáo còn lại xin giảm án, hưởng án treo, miễn trách nhiệm hình sự. Sau khi xem xét, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh chấp nhận kháng cáo của bị cáo Cửu, Hà và bị đơn dân sự Công ty Đường Việt. Hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Đắk Nông (nay là Lâm Đồng) điều tra lại.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Xét kháng cáo của bị cáo Cửu và Hà, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận thấy, Tòa cấp sơ thẩm căn cứ vào Kết luận giám định số 19 để kết tội các bị cáo là chưa đủ cơ sở.
Kết luận giám định số 19 nhận định, nguyên nhân sụt trượt phần đất san nền, mái ta-luy âm là do không có giải pháp thoát nước ngầm dẫn đến mất ổn định toàn khối, cụ thể: Hệ số ổn định tính toán không đạt yêu cầu với vật liệu đất đắp K90 theo mực nước ngầm thực tế; Mực nước ngầm thực tế cao hơn nhiều so với tính toán trong thiết kế; Mực nước ngầm có trong khối đất đắp là do nước mưa thấm xuống, nước ngầm sau khối đất đắp thấm vào; Chất lượng thi công không đạt độ chặt yêu cầu K90 làm tăng tính thấm của vật liệu đắp dẫn đến sụt trượt nhanh hơn.
Từ đó, HĐXX kết tội các bị cáo Cửu và Hà không đề xuất khảo sát nước ngầm khi thiết kế (theo TCVN 4054: 2005). Cụ thể nhận định: “Hà cũng không áp dụng TCVN 9362:2012 Tiêu chuẩn thiết kế nền và công trình để yêu cầu khi thiết kế phải xem xét mực nước ngầm bất lợi. Dẫn đến việc thiết kế bản vẽ thi công hạng mục san nền và bảo vệ mái dốc không có giải pháp thoát nước ngầm, là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố sụt trượt phần san nền, mái ta-luy đất đắp khi thi công hạng mục San nền và bảo vệ mái dốc”.
Nhưng theo TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, TCVN 9362:2012 không được người quyết định đầu tư duyệt để áp dụng cho dự án nên nhận định trên không đúng quy định. Mặt khác, TCVN 4054: 2005 là tiêu chuẩn cho "Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế" nên không áp dụng cho mái dốc của dự án; mục này không đề cập đến nước ngầm. Như vậy, khái niệm nước ngầm của Kết luận giám định số 19 hoàn toàn không trùng khớp về bản chất.

Khu vực sạt trượt
Chưa hết, theo hồ sơ thiết kế, đất đắp là loại đất không thấm nước nên không tạo ra nước trong khối đắp. Hay nói cách khác, nước trong khối đất đắp không phải là nước ngầm mà do thi công sử dụng vật liệu không đúng hồ sơ thiết kế. Điều này cũng được thể hiện trong Kết luận giám định số 19. Theo kết luận giám định, ba đơn vị (Công ty Thái Sơn, Công ty Dương Đạt Gia Lai...) thi công không đạt độ chặt tỉ lệ 76,6%.
Nguyên nhân sụt trượt công trình không phải do nước ngầm nên bản vẽ thiết kế không có giải pháp nước ngầm không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố sụt trượt. Ngoài ra, hồ sơ thiết kế được Sở Xây dựng Đắk Nông cũ phê duyệt ngày 15/12/2015 nhưng chủ đầu tư cho thi công trước hơn 9 tháng. Lỗi thuộc về chủ đầu tư và đơn vị thi công. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm kết luận nguyên nhân sụt trượt phần đất san nền, mái ta-luy âm là do lỗi chính của đơn vị tư vấn thiết kế là không đúng.
Sự cố sụt trượt xảy ra 5 lần (từ tháng 8/2018 - 10/2020), nhưng các bên liên quan không xử lý ngay lần đầu, dẫn đến tiếp diễn các lần tiếp theo. Sai phạm có hệ thống, trong thời gian dài, có sự liên kết giữa nhà thầu thi công - tư vấn giám sát - chủ đầu tư - cơ quan quản lý nhà nước, nhưng chỉ quy trách nhiệm cho tư vấn thiết kế là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Hiện trường vụ sạt trượt.
Theo TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, quá trình điều tra vụ án đã bỏ qua các báo cáo của Tổ kiểm tra liên ngành 142 (được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông lập vào năm 2018 để kiểm tra, giám sát đối với dự án trên). Trong đó, 6 báo cáo thể hiện có sai sót của chủ đầu tư, đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát.
Tại phiên sơ thẩm, các báo cáo của Tổ kiểm tra liên ngành mới được đưa ra xem xét. Lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, song vẫn tiến hành xét xử là không bảo đảm khách quan trong đánh giá nguyên nhân sự cố sụt trượt, bỏ lọt tội phạm đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát.
Theo TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh sai phạm của bị cáo Cửu và Hà chưa được làm rõ, đồng thời có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với chủ đầu tư, các đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát nên chưa có cơ sở để buộc trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại của chủ đầu tư. Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm kết tội 6 bị cáo nhưng chỉ buộc Công ty Đường Việt chịu trách nhiệm bồi thường là không đúng quy định.
Liên quan đến vụ án trên, Báo Tiền Phong đã có nhiều bài phản ánh những vấn đề chưa được làm rõ. Từ đó cơ quan chức năng chưa xem xét toàn diện, khách quan, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.