Dự án PPP 'đóng cửa' với thanh tra, kiểm toán?
Được nhấn mạnh là dự án luật mới, rất quan trọng, song dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP) lại chỉ được dành khoảng một giờ thảo luận tại tổ...
Dự án BOT nhà nước không bỏ ra đồng nào nhưng kiểm toán vẫn chỉ ra nhiều sai phạm, còn dự án PPP nói chung thì chỉ được kiểm toán phần vốn nhà nước thì sẽ kiểm soát thế nào, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc băn khoăn.
Được nhấn mạnh là dự án luật mới, rất quan trọng, song dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) lại chỉ được dành khoảng một giờ thảo luận tại tổ, sáng 11/11.
Tại tổ thảo luận 11 (gồm các đoàn Nghệ An, Hòa Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu) Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc phát biểu đầu tiên.
Ông Phớc băn khoăn nhiều vấn đề, trong đó có quy định về chia sẻ rủi ro.
Theo dự thảo luật thì Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng
Việc này, theo Tổng Kiểm toán thì cần cân nhắc và nghiên cứu thật kỹ. Bởi quy định về thanh tra, kiểm toán như dự thảo không đủ cơ sở để mà thanh quyết toán và chia sẻ rủi ro. Vì, chỉ có thanh tra chuyên ngành mới được thanh tra, còn thanh tra cấp tỉnh hay Thanh tra Chính phủ là không được thanh tra dự án PPP.
Còn điều 80 thì quy định: Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại điều 65 và điều 67 của luật này.
Tức là chỉ được kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng (điều 65) và vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (điều 67) .
Đó là các dự án nhà nước bỏ vốn thì có gì mà kiểm toán. Còn cả công trình có đúng giá trị không, có đạt chất lượng không, hoàn trả thế nào thì phải được kiểm toán mới đúng chứ, ví dụ dự án BOT giao thông nhà nước có bỏ đồng nào đâu mà vẫn kiểm toán và chỉ ra rất nhiều sai phạm, ông Phớc phân tích.
Kiểm toán quy định tại điều điều 67 tức là chỉ kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thế còn những dự án to đùng được nhà nước hoàn trả về đất đai thì không ai kiểm toán à? (trong các loại hợp đồng PPP có hợp đồng BT - đổi nguồn lực lấy công trình- PV) , ông Phớc tiếp tục băn khoăn và đề nghị nên quy định thanh tra, kiểm toán dự án PPP theo Luật Thanh tra và Luật Kiểm toán.
PPP là dự án huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công chứ không phải đầu tư công trình tư nhân, Tổng Kiểm toán nhấn mạnh.
Phát biểu liền sau đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng nhắc đến độ nóng tại nghị trường khi kết quả kiểm toán các dự án BOT được công bố. Vị đại biểu này cũng đồng tình với Tổng Kiểm toán PPP là dự án có tính chất công xuyên suốt thì kiểm toán phải tham gia.
Đứng dậy lần hai, ông Phớc nhấn mạnh, với bản chất của các dự án PPP thì phải kiểm tra chặt chẽ từ đầu đến cuối, tài sản công phải quản thật chặt tránh tình trạng ở nhiều dự án BOT và BT vừa rồi.
Ông Phớc cũng đặt vấn đề là, tại sao các dự án BT không trả nhà đầu tư bằng tiền mà cứ trả bằng đất là thế nào, vì thực tế có thể đấu giá đất lấy tiền trả cho nhà đầu tư sòng phẳng.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu thực tế có công trình PPP không có tiền mà chỉ dựa vào đất đai. Và vấn đề này có hai quan điểm. Thứ nhất là cứ dùng tiền ngân sách để trả (thống nhất thời gian trả tại hợp đồng) sau đó tiến hành đấu giá đất sạch và lấy tiền trả.
Còn nếu trả bằng đất thì lúc này chưa giải phóng mặt bằng, chưa đấu giá nên giá đất thấp, sau này có hiện tượng đội chi phí nên có nhiều quan ngại việc đổi đất lấy hạ tầng.
Cho rằng cần phải xem xét rất kỹ câu chuyện đổi đất lấy hạ tầng này, Bộ trưởng Hà góp ý, dự thảo luật nên bổ sung một chương quy định về các dự án đổi đất lấy hạ tầng.
Bộ trưởng Hà cũng đồng tình với ông Phớc, là nếu để chủ đầu tư tính toán thiết kế, lập dự toán rồi sau đó đấu thầu chọn nhà đầu tư thì không thể công khai minh bạch được. Mà Nhà nước phải làm quy hoạch, tổ chứ chuẩn bị dự án thì mới biết rõ dự án đó thế nào, công nghệ nào phù hợp, đưa danh mục ưu tiên rồi mới đấu thầu thì sẽ tốt hơn nhiều, mới hoàn toàn kiểm soát được tổng mức đầu tư thế nào. Còn nhà nước không đầu tư cái gì ở giai đoạn chuẩn bị mà đòi biết hết cả mọi thứ thì rất khó.
Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/du-an-ppp-dong-cua-voi-thanh-tra-kiem-toan-2019111114473969.htm