Dự án robot thám hiểm sao Hỏa đầu tiên đầy tham vọng của châu Âu
Robot Rosalind Franklin dự kiến sẽ được phóng lên vũ trụ vào năm 2028 và đến sao Hỏa năm 2030 nhằm tìm hiểu xem sự sống có từng tồn tại trên hành tinh đỏ hay không.
Đây là một phần trong sứ mệnh ExoMars của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) nhằm mục đích tìm hiểu xem liệu sự sống có từng tồn tại trên sao Hỏa hay không.
Theo kế hoạch ban đầu là một dự án hợp tác với Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, robot này sẽ được phóng vào năm 2022, song đã bị trì hoãn sau khi bùng phát xung đột Nga- Ukraine. Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, tàu thám hiểm sẽ di chuyển tự động trên bề mặt sao Hỏa, sẽ khoan và khám phá sâu hơn bất kỳ sứ mệnh nào trước đây trên sao Hỏa. Robot sẽ khám phá bề mặt sao Hỏa để trả lời câu hỏi mà nhân loại đã đặt ra từ lâu: liệu đã từng có sự sống trên hành tinh này.
Biên tập viên khoa học và công nghệ Tom Clarke cho biết trên Sky News: “Đây không chỉ là sứ mệnh xe tự hành đầu tiên của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu lên sao Hỏa mà còn là một trong những sứ mệnh đầy tham vọng nhất của cơ quan này. Robot được trang bị mũi khoan có khả năng khoan sâu hai mét qua lớp đất và đá của sao Hỏa. Đây có thể là độ sâu mà chưa có sứ mệnh sao Hỏa nào khác từng đạt tới”.

Robot Rosalind Franklin là một phần trong sứ mệnh ExoMars của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Ảnh: ESA
Thay vì từ bỏ dự án, Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã đánh giá lại, đảm bảo thêm kinh phí và ký kết các thỏa thuận mới để nhận những bộ phận mà Nga từng đảm nhận từ nguồn cung cấp khác. Trạm đổ bộ chở robot sẽ do Airbus chế tạo tại cơ sở ở Stevenage, Hertfordshire, theo hợp đồng trị giá 150 triệu bảng Anh do Cơ quan Vũ trụ châu Âu trao, được chính phủ Anh tài trợ thông qua Cơ quan Vũ trụ Anh. Airbus cũng chính là đơn vị chế tạo robot Rosalind Franklin. Theo đánh giá của giới chuyên gia, hạ cánh trên sao Hỏa không phải là nhiệm vụ dễ dàng, việc đưa robot tiếp cận bề mặt sao Hỏa là một thách thức lớn.
Ông Clarke cho biết: “Đây là một dự án đầy thách thức. 60% các nhiệm vụ lên sao Hỏa đã kết thúc trong thất bại, và việc đáp xuống bề mặt là phần khó khăn nhất”.
Để giải quyết những thách thức này, nhóm dự án đang nghiên cứu chân đáp cho trạm đổ bộ và hai đường dốc đối xứng được triển khai khi trạm hạ cánh, cho phép robot Rosalind Franklin đi xuống theo cách ít rủi ro nhất. Robot cũng đang trải qua các điều chỉnh và nâng cấp khi lịch phóng thay đổi, bao gồm cải tiến hệ thống kiểm soát điều hướng và chỉ dẫn.