'Dự án sân bay Long Thành đã vắt qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội, hy vọng sẽ không hoãn nữa!'
Sáng 9/11, phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, dự án sân bay Long Thành là dự án lớn đã vắt qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội nên hy vọng sẽ không có thêm lần trình lùi hoãn nữa.
Năm 2025 có đưa vào khai thác giai đoạn 1 Dự án sân bay Long Thành được không?
Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhắc lại, với dự án này, Quốc hội khóa 13 thông qua chủ trương đầu tư; Quốc hội khóa 14 ban hành Nghị quyết 53 đồng ý cho tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; khóa 15 chấp thuận đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 6, cho phép cho lùi thời hạn giải ngân dự án thành phần.
"Hy vọng, tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 vào 2025 được bảo đảm, không có thêm lần trình lùi hoãn thời gian" - nữ đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ, bà thực sự chia sẻ với Chính phủ và tỉnh Đồng Nai vì dự án Sân bay Long Thành là một công trình trọng điểm Quốc gia, có vai trò vô cùng quan trọng, kết nối các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng với các trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước; đồng thời kết nối với quốc tế. Bất cứ Dự án đầu tư nào, quá trình triển khai thực hiện so với dự kiến ban đầu thường khó khớp nhau.
Và trong thời gian triển khai thực hiện Dự án, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp (trong đó có cả việc tạm ứng ngân sách địa phương để tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) để hoàn thành công tác thu hồi đất cho Dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1.
Tuy nhiên, nữ đại biểu cho rằng, về những lý do tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập nhằm giải quyết thực tế, đẩy nhanh tiến độ đầu tư toàn bộ dự án, ngoài nguyên nhân do tác động của dịch Covid-19, đề nghị làm rõ còn nguyên nhân nào khác, cần phân tích kỹ, vì thực tế tiến độ triển khai dự án đang rất chậm.
Thứ hai, theo Nghị quyết 53 của Quốc hội, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai 1 lần và hoàn thành trước năm 2021. Tuy nhiên, theo đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp này là dự kiến chậm tới 3 năm, tức đến năm 2024. Việc này đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác giai đoạn 1 Dự án sân bay Long Thành vào năm 2025? Có chậm không? Chậm bao nhiêu lâu? Và vì chậm khâu bàn giao mặt bằng khiến cho muốn đạt tiến độ ở đích 2025 thì các khâu còn lại cần phải tổng lực đẩy nhanh tiến độ. Vậy cần lưu ý tới việc làm sao cho khi đẩy nhanh tiến độ cũng không ảnh hưởng tới chất lượng công trình?
Thứ ba, về đề xuất kéo dài thời hạn giải ngân đối với nguồn vốn đã giao hết đến năm 2021, theo quy định của Luật Đầu tư công, trong trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng có thể quyết định kéo dài nhưng không quá ngày 31/12 của năm sau - chỉ tối đa được 1 năm. Như vậy nguồn vốn này chỉ được kéo dài đến ngày 31/12/2022. Đến nay đã quá hạn gần 1 năm, theo Điều 64 của Luật Ngân sách Nhà nước, khi đã hết thời gian chỉnh lý quyết toán mà chưa thực hiện chi hết thì phải hủy bỏ. "Vậy có đủ điều kiện để có thể xem xét kéo dài phần vốn đã giao từ năm 2021 sang năm 2024 không?", bà Hoa đặt câu hỏi.
Thứ tư, khi Quốc hội khóa XIV chấp nhận tách dự án thành phần, đã đề nghị Chính phủ quan tâm bảo đảm công tác tái định cư, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng chịu ảnh hưởng; bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ; đồng thời khẳng định đây là dự án liên quan đến công tác an sinh xã hội, cần có chính sách, giải pháp chuyển đổi việc làm, đào tạo nghề cho người dân trong vùng thu hồi đất để có thể tham gia vào việc phục vụ trong quá trình khai thác Cảng Hàng không Long Thành. Đây là vấn đề cần được Chính phủ và tỉnh Long An tiếp tục quan tâm, thực hiện.
Nếu bị chậm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ theo dõi sát sao
Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có những giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan như cơ quan chủ trì trình, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chủ quan là do nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi, thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua các góp ý của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp thu và tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Về giải pháp triển khai, xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trường cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, theo dõi, đôn đốc kịp thời, và có các biện pháp tăng cường. Nếu bị chậm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ theo dõi sát sao, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo theo các nội dung Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần để dự án triển khai đúng tiến độ.