Dự án sân bay Long Thành sẽ hoàn thành chậm nhất năm 2026

Chiều 27/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đại biểu lo lắng vì tiến độ giải phóng mặt bằng chậm 3 năm

Đồng tình với tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành, song Phó Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) bày tỏ lo lắng tiến độ dự án đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Tôi rất chia sẻ với Chính phủ khi triển khai dự án rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 nhưng để chậm trễ đến 3 năm quả là một điều rất đáng báo động” - đại biểu nói.

Đại biểu Tạ Thị Yên

Đại biểu Tạ Thị Yên

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), dự án trên chậm chủ yếu do khâu thực hiện tái định cư. Đối với các dự án do tư nhân thực hiện, nội dung về giải phóng mặt bằng, tái định cư thường được thực hiện chi tiết, kỹ lưỡng đến từng hộ dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của dự án, do khâu thực hiện khảo sát chưa cụ thể chính xác, nên thực tế triển khai số lô đã tăng lên khá nhiều, là nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án. Đại biểu đề nghị phải làm sao bảo đảm đến cuối năm 2024 hoàn thành xong, nếu không lại phải trình Quốc hội cho kéo dài dự án. Từ sự việc này, đại biểu cũng cho rằng cần tính toán chi tiết hơn cho việc tái định cư ở các dự án khác.

Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian triển khai dự án đến hết năm 2024. Theo đại biểu đoàn Điện Biên, từ nay đến hết năm 2024, chỉ còn hơn 1 năm nữa, nhưng theo báo cáo về Dự án “nhiều nội dung còn dang dở”. Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương cho kéo dài thời gian thực hiện dự án thì cần phải có giải pháp quyết liệt để hoàn thành dự án theo đúng thời gian quy định, đại biểu đề nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Thị Yên cũng lưu ý, đây là dự án quan trọng quốc gia do Nhà nước đầu tư. Tất cả các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân trong vùng dự án phải được ưu tiên hàng đầu, tránh để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người.

Từ đó, đại biểu đề nghị chính quyền địa phương, chủ đầu tư làm việc thật cụ thể với từng gia đình, để lắng nghe, thuyết phục, giải quyết thấu đáo quyền lợi cho người dân, coi đó như “việc của gia đình, anh em họ hàng mình”.

Phấn đấu đẩy nhanh tiến độ dự án nhà ga sân bay Long Thành

Phát biểu tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có giải thích làm rõ nội dung này.

Theo Bộ trưởng, đây là dự án cảng hàng không có quy mô lớn nhất, tổng mức đầu tư cũng lớn nhất từ trước đến nay. Diện tích phải giải phóng mặt bằng rất lớn, hơn 5.000 ha, trong đó gần 400 ha cho các khu tái định cư.

Trong 2 năm Covid-19, dự án gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai. Sau dịch lại xảy ra xung đột Nga - Ukraine, khiến giá nguyên vật liệu tăng rất cao, ảnh hưởng đến dự án xây dựng khu tái định cư của người dân.

”Năm 2022, nhiều dự án hạ tầng quan trọng với người dân đã phải dừng vì nhà thầu bỏ dự án do giá nguyên vật liệu tăng quá cao so với giá bỏ thầu. Cộng thêm khó khăn từ Covid, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng để làm tiếp” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp tổ

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp tổ

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trước khó khăn đó, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt và đến nay, giai đoạn khó khăn nhất của dự án đã qua, thời gian còn lại cần để hoàn thành dự án không còn nhiều.

Về lo lắng của đại biểu với tiến độ chung của dự án, Bộ trưởng khẳng định mặc dù dự án giải phóng mặt bằng chậm nhưng tiến độ chung cả dự án đến nay đang kiểm soát được.

“Theo đánh giá cá nhân tôi, dự án tổng thể cảng Hàng không quốc tế Long Thành nếu có chậm cũng không quá 1 năm, vì toàn bộ diện tích xây dựng giai đoạn 1 hơn 2.500 ha đã được bàn giao đầy đủ” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định.

Đối với các dự án thành phần, vấn đề chính về tiến độ là nhà ga, thì vừa qua đã lựa chọn được nhà thầu. Theo tiến độ, nhà ga sẽ hoàn thành chậm nhất năm 2026. Do đó, theo lãnh đạo ngành giao thông, có thể yên tâm là việc kéo dài giải ngân cho dự án giải phóng mặt bằng không ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án bởi hiện nay các dự án đang bám sát tiến độ chung.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải thích, Chính phủ chưa trình Quốc hội đề nghị kéo dài thời gian xây dựng, hoàn thành Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vì hiện nay Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo quyết liệt với các nhà thầu để đẩy nhanh và vượt tiến độ. Thời gian thực hiện dự án nhà ga là 39 tháng, nếu tiến độ đẩy sớm được 6 tháng thì vẫn đảm bảo tiến độ là hoàn thành năm 2025.

“Nếu trình xin kéo dài thời gian dự án thì nhà thầu lại ỉ lại. Do đó, hiện nay chúng tôi đang theo dõi, đôn đốc quyết liệt để đẩy nhanh nhất tiến độ dự án” - Bộ trưởng nói.

Sẽ đề xuất sửa Luật PPP

Liên quan đến Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù với các dự án giao thông đường bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết việc Chính phủ trình Quốc hội cho phép nâng tỷ lệ vốn nhà nước lên 70% trong dự án PPP là rất cần thiết.

Mặc dù việc này chưa thực sự tháo gỡ được các vướng mắc, tăng cường được thu hút đầu tư PPP, nhưng theo lãnh đạo ngành GTVT, nếu chờ sửa Luật PPP thì sẽ mất thời gian.

Trong khi đó, chúng ta đang rất cần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng gắn với đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng và liên kết vùng. Việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước lên 70% tạo được sức hút tốt hơn cho các dự án PPP.

Bộ trưởng dẫn ra kinh nghiệm quốc tế là không khống chế tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia, mức này có thể lên đến 80% hoặc với dự án hiệu quả cao thì Nhà nước có thể chỉ cần bỏ vốn 20%, rất linh hoạt.

Một vấn đề quan trọng nữa là tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án riêng. Khi cân nhắc tham gia dự án PPP, hai vấn đề nhà đầu tư quan tâm là hiệu quả và tiến độ giao mặt bằng. Các dự án ở quốc tế đều tách phần mặt bằng, khi giao dự án là 100% mặt bằng có sẵn, điều này ta chưa làm được.

Theo quy định hiện hành, các dự án nhóm A, dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định đã được phép tách riêng phần giải phóng mặt bằng, tuy nhiên các dự án nhóm B, C chưa được phép. Do đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đề xuất nhiều nội dung nữa, mà trong đó triệt để nhất là phải sửa Luật PPP, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-an-san-bay-long-thanh-se-hoan-thanh-cham-nhat-nam-2026-138389.html